05/07/2020 - 14:30

Gia phả hình danh bạ 

Truyện ngắn: Nghiêm Quốc Thanh

Cô Muổi gọi cho Buôl ngay khi bà nội vắng nhà. Cô nói, dạo này bà hay nhắc Buôl. Hình như từ sau lần gần nhất bà qua thăm nhà Buôl, Buôl thường xuyên nhận được cuộc gọi của bà hơn. Và trong cách nói chuyện của bà, Buôl cảm nhận sự xa cách trước kia không còn nữa. Bà kêu Buôl lưu số điện thoại của Buôl vô máy bà, lưu là số "1", để dễ tìm trong danh bạ. Buôl bấm rê xuống hàng dưới, cứ số "2" trở đi là thứ tự của từng người con bà nội, từ cô Huổl lớn nhất số "2" đến cuối cùng số "10" là cô Muổi. Buôl thầm hỏi, sao mình không là "11" mà lại là "1"? Ðơn giản, vì số "1" đang còn trống cũng nên. Buôl đang tập suy nghĩ bớt phức tạp mọi vấn đề, cũng như tập quen dần với cách nói chuyện khô như rơm kèm theo mấy tiếng hỏi han rào trước đón sau đầy áp lực của bà, để những lần tiếp xúc không còn thấy nặng nề nữa.

Tự mình hỏi rồi tự trả lời. Buôl có vô số câu hỏi về danh phận của mẹ con Buôl trong gia phả nhìn có vẻ ngoài rất bề thế. Còn người ngoài gặp Buôl vẫn thường lặp lại một câu hỏi: "Sao không ở với bà nội, cái nhà đó là của Buôl chứ của ai?". Buôl cười trong bụng. Ðể làm gì? Buôl đâu lang thang cơ nhỡ cũng đâu vô dụng đến nỗi không cất lên được một cái nhà đủ che mưa che nắng.

Không nhớ bao lần Buôl nài nỉ ba, hãy ký tên đồng ý với di chúc của bà, và đừng bỏ công vô ích với lô đất bên nhà bà. Ba Buôl, viết tên mình vô tờ giấy trắng còn ngoằn ngoèo, đi gặp luật sư về, cứ đinh ninh là thắng kiện đòi lại mảnh đất đó với hy vọng được thừa kế. Tới lúc bà than hết tiền, tới lúc Buôl đưa cái hình của ba to tướng trong mục "Bạn đọc quan tâm" trên một tờ báo, thì 2 người mới tạm ngừng việc kiện thưa. Buôl ngay từ đầu đã nghĩ, đất đai ông bà cho người ta ở đậu thời chưa có giấy tờ, thế hệ trước đã quy tiên, bây giờ lô đất đã hẳn hòi mang tên chủ khác, bà nội và ba Buôl chỉ có tờ cớ có điểm chỉ của nhân chứng, thì làm sao mà kiện thưa cho thắng…

Ông nội mất năm Buôl 14 tuổi. Giá như ông còn sống với con cháu đến giờ thì gia phả mà ông dày công vun đắp không chỉ bề thế ở vẻ bề ngoài. Mùa hè năm ông nằm lại vĩnh viễn với đất, Buôl về ở luôn với ba mẹ. Mấy người anh em họ cũng ai về nhà nấy. Bà nội ngồi trên cái võng, mắt ngó ra sân rộng. Lúc đó, Buôl không rõ bà đang nghĩ gì. Rồi cô Muổi lấy chồng, bà chia đất, cất 2 căn nhà chung vách, vợ chồng cô Muổi ở một bên, bà ở một bên. Kế đó là nhà cô Huổl. Không phải vô cớ mà bà khiến cho ai nhìn vào cũng thấy ba Buôl quá thiệt thòi và thiệt thòi nhất là Buôl. Nhưng hành động đó cho thấy tình thương của bà, là sự thiên vị rất tự nhiên của người mẹ dành cho con gái, nên Buôl cũng không hề thắc mắc. Cô Huổl là con gái lớn, cô Muổi là con gái út… được chia đất ở gần bà là điều Buôl nghĩ quá dễ hiểu. Lớn lên Buôl có công ăn việc làm, giúp ba cất được nhà riêng, thì càng nghĩ thoáng hơn: đất đai và của cải là do ông bà tạo lập, bà nội muốn cho ai và cho như thế nào là quyền của bà. Phận con cháu không thể vì bận tâm những chuyện đó mà không hiếu kính hay không ký tên đồng ý vô di chúc.

Nhắc tới chuyện ký tên vô di chúc là ba mắng Buôl. Buôl lại cười vì chẳng bao giờ quan tâm tờ di chúc không hề có tên mình. Giống như danh bạ trong chiếc điện thoại bật nắp của bà, chỉ một chiều hình dọc kéo lên rê xuống, rẽ nhánh cũng không không vượt quá con số "10". Mặc dù, 9 người con của bà, mỗi người ít nhất cũng sanh 2 đứa trở lên. Bà chỉ mới tập làm quen với danh bạ có lưu số điện thoại của Buôl - thằng cháu đích tôn duy nhất trong gia phả đầy tâm huyết của ông.

Cháu đích tôn của bà vẫn là đứa cháu cần mẫn về thắp nhang lên bàn thờ, nhìn ông qua di ảnh mỗi dịp giỗ chạp, Tết nhứt hay những ngày Rằm lớn. Cao hơn một chút trên bàn thờ là di ảnh trắng đen của bà cố được họa lại từ vài chi tiết. Những lúc như vậy, có lẽ là do xúc động, bà nội lại kể chuyện năm đó bọn Pôn-pốt tràn qua bờ bên kia kênh biên giới, nhắm thẳng nhà cũ của ông bà nội. Lúc bà dọn cơm ra cái bàn tròn giữa 10 cái ghế, thấy người ngoài đường tháo chạy, bà kéo tay hết thảy các con đi trốn giặc. Ðếm đi đếm lại vẫn 8 đứa, toàn con gái, không thấy người con trai duy nhất là ba Buôl. Ðến xế chiều ngày hôm đó, bà thấy ba Buôl nhập vô một đám người ùa ra chân đồi rồi nhảy lên ba gác chạy đi mất hút. Bà kêu tên con trong khói bụi và dày đặc tiếng người tán loạn tìm nhau.

Ðến bây giờ bà nội của Buôl vẫn hay thức giấc giữa những cơn mơ về ngày chạy giặc đó. Bà ngồi bật dậy, mồ hôi chảy ướt sống lưng. Hai bên vách, nhà hai cô con gái bà vẫn say giấc. Nếu không nhờ chiếc xe ba gác được ba Buôl lái về rước cả nhà chạy đến vùng an toàn, không biết giờ ai còn ai mất.

Vậy mà có lần bà nội bắt xe ôm lặn lội trở lại thăm đất nhà cũ. Bà cứng cỏi hơn nhiều người già khác. Năm ông mất, Buôl về ở với ba mẹ, nhà máy xay lúa của ông bà bị bán đi. Trước lúc rời đi, Buôl ngoái nhìn căn nhà trống đầy nhện bụi, trên vách còn sót những ô vuông có một đường chéo ở giữa. Ðó là những con số 5 mặc định đếm từng bao lúa vào ra do bà chỉ cho Buôl. Bà dạy Buôl mua thứ gì ngoài chợ cũng trả giá và lựa chọn tỉ mỉ. Kỹ lưỡng như những lời bà dặn dò Buôl mỗi lần về thăm, rằng lo mà học, lo mà làm, đừng tụ tập uống rượu, yêu đương…

Bà kỹ tính nhưng không ích kỷ. Bằng chứng là giấy tờ ghi công được treo trân trọng trên vách, là sự ghi nhận ông bà đã nuôi cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ. Ông giỏi nấu ăn, còn bà đào hầm nuôi giấu Việt cộng. Sau này các cô đều chọn con đường mua bán và hầu hết cháu ngoại của bà đều theo ngành nghề thời thượng, chỉ có Buôl là người duy nhất đi làm cho một doanh nghiệp địa phương, ghi vô lý lịch của mình những dòng khái quát đó về gia đình.

Những lấn cấn và xa cách bà nội dành cho Buôl có lẽ vì mẹ Buôl là một người rặt gốc quê không được lòng bà, lại còn là người đến sau bởi người vợ đầu với ba Buôl chia tay. Buôl lại nhìn ông qua di ảnh, nén nhang vừa thắp lên nghi ngút khói, tàn co lại thành một đường cong ngoặm xuống. Thế là Buôl về nhà tiếp tục thuyết phục ba ký vô tờ di chúc. Bà còn minh mẫn hay đang lẩn thẩn khi lập di chúc thì cũng không ý nghĩa lắm với Buôl. Duy chỉ có bàn tay mình, tự bươn chải, rồi có ngày sẽ sở hữu những mảnh đất mang tên mình. Buôl không cần gì cả. Chỉ cần đừng ai nhắc thêm về di chúc và đừng ai nhìn Buôl bằng ánh mắt thương hại rằng bà vì thương các cô mà thiệt thòi cho Buôl. Buôl chỉ biết, mình được sinh ra từ máu mủ của ông bà, ba mẹ. Kể cả các cô cũng cùng chung dòng máu đó.

Kỳ lạ là khi Buôl thành công thuyết phục ba buông bỏ mọi tranh chấp, thì bà lại hay gọi cho Buôl để hỏi han và dặn dò: "Bữa nay có đi làm không", "Ráng nghe không". Rồi khi căn nhà của bà đã được xây mới hoàn toàn và rộng hơn vì không còn chung vách, tự dưng bà cứ đưa mắt tìm Buôl giữa tiệc ăn mừng. Bà quày quả vô phòng, xếp mấy bộ đồ bỏ vô giỏ, dò danh bạ rồi bấm ngay con số "1".  

 

Chia sẻ bài viết