17/03/2010 - 09:36

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII

* Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ giám sát tình hình hoạt động của Nông trường Sông Hậu

Sáng 16-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII.

Đọc Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XI, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong khoảng 29,5 ngày. Nhìn chung, các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực, khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị cho kỳ họp, nhất là các nội dung trình Quốc hội.

Đối với 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội: Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến sơ bộ tại các phiên họp thứ 26 và 27, dự kiến tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp thứ 29 này và phiên họp thứ 30 (tháng 4-2010). Đến nay, đã có 6 dự án Luật được gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội để tổ chức thảo luận tại địa phương. Đối với 2 dự án luật, 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến: Dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án luật tại phiên họp thứ 29 và 11 dự án luật tại phiên họp thứ 30. Các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các báo cáo giám sát chuyên đề, trong đó có Báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học và các báo cáo khác đang trong quá trình chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để hoàn chỉnh, gửi đến đại biểu Quốc hội.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, Chính phủ sẽ trình Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nêu ý kiến đây là vấn đề quan trọng liên quan đến nhiều cơ quan khác, đề nghị các Ủy ban của Quốc hội có nhiệm vụ thẩm tra cần có sự phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả báo cáo thẩm tra. Trong phối hợp thẩm tra, mỗi đơn vị, ủy ban cần có một báo cáo độc lập để từ đó hình thành báo cáo chung.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá vấn đề vướng nhất hiện nay là thời gian gấp rút nhưng nội dung công việc nhiều và chương trình nặng, đề nghị Văn phòng Quốc hội khi xây dựng chương trình phải bám sát nội dung, chương trình đã được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; tuy nhiên cũng cần phải căn cứ vào tình hình thực tế để đảm bảo tính khả thi. Chủ tịch Quốc hội cho biết ngay sau phiên họp này, sẽ có một cuộc họp giữa các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị cho kỳ họp thứ bảy do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì để rà soát lại toàn bộ chương trình, đảm bảo tốt cho công tác chuẩn bị kỳ họp. Về việc chuẩn bị cho công tác chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội tán thành với một số ý kiến đề nghị có công văn yêu cầu gửi câu hỏi sớm đến người được chất vấn để công tác chuẩn bị được tốt hơn. Chủ tịch cũng đề nghị các tài liệu cần chuẩn bị thật tốt để gửi đến các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này.

w Chiều 16-3, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã thảo luận và biểu quyết, thông qua Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay.

Góp ý kiến hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay, các thành viên UBTVQH cho rằng đây là một Pháp lệnh liên quan đến một hoạt động mới và phức tạp, có đối tượng điều chỉnh là một loại tài sản đặc biệt, giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Ban soạn thảo cần hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, đồng thời cũng cần tính đến sự phù hợp với các Công ước quốc tế có hiệu lực về vấn đề này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay của UB Tư pháp của QH đề cập đến 8 nhóm vấn đề chính: Phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh; thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay; khái niệm kê biên đối với tàu bay; biện pháp đảm bảo tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu bay; việc thi hành quyết định bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ; thời hạn bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay; việc đảm bảo chức năng của Viện Kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc bắt giữ tàu bay và quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan ngoại giao, cơ quan giám định, định giá tàu bay.

Liên quan đến những nhóm vấn đề này, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH tại những lần cho ý kiến trước đây, UB Tư pháp của QH đã chỉnh lý, bổ sung lại dự thảo Pháp lệnh.

w Ngày 16-3-2010, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, do ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ làm Trưởng đoàn, đã giám sát tình hình hoạt động của Nông trường Sông Hậu.

Theo nhận định của Đoàn giám sát, kể từ sau khi sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, hoạt động của Nông trường Sông Hậu đã từng bước đi vào ổn định, lực lượng cán bộ, công nhân viên của Nông trường an tâm công tác,... Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 của Nông trường khả quan. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của Nông trường còn gặp nhiều khó khăn do mất cân đối tài chính, thiếu vốn kinh doanh... Đoàn giám sát yêu cầu lãnh đạo Nông trường tiếp tục khắc phục khó khăn vướng mắc, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các bước cần thiết để chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH một thành viên theo quy định; đồng thời, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Từ năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt đề án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty Nông nghiệp Sông Hậu, nhưng trên thực tế Nông trường Sông Hậu vẫn chưa thực hiện chuyển đổi hình thức hoạt động theo quyết định của Chính phủ.

QUỲNH HOA-QUANG VŨ (TTXVN)-QUỐC TRƯỞNG

Chia sẻ bài viết