03/12/2017 - 17:23

FIFA “nếm trái đắng” từ bê bối tham nhũng 

Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) từng thu về hàng trăm triệu USD từ các hợp đồng tài trợ của các vòng chung kết World Cup trước đây, nhưng hiện nay họ đang chật vật tìm kiếm công ty làm đối tác.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino bên cúp vàng thế giới. Ảnh: NY Times

Cách đây 3 năm, khi World Cup chính thức khởi tranh ở Brazil, không dưới 8 công ty địa phương đã tham gia tài trợ. Thu nhập tài trợ toàn cầu từ kỳ World Cup 2014 cao hơn 650 triệu USD so với sự kiện được tổ chức tại Nam Phi năm 2010 (1 tỉ USD). Trong khi 32 đội tuyển quốc gia giành vé dự World Cup tại Nga vào mùa hè tới đã được xác định, nhưng danh sách nhà tài trợ của FIFA vẫn còn thiếu đáng kể. Điều này cho thấy danh tiếng của FIFA bị ảnh hưởng như thế nào từ bê bối tham nhũng hồi năm 2015. Patrick Nally- giám đốc tài trợ thể thao và từng giúp thành lập chương trình tiếp thị quốc tế đầu tiên cho FIFA cách đây 40 năm, cho rằng tác động của hành vi tham nhũng với FIFA lớn đến mức nên đổi tên gọi tổ chức 113 tuổi này.

Còn nhớ 6 tháng trước khi diễn ra lễ bốc thăm chia bảng World Cup 2014, FIFA tuyên bố chương trình tài trợ, với bản quyền truyền hình là nguồn thu quan trọng nhất, đã được “bán sạch”. Sau vụ bắt giữ các quan chức hàng đầu của FIFA, nhiều công ty kết thúc hợp đồng đối tác, trong đó có những nhà tài trợ lâu đời nhất như Visa, Coca-Cola, McDonald’s và Anheuser-Busch InBev... Năm nay, FIFA lấp vào những vị trí đối tác hàng đầu bằng các công ty ở Nga, Qatar và Trung Quốc. Các hợp đồng đạt được với những công ty Trung Quốc như tập đoàn Wanda (Vạn Đạt) và Vivo cũng như thỏa thuận với Qatar Airways trong năm nay đã giúp FIFA bù đắp sự mất mát các đối tác như Sony và Emirates Airline.

Tuy nhiên, sự thờ ơ từ các công ty Nga đang làm tổn hại FIFA. Hiện chỉ có 2 nhà tài trợ đến từ nước chủ nhà World Cup là Tập đoàn năng lượng Gazprom (đối tác hàng đầu) và Ngân hàng Alfa (đối tác khu vực duy nhất của FIFA- thấp nhất trong số 3 danh mục tài trợ). Các đối tác địa phương không chỉ mang tính quyết định về mặt tài chính cho ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, mà còn tạo hứng thú cho các CĐV nước chủ nhà. Điều này thiếu vắng rõ rệt tại Nga, khi hiện chỉ có 5% suất dành cho các nhà tài trợ giải đấu trong khu vực là có chủ.

Chỉ còn 6 tháng nữa trái bóng Telstar sẽ lăn, thời gian đang chống lại FIFA. Năm ngoái, tập đoàn Wanda chi 150 triệu USD để đăng ký trở thành một trong 8 đối tác hàng đầu của FIFA, nhưng vị trí cuối cùng hiện vẫn còn trống. Rất khó để thuyết phục một công ty dám đặt cược 150 triệu USD vào FIFA lúc này. Vấn đề phức tạp hơn còn là sự bế tắc kéo dài và chưa từng có giữa các đài truyền hình Nga vốn muốn tiếp tục ngăn cản mức giá 100 triệu USD mà FIFA đặt ra cho các bản quyền nội địa.

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết