17/11/2019 - 00:37

Giải bài toán chuỗi giá trị nông sản Việt 

Đến nay, có 70 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, nhưng để vươn ra thị trường thế giới luôn là bài toán khó và thách thức đối với doanh nghiệp (DN) Việt. Đơn cử như mặt hàng nông sản, so về tiềm năng và lợi thế thì gạo, trái cây, thủy sản... của DN Việt đã có những vị trí nhất định trên thị trường thế giới. Song, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu không phải DN nào cũng làm được. Do vậy, cần chiến lược đầu tư bài bản và đổi mới tư duy tiếp cận thị trường.

Hiểu thị trường để có chính sách đúng

Việt Nam đang tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) nhưng một số ý kiến của chuyên gia kinh tế cho rằng, DN Việt đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội và không tận dụng hết cơ hội mà các FTA mang lại.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Việt Nam là nước nông nghiệp và nông nghiệp vùng ĐBSCL có nhiều lợi thế, nhưng 3 sản phẩm nông nghiệp chính của vùng là gạo, thủy sản, trái cây giá trị gia tăng không cao. Thực tế mặt hàng nông sản không thể bảo quản được lâu, tại ĐBSCL hệ thống logistics chưa đáp ứng yêu cầu dự trữ nông sản và chưa có hệ thống vận chuyển, phân phối tốt nên khó vươn ra thị trường thế giới. “Mặc dù thế giới cần hàng nông sản nhưng không có nghĩa là họ sẽ mua của chúng ta, dù chúng ta có nhiều lợi thế. Chúng ta cần tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của các nước nhập khẩu”- ông Trần Thanh Hải nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn), quy mô thương mại nông sản toàn cầu khoảng 3.600 tỉ USD; trong khi Việt Nam xuất khẩu nông sản chỉ khoảng 77 tỉ USD (năm 2018) thì quá bé nhỏ. Nông sản Việt xuất khẩu đi rất nhiều thị trường nhưng hơn 70% là vào thị trường Trung Quốc. Trong các FTA mà Việt Nam tham gia, cơ hội xuất khẩu cho mặt hàng nông- thủy sản rất lớn với cam kết bỏ thuế nhập khẩu. Do vậy, cần chính sách hỗ trợ đồng bộ cho DN xuất khẩu nông sản. Chính sách phải tạo ra cơ hội và triển khai đi vào thực tế mới có thể hỗ trợ cho DN.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, thực tế có những chính sách đưa ra rất hay nhưng thực hiện rất thiếu đồng bộ, do thiếu sự phối hợp, mỗi nơi làm mỗi kiểu. Trong khi cạnh tranh hội nhập quốc tế hiện nay thay đổi nhanh chóng về các quy định chất lượng, tiêu chuẩn, nguồn cung… nếu không cập nhật thường xuyên để có chính sách phù hợp sẽ khó hỗ trợ cho DN. Rủi ro lớn nhất trong kinh doanh như người ta vẫn thường nói là bỏ tất cả trứng vào một rọ. Đây là yếu kém của chúng ta khi bị lệ thuộc lớn vào một số thị trường trong một số dòng sản phẩm, đặc biệt là nông sản, loại sản phẩm khó bảo quản, nên rủi ro lớn hơn.

Theo bà Phạm Chi Lan, xuất khẩu không nên tập trung quá nhiều vào một thị trường. Ví dụ Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của DN Việt Nam và nhiều nông sản khác, về nguyên lý thì thị trường 1,4 tỉ dân này rất tiềm năng nhưng họ đang nâng hàng rào chất lượng lên, yêu cầu chuẩn mực cao hơn rất nhiều. Và chúng ta cũng không có nhiều sản phẩm đồng nhất về chất lượng để cung cấp cho họ. Thay vì tập trung vào một thị trường, chúng ta cũng có thể đi tìm những thị trường thay thế, có thể không lớn nhưng đơn hàng nhập khẩu đều. Do đó cần phối hợp nghiên cứu để làm chính sách cho tốt đối với từng thị trường khác nhau. 

