06/04/2021 - 11:19

Đường đến trường của Tấn Lộc 

18 giờ, Nguyễn Tấn Lộc (sinh viên ngành Vật lý trị liệu, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ) bắt đầu công việc chạy xe ôm cho đến 22 giờ. Đó là công việc Lộc chọn mưu sinh và trang trải chi phí học tập. 

Sau giờ học, Tấn Lộc chạy xe ôm công nghệ để trang trải chi phí học tập.

Sau giờ học, Tấn Lộc chạy xe ôm công nghệ để trang trải chi phí học tập.

Gia đình Lộc có hai anh em. Cha mẹ không còn nên anh em Lộc sống với bà ngoại ở xã Trường Long, huyện Phong Điền. Năm Lộc 3 tuổi thì bà ngoại không nuôi cháu nổi nên gởi em vào Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Sáu năm sau, em trai của Lộc là Nguyễn Tấn Tài cũng vào sống cùng anh. Ở Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương, Lộc được đến trường nên luôn cố gắng học tập. Suốt 12 năm, Tấn Lộc luôn đạt danh hiệu học sinh Khá. Những ngày hè, Lộc và em trai được về nhà ngoại chơi vài tuần. Nhưng sự thiếu vắng mẹ cha khiến tuổi thơ của Lộc là những ngày dài đơn độc, phải tự giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.

Năm 18 tuổi, Nguyễn Tấn Lộc tốt nghiệp THPT và… không được ở nhà nuôi trẻ mồ côi nữa. “Đó là thời điểm em hết sức bế tắc, không biết đi đâu, làm gì. Nhớ lại hồi xưa mẹ em chết vì tai biến sản khoa nên em nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, học ngành Vật lý trị liệu. Em mong sau này có thể giúp nhiều người bệnh tai biến hồi phục sức khỏe” - Lộc chia sẻ. Năm 2018, Nguyễn Tấn Lộc về TP Cần Thơ nhập học với hơn 1 triệu đồng của thầy cô ở Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương tặng. 

Sống trong Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương suốt tuổi vị thành niên là điều kiện thuận lợi để Lộc có thể đến trường. Nhưng khi về TP Cần Thơ, Lộc hoang mang vì môi trường sống bên ngoài quá xa lạ. Nhờ bạn bè giới thiệu, Lộc đi bán kẹo kéo. Sau đó, em chuyển sang làm phục vụ ở nhà hàng, phụ việc ở quán ăn. Lao động mệt nhọc và thức khuya nên có những hôm Lộc không thức dậy nổi để đến trường. Mặc dù vậy, Tấn Lộc luôn tự động viên bản thân phải cố gắng học tập.

Hơn 1 năm trước, một sinh viên ở Trường Đại học Võ Trường Toản biết hoàn cảnh khó khăn của Lộc nên vận động bạn bè tặng em một chiếc xe gắn máy cũ để làm phương tiện đi lại. Vì vậy, Lộc chuyển sang chạy xe ôm công nghệ. Mỗi tối, Lộc kiếm được gần 100.000 đồng sau khi trừ đi tiền xăng. Lộc cho biết chạy xe ôm công nghệ không ràng buộc thời gian, phù hợp với việc học tập nên rảnh thì mới em làm. Nhờ siêng năng làm việc nên Lộc tự trang trải chi phí học tập, đồng thời dành dụm được ít tiền để giúp đỡ em trai đang học lớp 12. Cuối năm 2021, Nguyễn Tấn Lộc sẽ tốt nghiệp và ước mơ của em là tìm được một công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và hỗ trợ em trai tiếp tục học tập.

Chị Phạm Thị Thúy Hằng, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, cho biết: “Tấn Lộc là một trong số ít sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở trường. Tuy có hoàn cảnh gia đình nghiệt ngã nhưng Lộc luôn nỗ lực, vượt qua thử thách để đến trường. Năm đầu tiên, Lộc chỉ học trung bình nhưng đến nay thì em đạt loại Khá. Những năm qua, Ban Chấp hành Đoàn trường thường xuyên động viên, hỗ trợ học bổng để em giảm bớt những khó khăn trên con đường đi tìm một tương lai tươi sáng hơn”.

  Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết