28/12/2011 - 08:48

"Đường dây nóng" của chàng trai trẻ

Ký * VÂN LÂM

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay,…”, với cách nghĩ như thế, nhiều năm qua, anh Trần Minh Trung, 27 tuổi, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, luôn muốn làm gì đó mạng lại lợi ích chung cho cộng đồng. Và anh đã chọn việc giặm vá những đoạn đường nông thôn hư hỏng, giúp bà con đi lại dễ dàng và góp phần làm đẹp bộ mặt nông thôn ở xứ cù lao này.

* A lô đường hư,... Trung ơi!

Gần cuối năm, tôi hòa cùng dòng người đang hối hả đi trên con đường tráng nhựa, bằng phẳng dẫn đến trung tâm phường Tân Lộc không còn lo lắng bởi những “ổ gà, ổ voi” như trước. “Ổ voi to đùng dưới dốc cầu từng làm nhiều người té ngã, mang thương tật, mấy ngày qua, cháu Trung cùng nhóm nhân công đổ đá, nấu nhựa vá lại, giờ ngon lành rồi, bà con ở đây ai nấy đều vui!”- Ông Năm Thiện, một người dân ở địa phương phấn khởi nói.

Anh Trần Minh Trung xúc cát tu sửa đường hư hỏng. 

Tuyến đường từ bến phà Tân Lộc đến trung tâm phường dài gần chục km. Năm nào địa phương cũng đầu tư kinh phí sửa chữa. Tuy nhiên, do chỉ dừng lại ở việc sửa chữa tạm bợ nên mỗi khi lũ đi qua, con đường lại hư hỏng nặng. Ông Lê Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lộc cho biết: “Ngân sách địa phương hạn hẹp, có khi chỉ đủ tiền mua vật liệu nên việc sửa chữa tuyến đường gặp nhiều khó khăn”.

Cách đây 4 năm, nhiều người qua lại trên tuyến đường liên khu vực Tân Mỹ - Đông Bình thấy lạ khi có một anh thanh niên trẻ tuổi, mặc áo thun bạc màu, chân trần, tay xách, nách mang bộ đồ nghề chăm chỉ vá từng “ổ gà, ổ voi”. Nhưng rồi họ quen dần với công việc của Trung. Giờ số điện thoại của Trung trở thành “đường dây nóng” để bà con trong phường báo tin đường hư. Cuối năm 2011, phường Tân Lộc có chủ trương sửa chữa lại tuyến đường liên phường, Trung được địa phương tín nhiệm giao nhiệm vụ thi công công trình. Trung vui mừng nhưng vẫn đầy nỗi lo, bởi đây là thời điểm xuống giống vụ đông xuân, việc huy động anh em nhân công không dễ chút nào. Khó khăn là thế, vậy mà Trung không bỏ cuộc. Nghe Trung đứng ra sửa chữa tuyến đường liên phường, thương cho tấm lòng thiện nguyện vì xã hội, nhiều lão nông trong phường, huy động con cháu phụ giúp anh. Người nấu cơm, người mang nước, mang thức ăn... đến tiếp sức cho Trung. Qua gần 1 tháng thi công, con đường được sửa chữa hoàn tất.

Hôm chúng tôi đến thăm, Trung cùng cộng sự của mình đang sửa lại đoạn đường hư hỏng do bị sạt lở ở khu vực Đông Bình. Nước ngập gần đến cổ, Trung đang hì hục cặm từng cây cừ tràm làm kè dưới mé sông. Chiếc xe gắn máy chở đầy trái cây chạy vụt qua, Trung đưa tay dụi mắt vì bụi đường. Nước da đen sạm, thân hình gầy gò nhưng rắn rỏi của Trung rất dễ gây ấn tượng cho người gặp lần đầu bởi nụ cười hiền. Bắt đầu công việc vá đường ở tuổi 23 đến nay, Trung không còn nhớ mình đã vá được bao nhiêu đoạn đường hư hỏng. Điều đọng lại trong anh là niềm vui khi thấy bà con đi lại an toàn. Cũng ngần ấy thời gian tiếp xúc với công việc nặng nhọc nên đôi bàn tay của Trung chai sần, đầy sẹo. “Thanh niên ở đây sau việc đồng áng thường tìm đến quán cà phê, bida để giải trí. Còn cháu Trung suốt ngày chỉ biết đi tìm đường hư sửa chữa. Còn trẻ mà cháu Trung đã “mê” công tác xã hội, hiếm thiệt!”- ông Hai Hiệp, người có thâm niên làm công tác xã hội nhiều năm ở phường Tân Lộc nhận xét.

