01/10/2019 - 09:07

Gạo Việt nỗ lực vượt khó 

Từ nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo đứng hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, nước ta xuất khẩu từ 6 đến 8 triệu tấn gạo. Nhiều hiệp định tự do thương mại được ký kết đang mở ra triển vọng mới cho ngành xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, gạo Việt luôn tiềm ẩn những khó khăn thách thức từ nhiều phía…

Thách thức

Dây chuyền đóng bao bì gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Ảnh: MINH HUYỀN

Dây chuyền đóng bao bì gạo xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Ảnh: MINH HUYỀN

Ở thị trường nội địa, với gần 100 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng gạo rất cao. Mặt hàng gạo mỗi năm tiêu thụ hơn 12 triệu tấn, tức gấp từ 2 lần lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với thị trường xuất khẩu gạo luôn kèm theo những thách thức không nhỏ. Đó là nhu cầu về gạo chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, nông dân nước ta vẫn giữ thói quen canh tác riêng lẻ, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Công nghệ chế biến, bảo quản gạo của một số doanh nghiệp vẫn còn hạn chế khiến chất lượng gạo giảm sút, khó thâm nhập vào những thị trường khó tính.

Từ năm 2018 đến nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã xuất khẩu hàng chục ngàn tấn gạo Japonica sang Hàn Quốc. Giá bán mỗi tấn gạo loại này là 700 USD. Nhưng để có được đơn hàng giá trị này, công ty phải đáp ứng được hàng chục tiêu chí về chất lượng và an toàn thực phẩm do phía đối tác đặt ra.

Ông Kwak Keun Su, Đại diện pháp luật Tập đoàn Tân Long tại Hàn Quốc, cho biết: Gạo nhập khẩu vào Hàn Quốc chủ yếu dùng để chế biến đồ uống và thức ăn nhanh. Đây là những sản phẩm có giá trị cao. Vì vậy sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho gạo của các bạn. Nhưng theo ông Võ Tuấn Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long, với khách hàng Hàn Quốc, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm vấn đề thời gian giao hàng luôn rất gấp và tiêu chí chất lượng phải được đưa lên hàng đầu. Do đó, không phải dễ dàng đối với doanh nghiệp xuất khẩu để đáp ứng các yêu cầu cho đối tác nhập khẩu.

Hiện gạo Việt đã xuất khẩu đến thị trường trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 30-6-2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, (gọi tắt là EVFTA) đã được ký kết. Theo đó, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn mức 80.000 tấn gạo mỗi năm với mức thuế 0%. Tấm và các sản phẩm từ gạo sẽ được hưởng mức thuế về 0% sau 3 đến 5 năm. Tiềm năng lớn nhưng cũng có không ít khó khăn. Châu Âu vốn đòi hỏi rất cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản. Trong khi đó, đây là điểm yếu của gạo Việt Nam. Năm 2016, nhiều lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Có nhiều nguyên nhân khiến gạo Việt tồn dư hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép của nước nhập khẩu. Trong đó, áp lực tăng vụ, sâu bệnh khiến nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý.

Một vấn đề khác là chất lượng của hạt gạo. Trên cùng một cánh đồng nhưng lúa ở thửa ruộng này lại gieo sạ giống IR50404, thửa ruộng kề bên thì lại gieo sạ một giống khác. Điều này không chỉ khó khăn cho việc thu hoạch lúa đồng loạt mà còn khiến chất lượng gạo giảm sút do bị pha trộn khá nhiều giống lúa khác nhau. GS.TS Võ-Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chia sẻ: Gạo Việt Nam giờ đây vẫn chưa có thương hiệu. Bởi vì các kiểu thương lái thu mua hàng chục giống pha trộn lại, thì không thể nào xây dựng thương hiệu.

Vượt khó

Để giải quyết bài toán này, từ nhiều năm qua, các địa phương đã cho triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn. Nông dân tham gia sản xuất cùng một giống lúa, gieo sạ đồng loạt, rải phân, xịt thuốc dưới sự hướng dẫn của công ty liên kết. Thế nhưng, mô hình này đang có dấu hiệu bất ổn. Đồng Tháp là địa phương có diện tích cánh đồng liên kết lớn nhất nhì ĐBSCL, nhưng năm 2019 này, diện tích cánh đồng liên kết của địa phương chỉ còn 18.000ha, giảm hơn 6.000ha so với năm 2018.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, cho biết: Năm đầu tiên xã Long Phú Thuận cũng có liên kết với Công ty Huỳnh Phú Nông, ban đầu chốt giá 5.200 đồng/kg, nhưng sau đó công ty không đủ điều kiện về kinh tế nên không thu mua. Một nguyên nhân khác khiến việc liên kết chưa tiến hành thuận lợi đó là tập quán sản xuất của nông dân. Bà con chưa quen cập nhật sổ tay ghi chép như yêu cầu của phía doanh nghiệp bao tiêu. Giống lúa phẩm cấp thấp còn chiếm trên 50% tổng diện tích 12.000ha bao tiêu.

Ông Phạm Thành Nhi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hồng Ngự, thừa nhận: Mặt bằng chung về chất lượng gạo của huyện Hồng Ngự thấp vì đa phần nông dân sản xuất giống IR50404, diện tích canh tác manh mún. Sản xuất đã hạn chế nhưng khâu bảo quản sau thu hoạch và chế biến cũng còn nhiều vấn đề đáng bàn. Mỗi năm, nước ta hứng chịu từ 10 đến 12 cơn bão nên lúa thường bị đổ ngã, ngấm nước, nảy mầm. Vào đợt thu hoạch rộ, hệ thống lò sấy ở một số công ty không đáp ứng đủ nhu cầu. Nông dân phải tận dụng mặt bằng tự có để phơi lúa.

Không có đủ lò sấy, nông dân phơi lúa thủ công nên chất lượng hạt gạo giảm sút. Khi đưa vào nhà máy phân loại, lau bóng, tách màu lại gặp phải tình trạng máy móc thiết bị kém hiện đại. Chất lượng gạo không đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu về độ ẩm, độ bóng và tỷ lệ phần trăm tấm. Hậu quả là xuất khẩu gạo của nước ta dù sản lượng luôn cao nhưng giá trị mang về lại thấp. Mỗi tấn gạo thơm, người Thái có thể bán được với giá hơn 1.000 USD. Với gạo thơm Việt Nam, dù chỉ bán giá hơn 600 USD, đã là mừng. Vài năm qua, đã có một số doanh nghiệp nhận ra điểm yếu này và đã tự đầu tư hệ thống chế biến gạo cạnh tranh sòng phẳng với các nước khác.

Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản VINACAM, chia sẻ: Công nghệ chế biến gạo rất quan trọng. Máy móc hiện đại giúp cho doanh nghiệp chế biến được gạo chất lượng cao từ khâu phân loại, lau bóng đến tách màu. Vài năm gần đây doanh nghiệp chúng tôi cũng như một số đơn vị khác đã cố gắng đầu tư máy móc hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm lắm.

30 năm tham gia xuất khẩu, gạo Việt Nam đã dần khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Chính phủ ký kết đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho ngành hàng lúa gạo nước ta. Trong bối cảnh nhiều nước đang hướng đến nhu cầu về chất lượng thì việc thay đổi tư duy sản xuất, phát triển công nghệ chế biến lúa gạo cần phải được chú trọng hơn. Có như vậy, gạo Việt Nam mới có thể đủ khả năng xâm nhập vào những thị trường tiềm năng khi mà các hiệp định thương mại tự do đã ký kết sẽ có hiệu lực.

Kỉnh Huy

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Gạo Việt