30/04/2018 - 16:05

Giải pháp hạn chế bạo lực học đường 

Ngành Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn đã và đang triển khai, thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 27-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường (NĐ80) bằng nhiều giải pháp. Thực hiện tốt NĐ 80 đã góp phần để từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, trên địa bàn quận không xảy ra tình trạng bạo lực học đường.

Trường THCS Thới Long (ở phường Thới Long, quận Ô Môn) là một trong những đơn vị có nhiều nỗ lực trong thực hiện NĐ80. Em Nguyễn Văn Hải, học sinh Trường THCS Thới Long, cho biết: “Thông qua giờ sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt dưới cờ, chúng em được thầy cô tuyên truyền, nhắc nhở nhiều về tình trạng bạo lực học đường. Trong trường, khi phát sinh mâu thuẫn, gây gổ giữa học sinh, thầy cô, bạn bè hóa giải kịp thời, hạn chế được tình trạng đánh nhau, gây mất trật tự”.

Các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Ô Môn được các nhà hảo tâm trao tặng xe đạp, có điều kiện học tập tốt hơn. 

Theo NĐ80, tất cả cơ sở giáo dục đều phải có môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; không có tệ nạn xã hội, không bạo lực. Người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa. Người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái, được phát huy dân chủ và tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực. Thầy Nguyễn Văn Bướm, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Long, cho biết: “Trong năm học 2017-2018 này, chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường. Đồng thời, ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân”.

Anh Trần Thanh Sang, một phụ huynh học sinh Trường THCS Thới Long, cho biết: “Tôi rất đồng tình với việc nhà trường  phải có biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường như: phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường hoặc người học có nguy cơ bị bạo lực học đường; thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ này”.

Theo ông Ngô Hoàng Khang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”. Ngoài ra, Phòng cũng đã triển khai việc thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm công tác xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống bắt nạt học đường cho 35 giáo viên làm Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn, giáo viên dạy môn Ngữ Văn và môn Giáo dục công dân thuộc các Trường THCS trong quận. Lớp tập huấn đã trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ; kỹ năng tư vấn học đường, những kiến thức cơ bản về Luật Trẻ em năm 2016…

Không chỉ vậy, Ban giám hiệu các trường cũng thường xuyên, tích cực phối hợp với Công an các phường ngăn chặn và xử lý các vụ việc gây gổ, tổ chức băng nhóm đánh nhau, gây mất an ninh trật tự trong và ngoài trường, học sinh tham gia các tệ nạn xã hội, học sinh cá biệt… Riêng Liên đội Trường THCS Châu Văn Liêm thực hiện thí điểm tổ chức cho gần 85 học sinh cá biệt, học sinh chưa ngoan xem các video về những hậu quả khi tham gia vào các tệ nạn xã hội như: ma túy (các chất gây nghiện…), đánh nhau, trộm cắp… Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập Câu lạc bộ “Tuổi hồng” tại trường, nhằm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, trang bị cho các em các kỹ năng cần thiết.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết