21/08/2021 - 07:45

Gia đình “ngày càng xấu xí” trên phim truyền hình Việt? 

Gần đây, chủ đề hôn nhân gia đình được các nhà làm phim truyền hình Việt khai thác khá nhiều, với hàng loạt phim mới thu hút khán giả. Tuy nhiên, ngoài một số ít phim nhân văn và truyền tải thông điệp tích cực, đa số các phim đều cố tình tạo kịch tính quá đà với những chi tiết bi thương dữ dội, để đánh vào tâm lý “phải coi tiếp xem mọi chuyện tới đâu” của khán giả. Hình ảnh gia đình trong nhiều phim vì vậy bị bóp méo, trở nên “xấu xí” vô cùng.

Trong phim “Hương vị tình thân”, bà Sa (phải) được xây dựng là một người mẹ thực dụng, biến con gái Khánh Thy thành “cỗ máy kiếm tiền”.

Trước hết phải nhìn nhận nhiều phim truyền hình Việt chủ đề hôn nhân gia đình được đầu tư về kịch bản, diễn xuất, bối cảnh… Từ đó tạo nên những “cơn sốt” mang tên: “Về nhà đi con”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Hoa hồng bên ngực trái”, “Hướng dương ngược nắng”, “Tình yêu và tham vọng”, “Mùa hoa tìm lại”, “Trở về giữa yêu thương”... Gần đây là những bộ phim đang phát sóng như: “Cây táo nở hoa”, “Hương vị tình thân”, “Hãy nói lời yêu”… Tuy nhiên, về nội dung và thông điệp truyền tải, chỉ có một số phim (mà tiêu biểu là “Về nhà đi con” và “Trở về giữa yêu thương”...) hướng người xem đến những giá trị tốt đẹp của gia đình, hóa giải những khúc mắc, để cuối cùng các nhân vật nhận ra rằng gia đình là nơi “bão dừng sau cánh cửa”. Còn lại phần lớn các phim cố câu khách bằng những mâu thuẫn đỉnh điểm, tình tiết và trạng thái tâm lý nhân vật không chân thực, gây ức chế cho người xem.

Khán giả từng ngao ngán lắc đầu trước sự thiên vị bất công đến không thể hiểu nổi của bà Mai trong “Gạo nếp, gạo tẻ”, sự độc đoán đến mức bệnh hoạn của bà Hoài khiến chồng con sợ hãi trong “Hãy nói lời yêu”, hay những người chồng ngoại tình và những kẻ thứ ba ngang ngược trong các phim: “Tình yêu và tham vọng”, “Hoa hồng trên ngực trái”, “Ðừng bắt em phải quên”, “Hướng dương ngược nắng”... Cùng với đó là những đứa con ngỗ nghịch, bất hiếu, tranh giành gia sản hoặc những người trẻ cô đơn, bất lực trong chính gia đình của mình. Người xem chỉ biết bất lực thương xót cho nhân vật Khánh Thy trong “Hương vị tình thân” khi cô luôn bị mẹ là bà Sa ép lấy chồng giàu, trở thành “cỗ máy kiếm tiền”; hay tội nghiệp cho cậu con trai út khi bị mẹ ép ăn học đến nỗi áp lực muốn tự tử trong “Hãy nói lời yêu”. Ðặc biệt, tình anh em trong gia đình được bi kịch hóa bằng những mâu thuẫn, xung đột liên tục trong phim “Cây táo nở hoa”, khiến người xem mệt mỏi, bức xúc vì nhiều tình tiết được xây dựng quá đáng và phi lý.

Dù biết rằng những kịch tính và nút thắt gây ức chế của phim sẽ đánh vào tâm lý người xem, từ đó tạo sức hút cho phim; thế nhưng, nếu cứ xuất hiện liên tục sẽ khiến khán giả, đặc biệt là những người trẻ thiếu niềm tin vào hôn nhân và những giá trị truyền thống của gia đình. Những lối mòn và sự lặp lại về những bà mẹ độc ác, những người chồng ngoại tình, những cảnh đánh ghen vô nhân tính… không chỉ khiến khán giả thấy bội thực, nhàm chán, mà còn phần nào hé lộ sự “bí ý tưởng” của các biên kịch, đạo diễn. Cuối cùng, dù là mô-típ ăn khách, nhưng nếu quá tay thì tất nhiên sẽ gây phản tác dụng trong việc truyền tải những thông điệp đến người xem.

Phim ảnh phần nào phản ánh đời sống và cũng là nơi để các biên kịch thể hiện sự sáng tạo. Mong rằng sự sáng tạo ấy đừng quá xa rời thực tế và những yếu tố kịch tính cần được cân nhắc đúng mức, không nên lạm dụng. Ðặc biệt, trong đời sống hiện đại, việc nâng niu và giữ gìn giá trị gia đình càng cần thiết hơn bao giờ hết. Những bộ phim về hôn nhân, gia đình vì thế càng cần lan tỏa những năng lượng tích cực, những bài học ý nghĩa chứ không phải chỉ chăm chăm bóp méo để lấy nước mắt và tỷ suất người xem.

CÁT ÐẰNG 

Chia sẻ bài viết