10/01/2010 - 21:42

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN PHÚ TRỌNG THĂM VÀ LÀM VIỆC TẠI THANH HÓA:

Gắn kết phát triển công nghiệp với nông nghiệp, chăm lo đời sống nông dân

Trong 2 ngày 9-10/1, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH), Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng, cùng Đoàn công tác của Tiểu ban đã thăm, làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, để tìm hiểu tình hình thực tế, phục vụ công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng.

Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại nhiều cơ sở công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn, sáng 10-1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Nêu rõ yêu cầu khẩn trương hoàn thiện dự thảo một số văn kiện tại Đại hội XI của Đảng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, như chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng phát triển, phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đảng viên làm kinh tế, giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo...

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã chủ động, sáng tạo vận dụng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong giai đoạn 1991-2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,8%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2009 đạt 720 USD/người/năm, gấp 2,5 lần năm 2000 và gấp 4,2 lần năm 1991; thu ngân sách năm 2009 đạt 2.520 tỉ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, trong đó tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm từ 49,2% năm 1991 xuống còn 27,3% năm 2009; công nghiệp - xây dựng tăng từ 19,5% lên 38,4%; dịch vụ tăng từ 31,3% lên 34,3%. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được chú trọng, đến nay số hộ nghèo giảm còn 17,6%; số sinh viên đỗ đại học tăng 8 lần; bộ mặt nông thôn, thành thị không ngừng thay đổi. Những thành tựu to lớn mà Thanh Hóa đã đạt được, khẳng định các đường lối, chủ trương của Đảng là đúng đắn, qua đó củng cố niềm tin của dân đối Đảng.

Chủ tịch QH cho rằng: Là một tỉnh rộng thứ 2 cả nước, dân số đông thứ 3, tiềm năng đa dạng, Thanh Hóa có điều kiện để phát triển cả công nghiệp và nông nghiệp. Trong điều kiện đó, tỉnh cần gắn kết phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp, tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Phát triển công nghiệp phải gắn liền với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm lo đời sống nông dân. Sự phát triển ngành công nghiệp mía đường, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Thanh Hóa, luôn gắn liền với sự tham gia của nông dân. Nông dân trồng mía cung cấp nguyên liệu cho nhà máy và ngược lại, nhà máy hoạt động sẽ tạo ra nhiều việc làm cho nông dân. Trong điều kiện mới, công - nông liên minh không chỉ về chính trị, mà còn thông qua các mối liên kết kinh tế một cách tất yếu. Vấn đề đặt ra là phải phân phối lợi ích một cách hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, cần quan tâm tái tạo, sử dụng đất đai có hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, một trong những địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số; thị sát tình hình thi công xây dựng công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt (xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân). Tại đây, Đoàn công tác đã đi sâu tìm hiểu tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết quả thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác xây dựng Đảng, chính quyền cơ sở trong sạch vững mạnh.

Đến thăm, làm việc tại Nhà máy sản xuất ô tô VEAM, Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (tại huyện Thọ Xuân), thăm mô hình liên kết trồng mía giữa Công ty CP mía đường Lam Sơn và nông dân xã Cẩm Châu thuộc huyện Cẩm Thủy, Đoàn công tác tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, như xây dựng liên minh công - nông trong điều kiện mới, phân phối lợi ích một cách hài hòa trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp...

Tại Thanh Hóa, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác cũng đã đến thăm, làm việc tại Công ty Z111 thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

NGUYỄN THỊ SỰ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết