29/03/2020 - 07:14

Gấp rút đưa vốn vào nền kinh tế

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành cho doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là động thái rất tích cực. Để ứng phó với đại dịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là một trong những cơ quan đi đầu thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn. Tiêu biểu là Thông tư 01/2010/TT-NHNN về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Thông tư có hiệu lực ngày 13-3-2020.

Xác định DN là khách hàng đồng hành, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhanh chóng vào cuộc. Vừa qua, lãnh đạo NHNN cũng đã làm việc với 12 NHTM cổ phần về triển khai Thông tư 01. Theo lãnh đạo các NHTM, ngân hàng đã rà soát danh mục khách hàng, thống kê sơ bộ mức độ ảnh hưởng và triển khai các giải pháp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, giảm phí thanh toán… để giảm bớt áp lực tài chính cho khách hàng. Một số ngân hàng đã ban hành quy định nội bộ thực hiện Thông tư 01, dù vẫn còn một vài vướng mắc về tiêu chí đánh giá khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng lãnh đạo ngân hàng khẳng định luôn sẵn sàng đưa vốn vào nền kinh tế, giảm bớt khó khăn cho DN, người dân. Và các gói tín dụng lãi suất ưu đãi hàng ngàn tỉ đồng được các ngân hàng đưa vào nền kinh tế.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cùng với Thông tư 01, NHNN cũng có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là tin vui cho ĐBSCL. Theo đánh giá của NHNN, khu vực ĐBSCL ngoài đối mặt với khó khăn thách thức từ ảnh hưởng chung của dịch COVID-19, vùng còn chịu thiệt hại nặng nề do hạn hán, xâm nhập mặn. Điều này cũng tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng. Tín dụng của cả vùng ĐBSCL những tháng đầu năm 2020 giảm 0,27% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng giảm 0,56%. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 2-2020 riêng 5 tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang thấp dưới 2%...

​Do vậy, NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các TCTD chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định. Cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của người dân; đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng.

Tại TP Cần Thơ, thực hiện chỉ đạo của NHNN về hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, NHNN chi nhánh đã gửi văn bản đến các TCTD trên địa bàn để kịp thời áp dụng các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Riêng chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố phải ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh triển khai các dự án nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; nhất là tại vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Phối hợp rà soát, xác định và thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn để có biện pháp xử lý kịp thời.  

Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, nhiều ngân hàng đã cam kết đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng người dân, DN; đảm bảo cung ứng đủ vốn ra thị trường. Sự cam kết này tiếp thêm nội lực để DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết