19/12/2020 - 08:49

Giải mã con số trong ngành Du lịch 

Dân trong ngành Hospitality (dịch vụ ẩm thực - lưu trú - du lịch) cho rằng “Khảo sát thống kê du lịch” là một quyển sách quý, kỳ công của PGS.TS Huỳnh Trường Huy, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, với cách giải mã số liệu thống kê rất hữu ích từ hoạt động du lịch giai đoạn 2011-2019.

Du khách quốc tế tham quan Cồn Sơn.

Du khách quốc tế tham quan Cồn Sơn.

Soi đèn những góc khuất

Theo PGS.TS Huỳnh Trường Huy, trong giai đoạn này, tuy lượng khách tăng 5 lần, tương ứng từ 1,75 triệu lên 8,8 triệu lượt, chiếm 10,6% tổng lượt du khách toàn vùng (năm 2011) và 18,7% (năm 2019), mức tăng trưởng bình quân hằng năm 24,6%, nhưng xét về tỷ trọng doanh thu trong toàn vùng thì ngành Du lịch Cần Thơ giảm 5,6 điểm phần trăm so với Kiên Giang.

Từ năm 2015, ngành Du lịch lữ hành Kiên Giang đã có bước chuyển ngoạn mục, tăng doanh thu 10 lần, từ 27 tỉ đồng (năm 2011) lên 287 tỉ đồng (năm 2017) trong khi đó du lịch lữ hành của Cần Thơ chỉ tăng 1,6 lần, tương ứng 102,6 tỉ đồng và 168,5 tỉ đồng cùng kỳ nêu trên (Tổng cục thống kê, 2020). Hiện nay, Cần Thơ có 66 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành theo hình thức doanh nghiệp hoặc văn phòng chi nhánh tại Cần Thơ, trong đó có 40 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và 26 doanh nghiệp quốc tế… 3 năm gần đây doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ này tăng mạnh, chủ yếu là tư nhân, tự nối kết điểm đến trong vùng ÐBSCL.

Năm 2019, con số thống kê lưu lượng dòng chảy du khách, Cần Thơ đón khoảng 8,4 triệu lượt du khách và hơn 5,8 triệu lượt khách tham quan trong ngày, doanh thu ước tính 3.785 tỉ đồng.

Nguồn lực để tiếp đón, gồm 82 hội viên Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, 148 cơ sở lưu trú được xếp hạng từ 1 đến 5 sao, 32 cơ sở kinh doanh homestay, 105 cơ sở nhà nghỉ, nhà khách đăng ký tiêu chuẩn vật chất tối thiểu phục vụ du khách - mức đầu tư cơ sở vật chất tăng 8,5%/ năm.

Nguồn nhân lực tham gia trực tiếp vào ngành Du lịch gia tăng mạnh từ 2016-2019 với mức tăng trưởng 16,4%/năm thay vì 6%/năm như giai đoạn 2011-2015, có khoảng 70% lao động qua đào tạo qua 4 trường đại học và 3 trường cao đẳng. Năm 2017, có 42% nhân viên làm trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn có trình độ đại học, tỷ lệ này tăng lên 50% trong năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo tập trung vào nhà hàng - khách sạn và du lịch lữ hành (60%), chưa cân đối giữa các lĩnh vực có liên quan.

Con số thống kê lượng khách lưu trú qua đêm chỉ khoảng 2,65 triệu lượt so 8,4 triệu lượt du khách và hơn 5,8 triệu lượt khách tham quan trong ngày. Theo TS Huy tuy con số cho thấy 18,6% chọn khách sạn 3 sao, 13,5% chọn nhà nghỉ, nhà khách, 10,4% chọn khách sạn 1 sao, 4,8% chọn khách sạn 2 sao, 8,1% chọn khách sạn 4 sao, 1,6% chọn khách sạn 5 sao, 1,2% chọn resort, biệt thự, 2,6% chọn homestay, nhưng những người từ nơi khác đến không lưu trú trong hệ thống này thì sao? Cuộc khảo sát cho thấy có đến 14% chọn nhà bạn bè.

Theo PGS.TS Huỳnh Trường Huy, trong công tác khảo sát thống kê thường niên (Thông tư 27/2014/TT-BVHTTDL) bộc lộ một số điểm yếu như sự trùng lắp khi tham quan các điểm du lịch, bỏ sót lượt du khách tham quan (nếu như điểm du lịch không bán vé vào cổng), bỏ sót khách tham quan trong ngày (không lưu trú), những địa phương tiếp giáp đường bộ - du khách tự do đi lại - không phải chịu khâu kiểm soát vé như biển đảo. Vì vậy cần có cách làm khác song song với công tác thống kê số liệu từ báo cáo như lâu nay nhằm loại bỏ yếu tố trùng lắp khi tính toán các chỉ tiêu liên quan đến du khách và thông qua những con số sẽ giúp cho người trong cuộc thấy được bức tranh tổng thể sắc nét như thế nào.

Phản hồi từ du khách?

Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo quyết định 5139/QÐ-BVHTTDL năm 2012 gồm 16 chỉ tiêu và 3 thông tư (năm 2014), chi tiết lượng khách nghỉ qua đêm, mức chi tiêu bình quân, khảo sát qua điểm đến tham quan, điểm vận chuyển du khách trên địa bàn nhằm cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn để tính toán một cách đầy đủ và hợp lý, từ đó cơ quan quản lý có căn cứ tham chiếu và lập kế hoạch.

PGS.TS Huỳnh Trường Huy cho biết: Khoảng 91,5% du khách nội địa đến từ các tỉnh miền Tây, miền Ðông sử dụng phương tiện đường bộ. Những năm gần đây, 12,6% du khách từ miền Bắc, miền Trung sử dụng đường hàng không, chỉ có 1,2% sử dụng chọn phương tiện đường thủy du lịch đến Cần Thơ.

Trong khi đó, 74% du khách quốc tế sử dụng các phương tiện kết hợp cả đường hàng không và đường bộ. Tới Cần Thơ, 31,8% sử dụng taxi hoặc Grab, 15,7% mua tour trọn gói sử dụng xe của công ty du lịch lữ hành, hơn 30% du khách thuê ôtô hoặc xe máy tự trải nghiệm, tham quan, 6,3% du khách sử dụng xe buýt, nhưng dịch vụ này chưa tốt lắm, 3,4% du khách thuê xe đạp tham quan. Khoảng 29,4% du khách quốc tế sử dụng phương tiện khác nhau như tàu, xuồng tham quan tại các điểm du lịch như chợ nổi, các khu vườn sinh thái.

Khách du lịch quốc tế lưu trú không quá 2 đêm. Trên thực tế có tới 52% du khách lưu trú 1 đêm, 35% lượt du khách lưu trú 2 đêm, 7,5% lưu trú 3 đêm, 3,8% lưu trú 4 đêm trở lên. Tuy nhiên, có thể thấy du khách tự tổ chức chuyến đi thường lưu trú lâu hơn so khách đi theo đoàn. Khách đến từ Mỹ thường lưu trú dài nhất: 1,95 đêm, EU: 1,75 đêm, châu Á 1,54 đêm, châu Ðại Dương 139 đêm.

Khách tự tổ chức chuyến đi có mức chi tiêu 311USD trong khi mua tour trọn gói 272USD. Tuy chi tiêu mỗi ngày chỉ khoảng 111USD trong khi tự tổ chức là 120USD, nhưng tự tổ chức mang lại nhiều trải nghiệm lý thú nên họ chấp nhận mức chi tiêu cao hơn.

Du khách quốc tế chi tiêu bình quân 136 USD/ngày/người, mức chi tiêu của du khách Úc, New Zealand luôn cao hơn nhóm đến từ Mỹ, Canada gần 20% so mức bình quân.

“Cả khách nội địa và quốc tế đều đánh giá cao con người địa phương và tài nguyên nhân văn”, PGS.TS Huỳnh Trường Huy nhấn mạnh: “Việc lưu trú còn liên quan đặc điểm cá nhân, cách tổ chức và đặc điểm lưu trú”.

Nếu mức chi tiêu bình quân mỗi chuyến của du khách quốc tế là 350USD/chuyến thì mức chi tiêu của du khách nội địa chỉ khoảng 2,4 triệu đồng trong thời gian lưu trú, mức bình quân 1,15 triệu đồng/ngày/người. Du khách nội địa thường lưu lại khoảng 2,03 ngày, khách đi tour khoảng 2,44 ngày, khách tự tổ chức khoảng 1,96 ngày, khách từ miền Bắc, miền Trung (1,6 đêm) và Tây Nguyên (2,38 đêm) và thời gian lưu lại lâu hơn khách từ miền Ðông và các tỉnh trong vùng. Mức lưu trú bình quân của khách nội địa khoảng 1,38 đêm, rất ít trường hợp 3 đêm trở lên, khách đặt tour trọn gói khoảng 1,5 đêm. Du khách từ miền Bắc và miền Trung chi nhiều hơn 1,5 lần so các vùng khác và 1,3 lần mức bình quân.

Khoảng 24,1% du khách quốc tế dự định trở lại, 1/3 nói rằng họ sẵn sàng chia sẻ thông tin, giới thiệu bạn bè khi kết thúc chuyến đi. Có thể giải thích yếu tố địa lý, khoảng cách du lịch, chi phí và các yếu tố gắn liền với chất lượng dịch vụ du lịch. Du khách nội địa có dự định trở lại cao gấp 2,5 lần so với thực tế du khách đến Cần Thơ do ảnh hưởng của giao tiếp.

Theo PGS.TS Huỳnh Trường Huy, khoảng 10% khách nội địa ấn tượng đối với những điểm đến là cơ sở tôn giáo, tâm linh trong khi tỷ lệ này ở khách quốc tế là 20%. Họ đặc biệt thích thú khu ẩm thực ban đêm.

Ðối với du khách châu Á, họ thích tham quan khu văn hóa, tôn giáo tâm linh. Khách Úc, New Zealand đặc biệt thích yếu tố văn hóa, kiến trúc cổ và di tích lịch sử; đặc biệt là sự trải nghiệm thông qua sự kiện lễ hội - 60% du khách quốc tế đánh giá chất lượng tốt và rất tốt.

Chất liệu thật trong những con số

Con số là công cụ khái quát. Tuy nhiên, nếu chỉ là những con số được ghi nhận từ những cơ sở đăng ký kinh doanh “có tóc” sẽ là góc nhìn còn khiếm khuyết. Nếu một nhóm bạn hay gia đình tự tổ chức chuyến đi từ Mỹ Tho qua Cần Thơ chơi trong ngày, không nghỉ qua đêm thì việc tham quan, ăn uống - chi tiêu của họ không được ghi nhận như du khách.

Khi hệ thống cao tốc hoàn thiện, những nhóm du khách tương tự tới Cần Thơ đông hơn. Nếu họ tới Vườn trái cây không thu phí, ghé một sự kiện lễ hội nào đó… cũng sẽ không được xem là du khách. Nếu được xem là du khách thì việc ghi nhận du khách ở mỗi điểm đến, tổng hợp thành bao nhiêu lượt. Hóa ra, việc thống kê vừa thiếu lại vừa thừa.

“Cuộc khảo sát chỉ ra cách làm khiếm khuyết. Ðịa phương biết, sở, ngành quan tâm và những người có trách nhiệm đã đề nghị nhóm nghiên cứu thực hiện cuộc khảo sát này”, PGS.TS Huỳnh Trường Huy nói tiếp: Thành công của chúng tôi là cách làm khác, cách tiếp cận khác đã được chấp nhận. Từ cơ sở này, cứ 2 năm một lần sẽ có cuộc điều tra cập nhật.

“Du khách tới Cần Thơ nói rằng sản phẩm du lịch không có gì mới. Nếu có cái mới thì bị sao chép, trùng lắp. Do dân mình làm du lịch tay ngang nên khó tránh khỏi thực trạng ấy. Vì vậy phải giúp họ qua trường lớp, có nền tảng thì tư duy sáng tạo hơn”, PGS.TS Huỳnh Trường Huy nói: “Lâu nay việc thống kê nguồn nhân lực là những con số cộng thêm trong từng năm, nhiều lớp, nhưng không giải mã thực trạng. Hơn nữa, nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất trong du lịch là gian lận trong kinh doanh tại các điểm đến (niêm yết giá, chất lượng sản phẩm…), chèo kéo làm phiền du khách và nhân viên thiếu tính chuyên nghiệp không được ghi nhận để khắc phục.

“Điểm đến chưa ấn tượng có liên quan đến sản phẩm, dịch vụ du lịch, giải trí, phương tiện kết nối giữa các điểm đến, môi trường nhiều rác thải, bụi, tiếng ồn và an toàn giao thông” - PGS.TS Huỳnh Trường Huy và nhóm nghiên cứu cảnh báo.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết