21/08/2009 - 20:51

Gấu trúc có thể tuyệt chủng sau 2-3 thế hệ

Gấu trúc vốn nổi tiếng lười “duy trì nòi giống”.
Ảnh: AFP

Theo Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF), tốc độ phát triển kinh tế nhanh của Trung Quốc đang đe dọa môi trường sống của gấu trúc – sinh vật đặc hữu của xứ sở Vạn Lý Trường Thành. WWF cảnh báo, nếu không có biện pháp, loài gấu dễ thương này có thể bị tuyệt chủng chỉ trong 2-3 thế hệ nữa.

Hiện nay, theo khảo sát của WWF, môi trường sống của gấu trúc đang ngày càng bị phân nhỏ ra, khiến chúng không còn được tự do đi lại để tìm kiếm bạn tình. Hậu quả là nguồn gien di truyền của chúng bị đe dọa, nguy cơ giao phối giữa những con cùng huyết thống đang tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng kháng bệnh và sinh sản của gấu trúc. Theo Fan Zhiyong, đại diện của WWF tại Bắc Kinh, chính hệ thống đường cao tốc ở Trung Quốc đang thu hẹp địa bàn tự do di cư của chúng. Ngoài ra, bản tính vốn lười chuyện “gối chăn” cũng gây khó khăn trong nỗ lực gia tăng số cá thể của gấu trúc. Hiện chỉ còn khoảng 1.590 con gấu trúc sinh sống trong các khu rừng trúc, tập trung ở Tứ Xuyên, Tây An và Cam Túc, trong đó có 180 con đang sống trong môi trường nuôi nhốt.

KHIẾT TÂM
(Theo AFP, Xinhua)

Mới đây, một “chị” gấu trúc ở Tây An cho ra đời cặp gấu sinh đôi “đủ trai lẫn gái”. Sau một thời gian được cấy tinh trùng của hai “anh” gấu trúc, gấu Lousheng 6 tuổi hạ sinh “bé trai” 162 gam và “bé gái” nặng 131 gam với tình trạng sức khỏe khá tốt. Bản thân gấu mẹ cũng chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ca “vượt cạn” thành công của Lousheng được coi là bước tiến lớn của các nhà khoa học Trung Quốc trong nỗ lực nhân giống gấu trúc bằng kỹ thuật cấy tinh trùng.


Chia sẻ bài viết