12/04/2020 - 19:28

"Giấc mơ xanh" của châu Phi 

"Vạn lý trường thành xanh" có chiều rộng 15km và dài hơ​n 7.775km của châu Phi, được triển khai vào năm 2007, là nỗ lực trồng một dải cây xanh trải dài từ Senegal trên Đại Tây Dương đến Eritrea trên biển Đỏ, với mục tiêu là ngăn chặn sự lan rộng của sa mạc Sahara. Khi hoàn thành, nó được cho sẽ trở thành "kỳ quan sống" lớn nhất thế giới.

Theo các chuyên gia về khí hậu, sự biến đổi về khí hậu và thời tiết đang khiến cho sa mạc Sahara lan rộng một cách nhanh chóng, xâm lấn vào các vùng đất và san bằng nhiều sông hồ rộng lớn. Do đó, 7 quốc gia thuộc khu vực Sahel, phía Nam sa mạc Sahara, đã khởi xướng dự án trồng hàng tỉ cây xanh đến năm 2030 như vùng đệm ngăn chặn tình trạng sa mạc hóa. "Vạn lý trường thành xanh là một nỗ lực đầy cảm hứng và tham vọng để tìm ra giải pháp cấp bách cho 2 trong số những thách thức lớn của thế kỷ 21, đó là sa mạc hóa và suy thoái đất màu mỡ" - Janani Vivekananda, cố vấn cấp cao chương trình biến đổi khí hậu của tổ chức International Alert, cho biết. Bà Vivekananda nhấn mạnh dự án không chỉ là vấn đề trồng cây, mà còn là giải pháp cho các thách thức về biến đổi khí hậu, hạn hán, nạn đói, xung đột, di cư và suy thoái đất đai.

Người dân châu Phi tham gia trồng cây cho dự án "Vạn lý trường thành xanh". Ảnh: DW

Với mục tiêu khôi phục 100 triệu héc-ta đất màu mỡ ở khu vực Sahel cũng như cắt giảm 250 triệu tấn CO2 trong khí quyển, "Vạn lý trường thành xanh" còn được triển khai nhằm mục đích tạo ra 10 triệu "việc làm xanh" mà theo như lời của Hans-Josef Fell, chuyên gia về khí hậu kiêm chủ tịch Nhóm theo dõi năng lượng (EWG), tạo ra việc làm và thu nhập là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong việc chống tình trạng di cư hàng loạt trong khu vực.

Song, dự án hiện phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn. Tổng cộng 20 quốc gia cam kết hỗ trợ cho các nước khu vực Sahel trong dự án "Vạn lý trường thành xanh". Trong đó, Ủy ban châu Âu đã đầu tư cho dự án hơn 7 triệu euro. Tuy nhiên, theo Liên Hiệp Quốc, dự án đến nay chỉ đạt được 15% mục tiêu đặt ra sau hơn một thập kỷ triển khai. Chuyên gia Fell cho rằng sở dĩ tiến độ trồng cây diễn ra chậm như thế là bởi dự án chỉ thành công ở một số khu vực. Đơn cử, Ethiopia đã đạt được những tiến bộ đáng kể kể từ năm 2007 khi khôi phục khoảng 15 triệu héc-ta đất bỏ hoang, nhờ vào việc Thủ tướng Abiy Ahmed xem trồng rừng là công việc cấp bách phải làm. Thành công trong cuộc chiến chống sa mạc hóa cũng được thấy rõ ở Nigeria, nơi 5 triệu héc-ta đất được khôi phục và khoảng 20.000 "việc làm xanh" được tạo ra. Ở Senegal cũng vậy, hơn 11 triệu cây xanh đã được trồng, giúp cho 25.000 héc-ta đất màu mỡ trở lại.

Ở một số quốc gia Trung Phi, dự án này không mấy thành công bởi chủ nghĩa khủng bố tại khu vực rất mạnh, làm tê liệt nỗ lực trồng cây của con người cũng như các tổ chức viện trợ. Đáng lo ngại, vấn nạn tham nhũng tại khu vực đã khiến tiền đầu tư cho dự án lần lượt "chảy" vào túi các chính trị gia. Tại các quốc gia bị xung đột tàn phá như Burkina Faso, dự án "Vạn lý trường thành xanh" thậm chí còn không được triển khai. Bà Vivekananda cho rằng việc không rót vốn đầu tư ở các quốc gia xung đột là một sai lầm, bởi "dự án sẽ là cách tốt nhất để tạo ra hòa bình". Song, điều đáng mừng là khoảng 120 khu tự quản tại Burkina Faso, Mali và Niger đã cùng nhau tạo ra một vành đai xanh trên hơn 2.500 héc-ta đất bỏ hoang, trồng được hơn 2 triệu cây và ươm mầm 50 loài cây bản địa.

TRÍ VĂN (Theo DW, Africanexponent)

Chia sẻ bài viết