24/04/2020 - 10:45

Giảm cân, giảm tác hại của COVID-19 

Các số liệu công bố gần đây cho thấy hơn 90% trường hợp tử vong vì COVID-19 là người cao tuổi và người có bệnh mãn tính nguy hiểm như bệnh tim, bệnh phổi hoặc mất trí nhớ. Tuy nhiên, những thống kê này còn một yếu tố nguy cơ đáng kể nhưng ít được đề cập: cân nặng và béo phì.

Tích cực tập thể dục trong thời gian cách ly tại nhà để kiểm soát cân nặng và phòng, chống bệnh. Ảnh: Activekids

Dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu và Chăm sóc Chuyên sâu Quốc gia (ICNARC) cho thấy 3/4 số bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng ở Vương quốc Anh bị thừa cân hoặc béo phì. Tương tự, nghiên cứu của Đại học New York (Mỹ) trên 4.103 bệnh nhân dạng nặng cho thấy tuổi tác là yếu tố nguy cơ lớn nhất khiến bệnh trở nên nghiêm trọng, béo phì là nguy cơ lớn thứ hai. Cân nặng được đánh giá theo chỉ số khối cơ thể (BMI), trong đó, BMI dưới 25 là “khỏe mạnh”, từ 25 đến 29 là “thừa cân” và 30 trở lên là “béo phì”.

Theo các chuyên gia, trọng lượng dư thừa khiến cơ hoành và phổi khó mở rộng hơn - điều không chỉ hạn chế khả năng cung cấp khí ôxy đến các cơ quan quan trọng, mà còn làm tăng nguy cơ vi khuẩn và nấm phát triển dễ dàng trong phổi, dẫn đến viêm phổi. “Khi cân nặng của bạn tăng lên, sự lưu thông không khí trong phổi ít lại và dễ mắc bệnh về phổi hơn - đặc biệt là hen suyễn, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường” - theo Rob Andrews, Phó Giáo sư về bệnh tiểu đường và nội tiết tại Đại học Exeter (Anh).

Tuần trước, Giáo sư Barry Popkin tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho biết béo phì và thừa cân làm giảm phản ứng miễn dịch cũng như khả năng chống lại COVID-19. Mới đây, Tiến sĩ Matt Capehorn, Giám đốc Viện nghiên cứu Béo phì Rotherham - một trung tâm chuyên về kiểm soát cân nặng ở Anh, khuyến cáo những người thừa cân mắc chứng ngừng thở khi ngủ cũng cần cảnh giác với nguy cơ mắc COVID-19, vì khả năng hô hấp bị hạn chế. Theo đó, mỡ thừa tích tụ quanh vùng cổ chùng xuống khi ngủ, làm cản trở đường thở và gây gián đoạn hơi thở trong thời gian ngắn. Tình trạng này thường gặp nhất ở những người đàn ông thừa cân độ tuổi trên 40 với kích thước vòng cổ hơn 40cm.

Khi điều trị, những người thừa cân cũng “khó nhận đủ ôxy do bị cản trở bởi lượng mỡ dư thừa tích tụ quanh đường thở và nhiều khả năng phải dùng thêm biện pháp trợ thở bằng máy áp lực dương liên tục (CPAP) hoặc thở máy” - Tiến sĩ Capehorn nói thêm. Những biện pháp trợ thở này cũng chứa đựng nguy cơ nhất định. Người thở bằng CPAP qua mặt nạ có thể gặp các vấn đề về hô hấp khác do khó thở đồng bộ với máy, trong khi người thở máy - đặt ống nội khí quản - cũng tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp tính. Mặc dù các bác sĩ ở Ý cho biết những người thừa cân có thể giảm biến chứng do bệnh COVID-19 bằng cách nằm sấp, song Giáo sư Andrew nói rằng loại giường phù hợp cho họ không phải lúc nào cũng sẵn có.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng giảm cân và kiểm soát cân nặng ở mức khỏe mạnh là biện pháp để giảm nguy cơ mắc COVID-19 hoặc phát triển biến chứng nghiêm trọng vì bệnh này. Theo Tiến sĩ Capehorn, việc cách ly tại nhà phòng, chống dịch là cơ hội quý giá để mọi người tìm cách nâng cao sức khỏe, thông qua các hoạt động rèn luyện thân thể, cải thiện chế độ dinh dưỡng và tập thiền hoặc yoga hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

HOÀNG ĐIỂU (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
COVID-19