03/09/2022 - 19:46

Đừng lạm dụng!

Câu chuyện lạm dụng kỹ thuật chỉnh sửa, dựng hiện trường giả, áp dụng không chọn lọc phương tiện kỹ thuật trong nhiếp ảnh nghệ thuật đã được nói đến từ lâu. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra nhiều, nhất là ở các cuộc thi, liên hoan.

Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực ĐBSCL lần thứ 37 do tỉnh Trà Vinh đăng cai vừa kết thúc, theo Ban Giám khảo, chất lượng ảnh dự thi khá tốt, tính nghệ thuật cao. Bộ ảnh đạt giải khái quát được hình ảnh đất và người ĐBSCL qua ngôn ngữ nhiếp ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, các giám khảo gồm các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Hoàng Thạch Vân, Trương Hữu Hùng, Nguyễn Bảo Hưng, Nguyễn Bá Hảo, Huỳnh Phạm Anh Dũng, đã có chung nhận xét rằng: Tại liên hoan, không ít tác phẩm còn lạm dụng kỹ thuật dẫn đến hình ảnh không còn trung thực về sắc độ, làm mất đi cảm xúc của người xem. Còn nhiều ảnh lỗi về kỹ thuật do xử lý hậu kỳ, như với thể loại ảnh đen trắng, độ chuyển gam màu trung gian chưa mềm mại, sự tương phản quá gắt giữa đen và trắng...

Thực tế, chuyện lạm dụng kỹ thuật trong xử lý hậu kỳ ảnh nghệ thuật vẫn còn rất phổ biến trong giới nhiếp ảnh. Nhiều người không chỉ xem các phần mềm xử lý ảnh là công cụ hỗ trợ để gia tăng chất lượng tác phẩm mà xem đó là công cụ chính, mặc sức “thiên biến vạn hóa”, khiến tác phẩm không còn tính trung thực, cả về sắc độ, bố cục lẫn tính hiện thực khách quan. Từ đó, đơn cử như có liên hoan ảnh cấp khu vực ở một địa phương phía Bắc, nhiều tác phẩm đạt giải bị phản ứng gay gắt vì sự cắt ghép, chỉnh sửa “quá tay”.

Một kiểu lạm dụng nữa cũng rất phổ biến là các nghệ sĩ nhiếp ảnh hay dàn dựng bối cảnh chụp theo ý chủ quan của mình. Vì vậy mà khi tác phẩm ra đời, nhìn rất gượng gạo. Thử xem lại nhiều ảnh chụp cảnh gói bánh tét ăn Tết ở quê, bắt cá dưới sông hay cảnh chụp trong các lớp học... sự na ná, thiếu nét riêng là dễ thấy. Những cảnh chụp mà bình thường lẽ ra rất bừa bộn - sự bừa bộn đáng yêu của cuộc sống - nhưng lại chỉn chu vào khuôn ảnh đến mức khó chấp nhận. Đó là chưa kể nhiều người còn lạm dụng làm khói, dằn sáng, hậu cảnh đen... sai lệch thực tế.

Cũng không quên nhắc đến chuyện lạm dụng flycam trong ảnh nghệ thuật hiện nay. Có một thời, ống kính fish-eye nở rộ và đi đâu cũng thấy ảnh fish-eye. Một số ảnh ứng dụng fish-eye hợp lý cho ra ảnh nghệ thuật rất đẹp nhưng với một mái đình, một chợ nổi... mà dùng fish-eye không hợp lý sẽ làm biến dạng công trình, quang cảnh. Qua thời fish-eye, bây giờ thì “người người flycam, nhà nhà flycam”. Dĩ nhiên, để thể hiện đại cảnh, toàn cảnh rộng từ góc nhìn trên cao thì flycam là một lựa chọn hữu dụng. Tuy nhiên, cứ nhìn cảnh “rồng rộng, đèm đẹp” từ biển đến núi, đến sông, đến ruộng đồng, đến cao nguyên... mãi thì người xem phát ngán. Nhiều bức ảnh đẹp thì có đẹp nhưng không có điểm nhấn, không có cảm xúc.

Nghệ thuật rất cần xúc cảm từ hiện thực cuộc sống, ảnh nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Chẳng có kỹ thuật, máy móc nào làm thay con người nhiệm vụ giao cảm giữa nghệ sĩ và nhân vật để chụp nên những bức ảnh có cảm xúc. Thực tế cũng cho thấy, fish-eye, flycam hay phần mềm chỉnh sửa ảnh cũng chỉ là trào lưu, “sóng sau xô sóng trước”. Ảnh nghệ thuật nhưng lạm dụng kỹ thuật, suy cho cùng, đó là cuộc chơi công nghệ chứ không còn là tác phẩm nghệ thuật.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết