09/12/2015 - 23:34

Gắn kết doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng Việt

Qua 6 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"(gọi tắt là Cuộc vận động), bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; các doanh nghiệp, nhà sản xuất tăng cường năng lực kinh doanh và khẳng định được vị thế hàng Việt trên thị trường nội địa. Ðể sức lan tỏa của Cuộc vận động càng sâu rộng, cần sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng đưa hàng Việt đến người tiêu dùng Việt.

Nỗ lực kết nối

Hưởng ứng Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Cần Thơ và các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện theo tinh thần các văn bản của trung ương và địa phương. Trong đó, thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá luôn được thành phố chú trọng, đã tạo được ấn tượng, giúp người dân có cơ hội tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, với giá ưu đãi. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội, quảng bá thương hiệu và tạo nên mối liên hệ giữa người tiêu dùng và hàng hóa trong nước. Ông Đinh Trung Trực, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Cần Thơ, cho biết: Từ khi triển khai đến nay, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thành phố. Hiệu quả và sức lan tỏa của Cuộc vận động ngày càng sâu rộng. Hiện nay, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đã tạo được niềm tin và được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, như: hàng dệt may, quần áo, giày dép, thực phẩm, rau quả, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng,... Qua đó, góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển...

Phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng hiệu quả. (Ảnh chụp tại Phiên chợ hàng Việt tại quận Ô Môn).

Với nhiều giải pháp phù hợp, từ năm 2009 đến nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố và các quận, huyện đã phối hợp các doanh nghiệp tổ chức 122 phiên chợ hàng Việt về các vùng ngoại thành, khu công nghiệp. Có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp hơn 100 lượt bán hàng lưu động; tổ chức phát động "Tuần lễ mua sắm", "Phiên chợ học đường", nhiều kỳ hội chợ, triển lãm quy mô mang tính khu vực và quốc tế… Qua đó, có hơn 2.956 lượt doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia, thu hút hàng trăm ngàn lượt người tiêu dùng tham quan mua sắm, doanh thu gần 37,3 tỉ đồng. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho người nghèo, học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền hơn 1,1 tỉ đồng. Thực hiện bình ổn giá thị trường, thành phố hỗ trợ cho 24 lượt doanh nghiệp với nguồn vốn 135 tỉ đồng, giúp các doanh nghiệp tích cực chủ động quy tụ các nguồn hàng hóa dự trữ thường xuyên, đảm bảo chất lượng phục vụ người tiêu dùng, thực hiện giá bán bình ổn thấp hơn thị trường từ 5% trở lên. Đồng thời, tổ chức hơn 98 điểm bán lẻ bình ổn giá cố định để thực hiện phân phối hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng, với doanh thu đạt hàng ngàn tỉ đồng. Thành phố có chính sách giảm hoặc hoàn thuế, tăng cường quản lý, sắp xếp trật tự mua bán tại khu vực trung tâm thương mại của quận, huyện và các chợ xã, phường, thị trấn; tổ chức nhiều hội chợ triển lãm mang tầm khu vực và quốc tế xúc tiến thương mại.

Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TP Cần Thơ, qua kết quả khảo sát thực tế trên địa bàn TP Cần Thơ, đến nay người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam chiếm trên 78%; khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam hơn 69%; trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài nay đã dừng mua hoặc ít mua hơn, thay bằng mua hàng Việt Nam trên 47%. Đây là kết quả đáng khích lệ!

Tăng mật độ bao phủ hàng Việt

Thực tiễn ở TP Cần Thơ vẫn còn nhiều vấn đề trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa Việt. Đó là, hệ thống giữa phân phối – sản xuất – tiêu dùng chưa đồng bộ; đưa hàng Việt về vùng ngoại thành trên địa bàn thành phố chưa nhiều; tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp chưa phát huy cao vai trò, khả năng trong tham gia thực hiện Cuộc vận động; tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng vẫn còn…

Để công tác tổ chức phiên chợ hàng Việt về vùng ngoại thành đạt hiệu quả tốt hơn, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, kiến nghị: UBND thành phố và các quận, huyện cần tiếp tục tăng cường kinh phí cho xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là khu vực thị trường nông thôn; có chính sách hỗ trợ trong việc kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối hàng hóa để người tiêu dùng có được mức giá phù hợp nhất. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa, phòng chống các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước. Các địa phương tổ chức các phiên chợ cần rà soát mạng lưới phân phối hàng hóa của địa phương, nhu cầu cần các ngành hàng cụ thể, các nhà phân phối, chính sách phát triển thương mại của địa phương… Từ đó các bên có sự trao đổi về kế hoach phát triển thương mại nhằm tìm cách tăng "mật độ bao phủ" hàng Việt.

Ông La Quang Ba, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC), cho biết: CTC khi xây dựng định hướng, kế hoạch sản xuất kinh doanh, chương trình thi đua luôn quan tâm và coi trọng yếu tố tác động đến lợi ích thiết thực của cộng đồng trong quá trình thực hiện, phối hợp thực hiện. Điển hình như: chương trình bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, bình ổn giá. Trong đó, các tiêu chí về chất lượng hàng hóa phải đảm bảo theo quy định hiện hành của nhà nước, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giá cả thấp hơn thị trường từ 5-10%. Ông La Quang Ba cho rằng: Đưa hàng Việt đến người tiêu dùng Việt không thể bỏ qua kênh chợ truyền thống. Cần xây dựng chợ truyền thống là nơi bán hàng bảo đảm chất lượng, giá cả bình ổn, là sân nhà của các doanh nghiệp Việt Nam để tiêu thụ hàng Việt. Theo đó, mỗi tiểu thương là một đại sứ cho hàng Việt và mỗi doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đưa hàng hóa ra chợ truyền thống. CTC sẽ nghiên cứu tổ chức mô hình "Gian hàng Việt" (100% hàng bán chất lượng và có xuất xứ trong nước) thí điểm tại chợ cổ Cần Thơ, sau đó nhân rộng sang các chợ khác trong hệ thống. Cách làm này sẽ góp thêm mô hình mới, cách làm mới cùng với địa phương thực hiện thắng lợi Cuộc vận động…

Bài, ảnh: TUYẾT TRINH

Chia sẻ bài viết