13/04/2007 - 11:02

Đừng xem thường "bà hỏa"

Trên địa bàn TP Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 vụ cháy, làm chết 1 người, bị thương 4 người, thiệt hại tài sản trên 3 tỉ đồng. Những vụ cháy xảy ra tập trung tại khu dân cư và các cơ sở sản xuất. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ là do chính quyền địa phương thiếu quan tâm đôn đốc, nhắc nhở trong công tác PCCC. Hiện tại, thời tiết nóng bức, khô hanh, nguy cơ cháy nổ ngày càng gia tăng.

CƠ QUAN CHỨC NĂNG: LƠ LÀ VỚI LỬA!

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ kiểm tra thiết bị chữa cháy và hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng bình chữa cháy cho nhân viên Bến Tàu khách Cần Thơ. L.P
Người dân thị trấn Thốt Nốt, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ còn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc đến vụ cháy ở nhà ông Trịnh Văn Ba vào cuối năm 2006. Đám cháy bùng phát trong đêm và nhanh chóng thiêu rụi 6 căn nhà liền kề. Nơi phát hỏa nằm trong hẻm nhỏ, đông dân cư, không có gia đình nào trang bị bình chữa cháy, nên việc triển khai phương án chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Khi ngọn lửa được khống chế, người ta mới phát hiện anh Trịnh Văn Út (con ông Ba) đã chết trong đám cháy.

Kinh nghiệm đau thương được rút ra từ vụ hỏa hoạn này: dân cư trong khu vực không được nhắc nhở trang bị dụng cụ PCCC; không có đội chữa cháy cơ sở; phương tiện chữa cháy của đội chữa cháy Thốt Nốt quá cũ kỹ hiệu quả chữa cháy không cao; đoạn đường từ Đội chữa cháy trung tâm đến vị trí cháy quá xa, mất nhiều thời gian mới có thể đến hỗ trợ chữa cháy… Qua vụ cháy này, Công an TP đã ký kết giao ước với Công an tỉnh An Giang trong việc phối hợp chữa cháy ở địa bàn Thốt Nốt.

Khu chung cư Trung tâm Thương mại Cái Khế, đường Trần Quang Khải, quận Ninh Kiều cũng là nơi đang ẩn chứa nhiều nguy cơ. Hai khu nhà chung cư nằm tách rời nhau, mỗi khu chỉ có một cầu thang nhỏ, hẹp để leo lên. Chúng tôi lần theo cầu thang chật hẹp này lên đến tầng cao nhất. Thật bất ngờ, dãy nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, người dân vào ở hơn 5 năm nhưng đến nay không có hệ thống chữa cháy hay bất cứ một thiết bị chữa cháy nào. Chị Phạm Thị Thu Trang, chủ nhà số 5-2, cho biết: “Nhà tôi ở đây đã lâu, nhưng không thấy ai nhắc nhở về PCCC. Tôi cũng không thấy Ban quản lý trang bị bình chữa cháy cho chung cư. Mỗi lần họp chung cư, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn kiến nghị nhưng không thấy khắc phục gì. Cầu thang nhỏ, nhà tôi ở trên cao nên cũng lo lắm, lỡ có hỏa hoạn xảy ra không biết chạy đường nào!”.

Đem những lo lắng của người dân đến gặp Ban Quản lý khu chung cư, chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời: “Ban quản lý có hai người, chỉ làm công việc bơm nước, đi thu tiền điện, nước chứ không được giao trách nhiệm về PCCC. Nếu muốn hỏi về PCCC thì đến gặp Phòng Tài chính- Kế hoạch quận Ninh Kiều- đó mới chính là cơ quan quản lý khu chung cư này!”. Chúng tôi đến gặp ông Trương Anh Tuấn, Trưởng Phòng tài chính- kế hoạch quận Ninh Kiều. Ông Tuấn thừa nhận thiếu sót đã không trang bị thiết bị chữa cháy tại hai dãy chung cư này và phân trần: “Phòng Tài chính- Kế hoạch được UBND quận Ninh Kiều giao quản lý hai dãy chung cư này và 3 khu chung cư khác nữa. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các khu chung cư này đều không được trang bị hệ thống PCCC. Khu chung cư Trung tâm Thương mại Cái Khế đến nay vẫn chưa quyết toán xong, chưa có người quản lý. Việc xây dựng chung cư vẫn chưa hoàn chỉnh, vẫn còn thiếu một dãy chung cư nằm giữa, liên kết hai dãy chung cư này nên có thể do vậy mà chưa được thiết kế hệ thống PCCC. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi sẽ cho người đến khảo sát để trang bị các dụng cụ chữa cháy và xem xét lại thiết kế của chung cư”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, Trung tá Nguyễn Sỹ Niêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC- Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Do khu chung cư Trung tâm Thương mại Cái Khế xây dựng trước khi có Nghị định 35 của Chính phủ quy định nhà chung cư từ 5 tầng trở lên phải thông qua chế độ thẩm duyệt thiết kế về thiết bị PCCC tại công an ở địa phương, nên thời điểm đó chúng tôi không thể xử phạt hay can thiệp được. Bây giờ thì khu chung cư này là nơi khá nguy hiểm về an toàn PCCC. Để khắc phục, Ban quản lý khu chung cư phải trang bị phương tiện chữa cháy, thành lập được một đội chữa cháy bán chuyên nghiệp, tối thiểu có từ 10-12 người làm nòng cốt để khi có sự cố cháy, nổ xảy ra có thể huy động được lực lượng”. Các cơ quan chức năng giải thích đề xuất như thế nhưng trên thực tế, mọi chuyện vẫn như cũ- nguy cơ hỏa hoạn vẫn đang đe dọa nhiều người sinh sống ở chung cư này.

Tại nhiều cơ quan nhà nước, việc PCCC cũng bị lơ là không kém. Qua kiểm tra tại Sở Kế hoạch- Đầu tư và Sở Xây dựng, Đoàn Thanh tra về công tác PCCC Công an TP Cần Thơ đã phát hiện ở hai cơ quan này công tác tổ chức thực hiện PCCC chưa nghiêm, phương tiện chữa cháy trang bị chưa đáp ứng yêu cầu, chưa thành lập được các tổ, đội PCCC tại chỗ, chưa thành lập được phương án chữa cháy… Đoàn kiểm tra đã kiến nghị, yêu cầu khắc phục, nhưng qua phúc tra Sở Kế hoạch đầu tư và Sở Xây dựng đã chậm thực hiện các kiến nghị của Đoàn kiểm tra. Tại cuộc họp bàn kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ và an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đồng chí Tô Minh Giới, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đã yêu cầu hai cơ quan nói trên phải thực hiện các kiến nghị của cơ quan PCCC và có báo cáo về UBND thành phố trong việc thực hiện PCCC.

NGƯỜI DÂN: THIẾU QUAN TÂM

Chúng tôi đến Bến tàu khách Cần Thơ, nơi thường xuyên tập trung đông hành khách và luôn có một lượng lớn hàng hóa tập kết. Theo đồng chí Quyền trưởng Bến tàu khách Cần Thơ báo cáo, tại bến trang bị 5 bình chữa cháy, một máy bơm dầu và một máy bơm điện. Nhưng qua kiểm tra của phòng Cảnh sát PCCC thì trong 5 bình đã có 3 bình chữa cháy hư hỏng, không sử dụng được. Trong kho chứa hàng tạm thời, những thùng mì, thùng nước khoáng chất gần kín kho. Ngay góc kho một bàn thờ ông thần tài với hai cây nến đang cháy đỏ đặt sát bên những bọc ni lông, thùng giấy. Cán bộ kiểm tra của Phòng cảnh sát PCCC phải yêu cầu không được thắp nhang đèn thờ cúng trong kho và nhắc nhở khi đốt nhang đèn phải để tránh xa những vật dụng dễ cháy. Một chị đứng ngay cửa kho hàng, nghe nhắc nhở lập tức phản ứng: “Đốt gần mấy chai nước làm sao cháy được?”. Cán bộ kiểm tra phải phân tích, chỉ cho chị ta thấy những bọc ni lông đặt sát ngọn nến, khi đó chị ta mới cười giả lả…

Hẻm 20 khu vực 1, phường Tân An, một con hẻm nhỏ bị kẹp giữa hai căn nhà lầu to, dài, làm cho con hẻm đã nhỏ trông càng hẹp và tối. Phía trên con hẻm dây điện giăng mắc lung tung từ cọng to đến cọng nhỏ quấn vào nhau. Thấy tôi chăm chú nhìn lên những cọng dây điện, chị Vân bán hủ tiếu ngay góc hẻm nói: “Dây điện ở đây giăng mắc thấy sợ. Hẻm này là hẻm cụt, nhỏ, lỡ có chập điện, cháy không biết sao nữa”. “Vậy chị có phản ánh với chính quyền địa phương chưa?”- tôi hỏi. “Cũng muốn phản ánh với tổ, khu vực lắm chứ, nhưng mấy năm nay không thấy ai mời họp gì hết làm sao phản ánh được!”. “Trong hẻm có nhà nào có bình chữa cháy không?”- tôi hỏi tiếp. “Mình là hộ dân mua bình chữa cháy làm gì, có biết sử dụng đâu…”. Ra khỏi hẻm 20, chúng tôi không khỏi lo lắng cho số phận của những hộ dân trong hẻm.

Ngoài việc thiếu quan tâm đến hệ thống điện, thiếu tự trang bị phương tiện chữa cháy, nhiều hộ dân còn bất cẩn trong việc sử dụng lửa, đốt cỏ. Lúc 20 giờ 20 phút ngày 20-2-2007 tại đường Trần Hoàng Na, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, những người dân xung quanh gom cỏ đốt, không trông coi để lửa cháy lan đến sát nhà dân. Rất may lực lượng chữa cháy đã kịp thời có mặt dập tắt đám cháy. Sau đó vài ngày, lại một vụ đốt cỏ ở phường Trà Nóc gây cháy lan, lực lượng chữa cháy phải nhanh chóng đến dập tắt đám cháy.

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ CÒN
BẤT CẬP

Ở TP Cần Thơ hiện còn 457 hẻm xe chữa cháy không vào được. Đi vào hẻm 42, đường Trần Phú, phường Cái Khế, một con hẻm nhỏ, chật hẹp và dây điện được mắc một cách rất thủ công, sơ sài có thể gây cháy bất kỳ lúc nào. Đến hẻm 56, đường Trần Phú, phường Cái Khế chúng tôi thấy hệ thống dây điện được câu mắc chằng chịt, có một số nhà căng những tấm cao su ngoài mái hiên nhà trùm gần hết lối đi trong khi chiều ngang hẻm chỉ rộng khoảng 1,5 m. Bà Trần Thị Thu Hồng, người dân trong hẻm 56, nói: “Hẻm này lúc trước đã có xảy ra 2 vụ cháy. Nhà tui ở ngay cột điện, lỡ có bị chập điện, nếu xảy ra cháy nổ chắc bị thui rụi luôn quá! Vậy nên nhà tui lúc nào cũng phải có người ở nhà”. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Kha, Phó trưởng Công an phường Cái Khế, cho biết: “Một số hẻm nhỏ xe chữa cháy vào không được đề nghị nâng cấp hẻm, từng khu vực đã thành lập đội chữa cháy tại chỗ phương tiện chữa cháy thô sơ. Chúng tôi đề nghị UBND phường trang bị phương tiện chữa cháy, ngoài ra chúng tôi triển khai cho nhân dân cách đề phòng xảy ra hỏa hoạn trong khi đun nấu và sử dụng điện”.

Chúng tôi đến nhà chị Trịnh Thị Cáo hẻm 102, đường 3-2 phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Cách đây 1 năm nhà chị đã cháy. “Hôm đó khoảng 4 giờ chiều tui đang đi làm thì có người cho hay nhà tui bị cháy. Tất tả chạy về thấy xe cứu hỏa đậu ở đầu hẻm, tui chạy vào trong thấy ngọn lửa đã nuốt sạch căn nhà mình. Trong người tui lúc đó chỉ có bộ đồ dính da thôi. Giá như con đường không hẹp xe chữa cháy vào được để ứng cứu kịp thời thì nhà tôi có lẽ không đến nỗi…”- chị Cáo tiếc nuối nói.

Không chỉ những con hẻm nhỏ xe chữa cháy mới không vào được, mà ngay cả những tuyến đường lớn nhưng xe chữa cháy cũng “bó tay” như đường Nguyễn Việt Hồng, phường An Phú, quận Ninh Kiều đường rộng và thông thoáng, nhưng do vướng dây điện thoại giăng mắc bừa bãi nên xe chữa cháy muốn vào cũng không được. Trường hợp ở con hẻm 22, đường Mạc Đĩnh Chi, hẻm 71/3 đường Nguyễn Khuyến, phường An Cư… cũng tương tự.

Trước nhiều khó khăn, bất cập trên, Trung tá Nguyễn Sỹ Niêm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, hầu hết các cơ quan đầu tư xây dựng đều thông qua chế độ thẩm duyệt thiết kế về thiết bị PCCC. Tuy nhiên, những khu chung cư không có hệ thống PCCC, những con hẻm nhỏ xe chữa cháy không vào được là hậu quả của cách làm trước đây chưa quan tâm nhiều đến PCCC. Theo quy chuẩn về PCCC, các tuyến đường ở khu đô thị, khu đông dân cư đều phải trang bị trụ nước chữa cháy đường phố khoảng cách từ 200m-500m/ trụ, tùy theo thực tế của khu vực. Tuy nhiên, hiện việc trang bị các trụ nước chữa cháy đường phố vẫn chưa hoàn thiện”.

Hiện nay, mùa hanh khô, nhiệt độ đang tăng cao, nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn rất lớn. Để đảm bảo an toàn, giảm nguy cơ cháy nổ xảy ra, thiết nghĩ các cơ quan, địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến việc củng cố lực lượng chữa cháy cơ sở; đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị PCCC; bố trí người thường xuyên kiểm tra, canh gác để kịp thời phát hiện xử lý khi đám cháy mới phát sinh...

Sơn Hà – Minh Hoàng

Chia sẻ bài viết