* Bán bò... sửa đường

Hồi còn học trung học cơ sở, có lần cùng nhóm bạn đạp xe ra chợ huyện (huyện Thốt Nốt cũ) chơi. Đi chưa được bao xa, một người trong nhóm bạn của Trung gặp phải “ổ gà” té đập đầu xuống lộ, máu chảy đầm đìa, cả nhóm bạn hốt hoảng, lo sợ, vội đưa đến bạn Bệnh viện cấp cứu, nhưng may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng. Sau đó, vì gia đình nghèo khó, Trung phải gác chuyện học hành, ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nhiều lần trên đường đi làm thuê, chứng kiến tai nạn giao thông xảy ra do đường hư, xuống cấp, Trung cảm thấy đau xót, thương cho nhưng người không may gặp nạn. Cũng từ đó, ý nghĩ về công việc vá đường được Trung nung nấu. “Dẫu biết việc té ngã, tai nạn giao thông là chuyện xui rủi, nhưng đường sá đàng hoàng sẽ giúp nhiều người tránh được chuyện không may” - Trung tâm sự.

Gia đình Trung nghèo lại không có đất sản xuất, thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi bò, thỏ, làm thuê, hơn nữa, cha mẹ anh tuổi ngoài 50, lại thường xuyên bị bệnh nên kinh tế gia đình do Trung và người anh thứ tư cáng đáng. Để có thời gian làm việc xã hội, Trung phải thức dậy từ gà gáy, đi hàng cây số cắt cỏ mang về cho đàn bò, thỏ, rồi phụ giúp mẹ chăm sóc cho bà ngoại. Năm 2007, khi cuộc sống gia đình tạm ổn, Trung bắt đầu tham gia công tác xã hội. Ròng rã cả tháng trời lặn đào đất thuê được 3 triệu đồng, Trung xin ý kiến cha, mẹ cho anh số tiền này. Bà Trần Thị Quy nhớ lại: “Tôi có 4 người con, Trung là con trai út. Khi ấy, thương con làm lụng cực khổ, tính đâu cháu nó xin tiền để mua điện thoại di động, quần áo đẹp, nào ngờ nó mua xi măng, cát, đá, dụng cụ làm hồ, rồi đi vá đường trong xóm”. Gặp Trung cặm cụi giữa trưa nắng, nhiều thanh niên trong ngoài xóm gọi biệt danh là Trung “hề” để chế nhạo anh. Nhưng rồi họ cũng dần hiểu ra việc làm ý nghĩa của Trung. Từ đó, mỗi khi anh có việc cần xe tải, xe ba gác để vận chuyển vật liệu hay nhân công thì nhiều người nhiệt tình tiếp sức. Trong đó, có cả các cụ cao niên và thanh thiếu niên. Số tiền ít ỏi, được Trung tiêu hết vào việc vá đường. Hết tiền, trong khi nhiều tuyến đường ở phường Tân Lộc xuống cấp nghiêm trọng, cần được sửa chữa, Trung buồn lắm. Bà Quy thấy con tối ngày ủ rũ, bèn kêu lái đến bán 2 con bò hơn 40 triệu đồng, đưa hết số tiền này cho Trung làm tiếp công việc vá sửa đường. Ngoài số tiền bán bò, Trung còn tranh thủ làm thuê để kiếm thêm tiền phục vụ cho công việc xã hội của mình.

Thương Trung hiền từ, hiếu thảo, tốt bụng, một gia đình khấm khá ở địa phương đánh tiếng gả con gái cho Trung. Biết chuyện, Trung điềm đạm nói: “Có vợ giàu ai hổng muốn nhưng biết có phải duyên nợ của nhau không, thôi thì từ từ để hai bên tìm hiểu. Giờ tôi vận động mấy anh em trong ngoài xóm thành lập nhóm vá đường của phường, ráng hoàn thành mấy đoạn đường hư hỏng nặng để Tết này bà con đi lại an toàn”.

Thật đáng trân trọng với tấm lòng vì cộng đồng của chàng thanh niên trẻ xứ cù lao Tân Lộc này. Chính việc làm đầy ý nghĩa của Trung đã thổi bùng ngọn lửa cho phong trào thanh niên xung kích, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp của địa phương. Anh xứng đáng được ngợi khen như Thư khen ngợi của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mới gởi cho Trung vào ngày 25-12-2011: “Hành động này của anh đã góp phần vào việc đảm bảo an toàn giao thông, giữ cho những con đường ở quê mình êm thuận, cho phương tiện qua lại an toàn, thuận tiện hơn... Trong bối cảnh ngân sách dành cho duy tu, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường từ Trung ương đến địa phương còn nhiều hạn chế, việc làm của anh thật đáng trân trọng, biểu dương. Nghĩa cử này còn là một tấm gương sáng để các bạn trẻ học tập, noi theo”.

Chia sẻ bài viết