14/04/2023 - 20:10

FBI bắt giữ nghi phạm rò rỉ tài liệu mật của Mỹ 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Ngày 13-4, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Jack Teixeira (ảnh), một thành viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân bang Massachusetts, vì liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu mật về chiến tranh Ukraine và các vấn đề an ninh quốc gia hàng đầu khác, gây chấn động trong thời gian qua.

Binh nhất Teixeira, 21 tuổi, đã bị bắt mà không có hành động kháng cự nào sau khi FBI lục soát nhà của anh ta ở Massachusetts. Teixeira không có nhiều kinh nghiệm trong quân đội, nhưng với tư cách là một chuyên gia về công nghệ thông tin, anh được quyền truy cập thông tin tình báo quân sự tuyệt mật thông qua mạng máy tính của Bộ Quốc phòng mang tên Hệ thống Liên lạc Tình báo Chung Toàn cầu. Hệ thống này cho phép Teixeira đọc và in các tài liệu mật theo một quy trình quản lý nghiêm ngặt.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết Teixeira sẽ đối mặt khả năng bị truy tố dựa theo đạo luật gián điệp. Luật này hình sự hóa các hành vi như hủy bỏ, lưu giữ và lan truyền trái phép các tài liệu được giữ chặt chẽ liên quan quốc phòng có thể được sử dụng để gây hại cho Mỹ hoặc hỗ trợ một kẻ thù nước ngoài. Mỗi tài liệu như vậy có thể bị tách riêng thành từng vụ việc mà bản án có thể lên đến 10 năm tù giam.

Ông Garland không tiết lộ động cơ của Teixeira, nhưng những thành viên trong nhóm chat riêng tư Thug Shaker Central trên nền tảng Discord, nơi Teixeira đã đăng lên hàng trăm tài liệu mật, mô tả đối tượng này hành động vì muốn ra oai hơn là ý thức hệ. Nếu vậy, vụ này sẽ khác với những trường hợp rò rỉ thông tin chấn động trước đây mà nguyên nhân là do phẫn nộ với các chính sách của Chính phủ Mỹ, bao gồm vụ WikiLeaks và Edward Snowden.

WikiLeaks

Bradley Manning (sau này thông báo chuyển giới và đổi tên thành Chelsea Manning) sinh năm 1987 tại Oklahoma, Mỹ. Năm 2013, binh nhì Manning bị kết án 35 năm tù vì tội chuyển hơn 700.000 tài liệu quân sự mật của Mỹ cho trang web WikiLeaks vào năm 2010. Trong số các tài liệu rò rỉ có những báo cáo chiến trường tại Afghanistan, Iraq và thông tin mật của Bộ Ngoại giao Mỹ. Manning nói anh ta làm như vậy bởi muốn phơi bày cái giá của chiến tranh. WikiLeaks, trang web do tin tặc người Úc Julian Assange sáng lập, sau đó công bố hàng trăm ngàn điện tín mật nói trên, tạo ra “cú sốc” lớn trên chính trường Mỹ.

Một cuộc truy lùng cha đẻ của WikiLeak cũng bắt đầu. Năm 2012, ông Assange xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh nhằm tránh bị dẫn độ về Thụy Điển liên quan tội tấn công tình dục. Theo Assange, mục đích cuối cùng của những người muốn bắt giữ ông là dẫn độ ông về Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gián điệp và xuất bản tài liệu mật của Mỹ trên WikiLeaks.

Edward Snowden

Vào tháng 6-2013, Snowden đã tiết lộ thông tin về nhiều chương trình giám sát bí mật, bao gồm chương trình siêu dữ liệu nghe lén điện thoại của Mỹ và châu Âu, chương trình PRISM và Internet Tempora. Trước khi làm cho một công ty đối tác của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) thuộc Nhà Trắng và thực hiện vụ rò rỉ, Snowden từng là nhân viên của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Vụ bê bối đã đẩy chính quyền Tổng thống Barack Obama cũng như giới chức tình báo xứ cờ hoa vào cuộc khủng hoảng làm ảnh hưởng hình ảnh nước Mỹ với người dân và trên trường quốc tế.

Trước khi tiết lộ thông tin mật, Snowden đã bay đến Hong Kong. Tại đây, ông đã tuồn hàng ngàn tài liệu mật về chương trình theo dõi của NSA cho phóng viên hãng tin Guardian và nhà làm phim tài liệu Laura Poitras. Tuy nhiên, thay vì ẩn danh, Snowden sau đó đã công khai danh tính. Vào tháng 8-2013, Snowden được Nga đồng ý cho tị nạn chính trị một năm, rồi gia hạn thêm ba năm.

Trong nhiều năm, cơ quan chức năng Mỹ đã tìm cách đưa ông về nước để xét xử với các cáo buộc liên quan hoạt động gián điệp. Cuối năm 2022, “người thổi còi” Snowden (hiện đã 40 tuổi) được Nga cấp hộ chiếu sau khi tuyên thệ trung thành với đất nước này.

Chia sẻ bài viết