Liên kết để tạo ra chuỗi

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo, một sản phẩm chủ lực phải có ít nhất 3 thị trường chính và lúc nào cũng phải duy trì được 3 thị trường này với lượng hàng xuất khẩu ổn định tương đối để có thể cạnh tranh. Muốn như vậy, DN phải nâng chất sản phẩm để đáp ứng cho được các tiêu chuẩn tương đối phổ biến của các thị trường trên thế giới. Khi DN làm được như vậy, DN có thể bán sản phẩm sang các thị trường khác nhau và có nhiều sự lựa chọn hơn, linh hoạt hơn, không bị lệ thuộc bất kỳ thị trường nào.

Để cá tra phát triển bền vững thì cần liên kết theo chuỗi giá trị. Ảnh: N.S

Ở góc nhìn của địa phương, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, DN muốn đi xa cần liên kết lại với nhau để làm chiếc bánh lớn hơn chứ không phải chia nhỏ chiếc bánh. Chúng ta không thể mang từng thúng xoài, hạt gạo… đem đi chào hàng, mà phải dựa trên chuỗi. Chuỗi giá trị nông sản chính là quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản, thương hiệu, marketing… và DN phải là người dẫn dắt chuỗi, liên kết mới thành công. Đồng Tháp hiện có những DN dẫn đầu ngành nông sản, tỉnh đã tạo ra không gian phát triển để các DN lớn này hỗ trợ, tập hợp DN nhỏ cùng một ngành hàng. “Chúng ta phải khơi gợi tinh thần của DN lên. Một DN không chỉ tạo ra giá trị cho mình mà còn tạo ra giá trị cho xã hội và một khi DN tạo ra được giá trị cho xã hội cũng chính là khẳng định thương hiệu của họ. Tỉnh đang đi theo định hướng này để tập hợp các DN dẫn đầu lại”- ông Lê Minh Hoan cho hay.

Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, lĩnh vực nào cũng cần DN dẫn đầu. Các quốc gia trên thế giới đều vậy, trong mỗi ngành hàng đều có DN dẫn đầu để dẫn dắt thị trường phát triển. Việt Nam trong một thời gian dài chủ yếu dựa vào DN nhà nước, kế đến là nhà đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng DN FDI gần như không quan tâm đến nông nghiệp, vì hiện DN FDI đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,5% tổng số dự án đăng ký. Vì vậy, không thể trông đợi khối FDI; còn DN nhà nước làm ăn trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm đi và DN nhà nước cần lộ trình khác để tập trung vào các lĩnh vực mang tính thiết yếu hơn. Con đường duy nhất là phát triển DN tư nhân, trong vài năm gần đây có nhiều nhà đầu tư tư nhân tập trung vào nông nghiệp, con đường đầu tư khá bài bản. Bài học thành công của ngành thủy sản Việt Nam cũng bắt đầu từ khối tư nhân.

Theo bà Phạm Chi Lan, những DN nhỏ và không có liên kết, không có DN lớn dẫn dắt thì không thể có vị trí đứng vững chắc ở thị trường bên ngoài và không có vị thế để mặc cả đơn hàng. Do đó, cần thay đổi chế độ đất đai, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận đất đai, mở rộng sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu. Trong khi chờ Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai thì các địa phương vẫn có thể làm được việc giúp cho DN là quy hoạch lại đất đai tại địa phương, vận động nông dân có đất nhưng không canh tác, hoặc canh tác kém hiệu quả cho DN thuê đất và chính quyền đứng ra bảo lãnh việc ký hợp đồng này. Muốn mở rộng chuỗi, Nhà nước, chính quyền địa phương cần làm trọng tài kinh tế, hiểu được nhu cầu của DN và nông dân để đứng ra bảo lãnh cho liên kết nông dân-DN để họ cùng làm ăn với nhau một cách hiệu quả.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết