09/11/2014 - 15:47

Giá vàng sẽ còn giảm?

Trong vòng hai tuần qua giá vàng thế giới đã mất gần 170usd/oz, khi rơi từ mức 1.300usd/oz trước đó về 1.133usd/oz vào ngày 7-11-2014, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2010 đến nay. Nhưng đà rơi của kim loại quý này theo nhiều chuyên gia chưa thể dừng lại mà mức kế tiếp có thể là 1.000usd/oz vì ngưỡng kháng cự kỹ thuật rất mạnh của nó là 1.150usd/oz đã bị phá vỡ và xa hơn nữa giá vàng có thể về lại mức 200-300usd/oz như hồi năm 2001, mức trước khi có các cuộc chiến tranh lớn nổ ra tại  Afghanistan và Iraq vào các năm 2001 và 2003.

Biến động tích cực của nền kinh tế số 1 thế giới

Sở dĩ giá vàng thế giới có sự giảm mạnh trong hai tuần qua là do có 3 sự kiện lớn diễn ra liên tiếp tại Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới hiện nay. Thứ nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức tuyên bố ngừng áp dụng chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) kể từ ngày 1-11-2011 với việc cắt giảm 15 tỉ USD còn lại của chương trình này sau 7 lần thu hẹp liên tiếp trước đó từ mức 85 tỉ USD/tháng. Thêm nữa, Fed nhiều khả năng cũng sẽ nâng lãi suất đồng USD sớm hơn so với dự kiến là vào giữa năm 2015. Thứ hai là Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho hay đã tạo được 248.000 việc làm mới trong tháng chín và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong sáu năm là 5,9%. Báo cáo này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tiếp tục phục hồi rất tốt. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 2 năm 2014 đạt 4,0%, cao hơn mức dự báo 3,0% của các chuyên gia Phố Wall và Tốc độ tăng GDP của Mỹ trong cả năm 2014 có thể đạt 3% thay vì 2% như các dự báo đưa ra trước đó. Thứ ba là đảng Cộng hòa giành chiến thắng hoàn toàn tại cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở lưỡng viện Mỹ tuần qua, qua đó đã kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Obama (đảng Dân chủ). Đảng Cộng Hòa thường được giới trung lưu và khá giả ủng hộ nên việc họ giành chiến thắng theo dự báo của nhiều chuyên gia sẽ kích thích giới trung lưu, khá giả “bung tiền” ra đầu tư mạnh hơn thay vì cứ co cụm phòng thủ, cất trữ vàng vì luôn lo sợ các chính sách thuế đánh vào giới nhà giàu của đảng Dân chủ. Đảng Cộng hòa cũng ủng hộ Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước mạnh mẽ hơn đảng Dân chủ trong thời gian vừa qua. Điều này càng kích thích người dân mang tiền ra đầu tư hơn thay vì ôm giữ vàng phòng thủ.

Xu hướng giảm dài hạn đã rõ ràng

 

Đến năm 2021 giá vàng thế giới có thể về lại quanh mức 200-300usd/oz như hồi năm 2001 ? Dự đoán này có thể xa vời nhưng hoàn toàn có cơ sở khi mới đây nhất là tháng 10-2011 giá vàng còn ở mức 1.924usd/oz thì cũng chẳng ai dám nghĩ nó sẽ về đến 1.500usd/oz chứ chưa nói đến 1.133usd/oz như hiện nay. Chỉ mất ba năm giá vàng thế giới đã đánh mất gần 800usd/oz. Điều ngắn hạn hiện nay cản trở giá vàng giảm tiếp là giá thành khai thác vàng. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) thì chi phí này ở châu Phi là ở mức 600-800usd/oz là hợp lý nhưng chi phí giá thành này sẽ thay đổi khi thay đổi công nghệ khai thác và năng suất lao động; cuộc chiến chống nhà nước hồi giáo tự xưng IS do Mỹ phát động và chiến sự ở miền Đông Ukraina có thể diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến đà giảm tiếp của vàng. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế ốm yếu các nước lớn sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008 có lẽ sẽ không một cường quốc nào muốn để tình hình chiến sự đi quá xa thêm nữa. Bằng chứng là Nga đã không công nhận cuộc bầu cử ở Đông Ukraina mặc dù trước đó Tổng thống Putin luôn tuyên bố công nhận kết quả cuộc bầu cử này.

Theo số liệu từ Exchange Traded Gold, chốt phiên giao dịch ngày 7-11-2014 quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã tiếp tục bán ra 5,68 tấn vàng. Đây là phiên bán ra thứ 66 của quỹ này kể từ đầu năm 2014 đến nay và là phiên bán ra thứ 4 liên tục trong tuần này. Lượng vàng nắm giữ của SPDR Gold Trust hiện là 727,15 tấn, trị giá 26,974 tỉ USD. Đây là mức nắm giữ vàng thấp nhất của quỹ này kể từ ngày 29-9-2008 đến nay. Lượng vàng nắm giữ hiện nay của SPDR Gold Trust đã giảm đi gần một nửa so với mức cao kỷ lục của quỹ này nắm giữ là vào năm 2012 với 1.343 tấn vàng.

Sau hơn một năm Liên bang Nga liên tục mua vào mạnh vàng để tăng dự trữ nhằm giữ tỷ giá đồng Ruble không bị mất giá quá mạnh so với các ngoại tệ khác do bị ảnh hưởng bởi tình hình ở Đông Ukraina và giá dầu thô trên thế giới giảm liên tục thì mới đây nhất Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Kseniya Yudaeva cũng đã thừa nhận rằng Nga buộc phải bán bớt vàng ra để có tiền nhập khẩu hàng hóa, vì giá dầu giảm mạnh về 80 USD/thùng như hiện nay đã làm Nga mất cân đối ngân sách, (giá dầu ở mức 90 USD/thùng Nga mới bảm bảo cân đối ngân sách). Nga hiện là nước giữ vàng nhiều thứ 6 trên thế giới với khoản 1.150 tấn vàng và Nga cũng là quốc gia mua vàng lớn nhất trong năm qua, nếu Nga bán vàng dự trữ ra thì khả năng giá vàng sẽ còn tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.

Nhưng nhìn về lâu dài thì kinh tế thế giới phục hồi toàn diện sẽ dần dần đẩy giá vàng ngày càng giảm tiếp vì thứ kim loại mang tính dự trữ, phòng ngừa rủi ro này sẽ không còn nhiều “đất sống” khi người dân, giới đầu tư, đầu cơ trên thế giới buộc phải bán ra để lấy tiền đầu tư vào sản xuất hàng hóa phục vụ đời sống.

Mặc dù đường đi xuống có lúc còn gập ghềnh vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài yếu tố kinh tế nhưng xu hướng đi xuống của giá vàng thế giới đã xác định một cách rõ ràng. Sau một thập niên đi lên mà đỉnh cao nhất của nó là 1.924usd/oz được thiết lập vào tháng 10-2011, có lẽ đến lúc một thập niên mất mát của giá vàng thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Đi lên từ năm 2001 với mức giá là 250usd/oz thì khả năng giá vàng về lại mức đó sau 10 năm giảm giá tính từ khi bắt đầu chu kỳ giảm giá là tháng 11-2011, tức là nó đã diễn biến hoàn toàn sát với diễn biến của nền kinh tế thế giới. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi mà nền kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng trở lại, tương ứng với số liệu tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ cao nhất là 11% vào đầu năm 2012 và nay đã giảm dần về còn 5,9%. Do đó, nhu cầu vàng để cất trữ, phòng ngừa rủi ro sẽ tiếp tục giảm đi đáng kể trong thời gian tới trong khi nhu cầu trang sức chỉ là một phần nhỏ trong tổng lượng vàng của thế giới.

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết