03/01/2008 - 22:34

Giá không theo thuế !

Năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tăng cao nhất trong vòng 12 năm qua, ở mức 12,63% so với tháng 12 năm 2006. Giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường càng trở nên đắt đỏ hơn, kéo theo đời sống của đại bộ phận người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp càng trở nên khó khăn.

Trong năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp cấp bách để kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Trong số này giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng để giảm giá thành, giá bán được xem là một trong những giải pháp mạnh. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường không hoàn toàn giống như ý định ban đầu của những nhà hoạch định chính sách.

Đơn cử như xăng dầu – mặt hàng được xem là nhạy cảm nhất. Ngay từ đầu năm, trước tình hình biến động tăng của giá dầu thế giới, Chính phủ đã nhiều lần giảm thuế nhập khẩu. Đầu tiên từ mức 20% giảm xuống còn 15%, sau đó còn 10%. Từ ngày 1-5, Chính phủ bãi bỏ bao cấp mặt hàng xăng – dầu. Đảm bảo cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng – dầu có lợi nhuận để tái đầu tư, thuế nhập khẩu xăng – dầu cũng được điều chỉnh từ 10% xuống còn 5% và cuối cùng là 0%. Theo đó, giá bán lẻ xăng trong nước năm 2007 được điều chỉnh 5 lần. Tuy nhiên, tổng mức giảm 2 lần chỉ 900 đồng/lít, trong khi đó tổng mức tăng 3 lần lên đến 3.400 đồng/lít.

   Giá xăng dầu tăng mạnh trở thành nỗi lo lớn của đại bộ phận người dân trong năm 2007.
Ảnh: T.LONG
Ga cũng là mặt hàng ưu tiên giảm thuế nhập khẩu để kìm chế tốc độ tăng giá thị trường. Và mức thuế suất nhập khẩu mặt hàng này chỉ còn 0% từ trung tuần tháng 11-2007. Nếu tính từ khoảng thời gian này, đến nay giá ga trong nước đã bốn lần biến động: đầu tháng 12 giá ga tăng từ 20.000 – 25.000 đồng/bình 12 kg, hai lần giảm nhưng tổng cộng chỉ từ 9.000- 12.000 đồng và từ ngày 1-1-2008, giá ga tiếp tục tăng từ 3.300-9.000 đồng/bình.

Tương tự như xăng dầu, ga, nhiều mặt hàng khác như: phôi thép, ôtô, nhóm hàng lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hàng mỹ phẩm... cũng thuộc diện giảm thuế để ổn định thị trường. Song, diễn biến của các mặt hàng này là: giá trong nước khó giảm, giảm không như mong đợi hoặc chưa có dấu hiệu giảm giá...

Như vậy, nỗ lực của Chính phủ kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường chưa mang lại hiệu quả. Theo phát biểu mới đây của Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả- Bộ Tài chính, việc giảm thuế một số mặt hàng nhập khẩu thời gian qua đã làm Nhà nước mất hàng nghìn tỉ đồng mà không hạn chế được nhiều tình trạng giá cả trong nước tăng cao.

Có thể nói rằng, giá cả tăng là một tất yếu của nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung này, đừng đánh đồng chuyện xin chủ trương giảm thuế để giảm giá thị trường. Những diễn biến trên thị trường thời gian qua cho thấy: thuế nhập khẩu có giảm nhưng giá cả nhiều mặt hàng vẫn cứ tăng. Hệ quả, Nhà nước thì thất thu, áp lực tăng giá ngày càng đè nặng lên vai người tiêu dùng trong nước. Thiết nghĩ vấn đề quan trọng nhất hiện nay, các doanh nghiệp phải tự tìm biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá hơn là xin chủ trương giảm thuế.

Hà Triều

Chia sẻ bài viết