Thực hiện chương trình kỳ họp, sáng 8-12-2011, kỳ họp thứ 3 của HĐND thành phố đã tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. Nhìn chung, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra dân chủ, khá sôi nổi. Qua đó nhằm đưa ra phương hướng giải quyết các vấn đề bức xúc mà cử tri và đại biểu HĐND quan tâm.
Kiên quyết xử lý những dự án chậm thực hiện, gây bức xúc
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa kỳ họp đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết hiện nay thành phố có bao nhiêu quy hoạch, đồ án, dự án để kéo dài quá thời hạn quy định nhưng không thực hiện? Trách nhiệm thuộc về ai? Đăng đàn trả lời chất vấn, ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Trách nhiệm của Sở Xây dựng được phân công theo dõi, quản lý các dự án khu dân cư, khu tái định cư. Theo ông Phát, hiện nay thành phố có 88 dự án khu dân cư, đô thị, khu tái định cư còn hiệu lực của 66 chủ đầu tư với tổng diện tích 2.590,76 ha. Năm 2011, qua kiểm tra, rà soát các dự án, đã thu hồi chủ trương đầu tư 3 dự án; 16 dự án có tiến độ thực hiện chậm, quá thời hạn quy định. Đại biểu Nguyễn Thành Đông đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết “trách nhiệm thuộc về ai?”. Ông Phát trả lời: “Sở Xây dựng có trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra và tham mưu cho UBND thành phố xử lý”. Đại biểu Võ Văn Đời đặt vấn đề: Đề nghị giám đốc Sở Xây dựng cho biết đến khi nào thì các dự án khu dân cư trên địa bàn thành phố mới hoàn thành? Ông Lê Hồng Phát trả lời: “Chúng tôi phải kiểm tra lại tiến độ tất cả dự án mới biết được”. Còn đại biểu Lê Văn Bảnh, hỏi: “Trung bình mỗi năm thành phố có khoảng 1.000 ha đất chuyển mục đích sử dụng đất. Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết có bao nhiêu % đất chuyển đổi mục đích sử dụng có hiệu quả?”. Câu hỏi này chưa được trả lời thỏa đáng...
|
Đại biểu Trần Văn Nam chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: T. DŨNG |
Đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tọa kỳ họp nhắc nhở: Tình trạng các dự án chậm thực hiện gây nhiều bức xúc của cử tri. Thời gian tới, Sở Xây dựng và các ngành có liên quan cần tham mưu cho UBND kiên quyết hơn trong xử lý; khi quyết định giao dự án phải thẩm tra, thẩm định năng lực của chủ đầu tư để tránh tình trạng dự án kéo dài, gây thiệt thòi cho người dân, lãng phí đất đai.
Sớm di dời bến xe khách và bến xe buýt
Trả lời chất vấn của Thường trực HĐND thành phố về việc di dời 2 bến xe (đường Hùng Vương - Nguyễn Trãi và Quốc lộ 91B), nhằm đảm bảo an toàn giao thông, ông Lư Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết: Tháng10 - 2009, UBND thành phố đã thống nhất xây dựng Bến xe mới tại khu đô thị Nam sông Cần Thơ và giao Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Bến xe tàu phà Cần Thơ làm chủ đầu tư. Hiện nay, công ty đã hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, chờ thông qua UBND thành phố. Thời gian dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác là một năm. Về tình trạng thành phố chưa có bãi đậu xe, bến xe buýt đậu tạm dưới lòng đường, ông Lư Thành Đồng cho biết: Sở GTVT đã trình và được UBND thành phố chấp thuận chủ trương giao làm Chủ đầu tư triển khai thực hiện các quy hoạch: Quy hoạch chi tiết mạng lưới bến bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2030; Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở GTVT phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND thành phố triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng. Trước mắt, nhằm thực hiện năm trật tự, kỷ cương đô thị, Sở GTVT cùng các Sở, ngành, UBND quận Ninh Kiều thống nhất dời tạm bến xe buýt trên đường Nguyễn Thái Học về vị trí bến phà cũ. Ông Lư Thành Đồng cho biết thêm, Sở GTVT đang phối hợp các Sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố để di dời bến tàu ở Bến Ninh Kiều về tại bến phà cũ.
Đại biểu Lê Văn Bảnh chất vấn: “Hiện nay, cầu Trà Nóc và cầu Bình Thủy có tải trọng cho phép qua cầu dưới 20 tấn, trong khi các loại xe vận chuyển hàng hóa có tải trọng 20-30 tấn không vô cảng Cần Thơ được?”. Ông Lư Thành Đồng cho biết: Sở đã kiến nghị Bộ GTVT sửa chữa, nâng cao tải trọng của cầu Trà Nóc; còn cầu Bình Thủy thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91, nhưng do dự án này tạm dừng nên cầu chưa thi công. Ông Đồng cũng khẳng định: Về ý kiến có hay không tiêu cực trong việc cho phép các xe quá tải qua 2 cầu này, Sở GTVT sẽ kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm khắc, nếu phát hiện sai phạm.
Ưu tiên vốn cấp nước sạch cho người dân sử dụng
Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, đánh giá: hầu hết lãnh đạo sở được chất vấn đều trả lời hết trách nhiệm, bám sát chủ đề, nội dung trọng tâm câu hỏi của đại biểu và cử tri đặt ra. Câu hỏi chất vấn của các đại biểu bám sát thực tiễn cuộc sống, những bức xúc của cử tri; nhiều đại biểu chất vấn đến cùng các vấn đề đặt ra, làm cho phiên chất vấn thêm phần sinh động. Tuy nhiên, vẫn còn lãnh đạo sở được chất vấn đưa ra giải pháp giải quyết còn lúng túng, thời gian giải quyết chưa rõ ràng....
|
Vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn sử dụng được nhiều cử tri và đại biểu HĐND quan tâm. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố cho biết giải pháp tới. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết: Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở nông thôn của TP Cần Thơ còn thấp. Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này ở thành phố còn hạn hẹp. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2015 ngành nông nghiệp cần khoảng 1.000 tỉ đồng để thực hiện cung cấp nước sạch cho người dân. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành cung cấp nước đô thị; đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn khác để đẩy mạnh việc cung cấp nước sạch cho người dân; ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên vốn cho vùng bức xúc nhiều nhất.
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, ngành nông nghiệp cũng đã trả lời các vấn đề liên quan đến tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt, việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy nông nghiệp (giai đoạn 2011-2015),... Với câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hiểu về “các giải pháp giúp người nông dân tăng thu nhập?”, ông Phạm Văn Quỳnh cho biết: Giúp người nông dân tăng thu nhập là mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp. Thực tế nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có việc xây dựng cánh đồng một loại giống (đây là cơ sở để thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn), chương trình giảm thất thoát sau thu hoạch; các giải pháp để nâng cao giá trị nông sản, hàng hóa xuất khẩu...
Giáo dục và đào tạo: giải đáp nhiều vấn đề cử tri đặt ra
Nhiều cử tri và đại biểu HĐND thành phố đề nghị lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố cho biết tiến độ triển khai dự án xây dựng trường Tiểu học Cái Khế (quận Ninh Kiều), tỷ lệ học sinh bỏ học, vấn đề dạy thêm học thêm, vì sao chưa sử dụng hết biên chế sự nghiệp thành phố giao?... Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, trả lời như sau: Trường Tiểu học Cái Khế được lập dự án xây dựng từ năm 1999, nhưng hiện nay dự án vẫn chưa triển khai được là do còn 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng. UBND quận Ninh Kiều đã có quyết định cưỡng chế 2 hộ này. Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, Sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tiến hành lập lại dự án đầu tư và triển khai thi công. Về tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học trong những năm qua, theo ông Khiếm đã giảm đáng kể. Cụ thể, năm học 2007-2008, ở 3 cấp học tiểu học, THCS, THPT có 3.199 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 1,84%, đến năm học 2011-2012 có 1.696 học sinh bỏ học, chiếm 0,98%. Nguyên nhân học sinh bỏ học chủ yếu là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do học lực yếu, do nhà xa trường, đi lại khó khăn... Ngoài ra, một số bậc cha mẹ chưa quan tâm tạo điều kiện cho con em đến trường. Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ngành GD&ĐT thành phố đã tham mưu với các cấp chính quyền tăng cường công tác vận động học sinh đến trường. Đồng thời, hỗ trợ chi phí học tập cho 9.300 học sinh, miễn học phí cho 8.900 học sinh, tạo điều kiện cho 17.738 học sinh, sinh viên vay vốn tín dụng... Đối với tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan được nhiều cử tri phản ánh, ông Trần Trọng Khiếm thẳng thắn nhìn nhận: Tình trạng dạy thêm học thêm có tăng hơn những năm trước. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 360 cơ sở dạy thêm học thêm, tăng hơn năm học 2009-2010 là 28 cơ sở; có 667 giáo viên đăng ký dạy thêm, tăng hơn năm học 2009-2010 là 35 giáo viên. Xét về mặt tích cực, thực tế dạy thêm, học thêm đã trở thành nhu cầu của một bộ phận học sinh và các bậc cha mẹ, nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, không ít giáo viên có biểu hiện tiêu cực như lôi kéo học sinh, dạy trước bài học ở lớp. Thời gian qua, ngành đã triển khai Quyết định của Bộ GD&ĐT và UBND thành phố về quy định dạy thêm học thêm cho các cơ sở; đồng thời thanh tra, kiểm tra các cơ sở dạy thêm, học thêm để chấn chỉnh những hạn chế, vi phạm. Riêng trong năm học 2010-2011, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra 24 cơ sở, qua đó chấn chỉnh đối với các cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ yêu cầu trong việc tổ chức dạy thêm, học thêm, đã xử phạt hành chính 6,5 triệu đồng. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Đối với việc sử dụng biên chế được thành phố giao, ông Khiếm cho biết: Trong năm 2011, ngành được thành phố giao 13.566 biên chế, trong đó đã thực hiện 13.364 biên chế, chưa sử dụng là 302 biên chế. Số biên chế chưa sử dụng chủ yếu là biên chế giáo viên mầm non. Hiện nay, ngành còn thiếu 342 giáo viên mầm non, nếu tính đến năm 2015, ngành cần bổ sung thêm 1.130 giáo viên mầm non. Nguyên nhân thiếu giáo viên mầm non là do chế độ chính sách cho giáo viên mầm non chưa thỏa đáng, điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, nhất là huyện ở xa trung tâm thành phố nên tuyển dụng không đáp ứng được nhu cầu...
NHÓM PV CHÍNH TRỊ