26/03/2012 - 22:40

Giải quyết bài toán nguồn nhân lực cho nông nghiệp ĐBSCL

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đang truy cập Internet tại Trung tâm học liệu của trường. Đây là trường ĐH lớn nhất vùng ĐBSCL, có thế mạnh đào tạo ngành nông nghiệp. Ảnh: B. NG

Vùng châu thổ Cửu Long được mệnh danh là vựa lúa, vựa thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, các sản phẩm nông nghiệp đóng góp chủ lực vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Song, ĐBSCL lại là “vùng trũng” về giáo dục- đào tạo. Mặc dù Trung ương, địa phương đã có nhiều chính sách để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng. Thế nhưng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng vẫn là bài toán khó, nhất là nhân lực cho phát triển nông nghiệp khiến các nhà quản lý giáo dục, địa phương đau đầu đi tìm lời giải...

Địa phương: gian nan tuyển nhân sự bậc cao

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2000, tỷ trọng khu vực I (nông- lâm nghiệp, thủy sản) của vùng ĐBSCL chiếm 53,5% trong cơ cấu GDP. Đến năm 2010, tỷ trọng này giảm còn 39% và năm 2011 là 39,4% trong GDP. Giá trị sản xuất bình quân của khu vực I trong giai đoạn 2001-2010 đạt 6,9%; thu nhập trên mỗi héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ĐBSCL tăng từ 20,2 triệu đồng/ha (năm 2000) lên gần 38 triệu đồng/ha năm 2010; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011), tăng hơn 6 triệu đồng so với năm 2010. Các chuyên gia cho rằng, nông dân ĐBSCL rất năng động trong hội nhập kinh tế, nhưng sản phẩm nông nghiệp của vùng chủ yếu là sản phẩm thô, sơ chế, hàm lượng chất xám trong sản phẩm chưa nhiều. Mấu chốt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư, đào tạo đúng mức.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nói: “ĐBSCL vốn có tiềm năng phát triển về nông, lâm, ngư nghiệp. Tuy nông nghiệp là thế mạnh của vùng, nhưng công tác qui hoạch cụ thể chuyên ngành như sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái... thực hiện còn chậm; chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh”. Có nhiều nguyên nhân đến tình trạng trên, theo các nhà khoa học, bên cạnh yếu kém trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng quan trọng phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, sản xuất nông nghiệp của vùng có qui mô nhỏ, trong khi rủi ro cao và đang bị đe dọa trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tiến sĩ Lê Hữu Hải cho biết: “Tuy nhiều địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, nhưng nguồn nhân lực phục vụ vẫn có “độ vênh” khá lớn. Hầu hết nhân sự hoạt động tại các hợp tác xã tiên tiến, các mô hình VietGap, Global GAP... đều là cha truyền, con nối, do tuyển kỹ sư nông nghiệp khó khăn. Còn theo phản ánh của các địa phương, vài năm gần đây, ngành nông nghiệp luôn rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Điều này tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường, hệ lụy là thu nhập của người dân cải thiện chậm.

TP Cần Thơ đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại dịch vụ, song vẫn trên nền tảng nông nghiệp chất lượng cao. Do đó, nhu cầu về nhân lực cho ngành nông nghiệp càng bức thiết hơn. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nói: 10 năm qua, với những đơn vị có nhân sự ổn định thì mọi công việc hoạt động phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, nhân lực cho ngành nông nghiệp không ổn định. Sau một vài năm công tác, cán bộ của ngành chuyển sang công việc khác, mức lương hấp dẫn hơn. Bởi chính sách, mức lương của ngành chưa thực sự tương xứng với công sức của cán bộ. Tính đến cuối tháng 12-2011, ngành nông nghiệp thành phố có 296 cán bộ, viên chức. Nhu cầu đăng ký thu hút nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp cần 12 thạc sĩ năm 2012, 15 thạc sĩ cho năm 2013... Tuy nhiên, 3 năm qua, việc tuyển dụng nhân sự cho ngành không đạt mục tiêu đề ra.

Trường: thu hút thí sinh gian nan

Không thể phủ nhận sự quan tâm đầu tư của Trung ương, nỗ lực của các địa phương vùng ĐBSCL trong việc đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bằng chứng, 12 năm trước, ĐBSCL chỉ có Trường Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang thì bây giờ số lượng trường ĐH đã vượt qua khỏi số đếm của hai bàn tay, với đủ loại hình ĐH công lập và ngoài công lập. Đó là chưa kể các trường cao đẳng, trung cấp. Năm 2011, có 56 ngành đào tạo từ bậc trung cấp đến đại học, tuyển 26.000 sinh viên mới, nâng tổng số sinh viên hiện nay lên 234.754 người, tăng 13% so với năm 2010. Hầu hết các trường này đều có đào tạo khối ngành nông nghiệp, nhưng khó tuyển sinh. Đơn cử như TP Cần Thơ- trung tâm vùng ĐBSCL, có nhiều viện, trường đóng trên địa bàn là lợi thế lớn trong việc hợp tác trên lĩnh vực đào tạo, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao.

Trong khi các địa phương than thiếu nguồn nhân lực cho nông nghiệp, thì các cơ sở đào tạo lâm vào cảnh khốn đốn trong tuyển sinh đầu vào. Tiến sĩ Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: “Cũng như các trường ĐH khác, vài năm gần đây, trường gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh khối ngành nông nghiệp. Có những năm trường phải tuyển đến nguyện vọng 3, nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu”. Lý giải về sự thiếu “mặn mà” của thí sinh đối với các ngành học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Lực, tâm lý của hầu hết học sinh THPT là thích học những ngành nghề mà sau này ra trường có việc làm nhàn nhã, lương cao. Trong khi đó, các ngành nông nghiệp là ngành làm việc cực nhọc, lương bổng không như ý muốn. Phụ huynh học sinh cũng có suy nghĩ không muốn con em mình theo nghề nông để thoát cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Ngay cả Trường ĐH Cần Thơ được xem là có thế mạnh về đào tạo ngành nông nghiệp, nhưng vài năm gần đây, tỷ lệ chọi, điểm chuẩn của các ngành nông nghiệp không cao. Riêng 2 năm qua (2010 và 2011), điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành Chăn nuôi, Bệnh học thủy sản, Trồng trọt, Nuôi trồng thủy sản, Nông học, Hoa viên cây cảnh của Trường ĐH Cần Thơ chỉ từ bằng đến cao hơn điểm sàn 0,5-1 điểm. Phải đến nguyện vọng 2, trường mới tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thống kê sơ bộ từ các trường ĐH, trong tổng số gần 70.000 sinh viên đang theo học thì chỉ có 10,1% sinh viên ngành nông-lâm-ngư nghiệp; bậc cao đẳng chỉ chiếm 4,7% trong tổng số trên 48.000 sinh viên. Rõ ràng sự chênh lệch về nguồn cung lao động trong cơ cấu ngành nghề giữa các ngành và các cấp ở các trường ĐH, CĐ trong khu vực đang “nới” rộng.

Để không “chảy máu chất xám”

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nói: “Tuyển nhân sự cho ngành nông nghiệp đã khó, việc giữ chân cán bộ của ngành càng khó hơn. Trên thực tế đã xuất hiện tình trạng “chảy máu chất xám” từ các đơn vị nhà nước ra các công ty tư nhân. Tại Viện, dù lãnh đạo cố gắng tạo điều kiện cho cán bộ làm việc nhưng vẫn khó thoát tình trạng này, bởi viện chưa có cơ chế đặc thù về sử dụng nhân sự. Trong khi đó, chính sách ưu đãi cho cán bộ nông nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ”. Còn theo nhận định của các chuyên gia, chính sách tiền lương không hẳn là yếu tố quyết định giữ chân lao động bậc cao, mà môi trường làm việc mới là yếu tố quan trọng. Lao động bậc cao cần có môi trường làm việc thoáng để họ cống hiến và sáng tạo.

Theo định hướng phát triển của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 sẽ ưu tiên đầu tư phát triển theo chiều sâu, hàm lượng công nghệ cao, hướng đến sự phát triển bền vững. Và nguồn nhân lực chất lượng cao là mấu chốt quan trọng trong việc giải quyết bài toán phát triển bền vững. Trong vài năm tới, thế mạnh của ĐBSCL vẫn là nông nghiệp. Nghị quyết số 26-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, được xem là chính sách “đòn bẩy” giúp các địa phương có điều kiện đầu tư cho nông nghiệp- nông dân- nông thôn. Nghị quyết 26 xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và lâu dài...”. Song để làm được điều này, không thể thiếu yếu tố nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Để nguồn nhân lực nông nghiệp phát triển bền vững, các trường cần phải tăng cường đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên theo hướng chuyên sâu. Các cơ quan hữu quan cần thực hiện tốt hơn chính sách “Tam nông”, có cơ chế chính sách khuyến khích cho cán bộ nông nghiệp”. Còn tiến sĩ Ngô Tấn Lực cho rằng, nếu tình trạng các trường không tuyển đủ chỉ tiêu ngành nông nghiệp kéo dài, thì đến lúc nào đó nhân lực cho ngành nông nghiệp sẽ bị hụt hẫng. Do đó, Trung ương cần có chính sách thu hút sinh viên vào học những ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: miễn giảm học phí, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp... Thực hiện được việc này sẽ tạo bước đột phá về nhân lực cho ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL.

NGỌC NGÂN

Sinh viên Trường ĐH Cần Thơ đang truy cập Internet tại Trung tâm học liệu của trường. Đây là trường ĐH l&#

Chia sẻ bài viết