03/11/2008 - 21:08

Trái cây xuất khẩu vào châu Âu

Đừng để mất cơ hội !

Hiện nay, nhiều loại trái cây đạt chứng nhận Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) có cơ hội xuất khẩu vào châu Âu. Đó là nhận định của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại – Du lịch tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, theo luật định, hoạt động xuất khẩu trái cây cần đảm bảo các nguyên tắc đã thỏa thuận, trong đó, sản lượng và chất lượng đều phải được quan tâm.

Tính đến nay, cả nước đã có hơn 18.000 nhà nông (bao gồm nhà vườn trồng cây ăn trái, trồng rau, nuôi cá...) đã được tập huấn để có thể tham gia sản xuất nông sản tiêu chuẩn Global GAP. Việc huấn luyện sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu vào các thị trường có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

Thời gian qua, việc huấn luyện Global GAP nông sản chủ yếu do công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam tài trợ và đảm nhiệm khâu tổ chức. Các Viện Nghiên cứu, các đơn vị nông nghiệp tỉnh, huyện và hiệp hội ngành nghề tham gia dưới góc độ tư vấn... Nông dân trong vùng quy hoạch tham gia huấn luyện và chính họ là đối tượng vận động thành lập các tổ, nhóm, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo GAP tùy ngành hàng. Bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long); xoài cát Hòa Lộc ở Cái Bè; vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim (Tiền Giang), nho ở Ninh Thuận, thanh long ở Bình Thuận... là các đơn vị đi đầu. Sau huấn luyện, chất lượng trái cây có tăng lên; quan trọng là chúng được sản xuất trong môi trường thích hợp nhất và theo quy trình kỹ thuật tạo sản phẩm an toàn. Càng quan trọng hơn là nhận thức của cán bộ và của người lao động tham gia chương trình được cải thiện.

 Anh Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (thứ tư trái sang), kiểm tra chất lượng thanh long tại Thượng Hải.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải tất cả các nhà nông tham gia huấn luyện Global GAP tốt đều đạt yêu cầu, cũng như không ít người có tên trong danh sách theo học nhưng chưa vào tổ nhóm sản xuất tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global GAP. Về con số thực hiện, diện tích thanh long đã có chứng nhận Global GAP gần 120 ha, bưởi Năm Roi 23 ha, vú sữa chỉ có 7 ha. Căn cứ vào chỉ số năng suất của các vườn thì thanh long khoảng 15-25 tấn/ha, bưởi 15-20 tấn/ha, vú sữa 20 tấn/năm... Nếu tính ra, sản lượng này sẽ không lớn. Hơn nữa, trong diện tích kể trên, thanh long thu hoạch 4 - 5 đợt/năm, bưởi thu hoạch 2-3 đợt/vụ, 7 ha vú sữa với sản lượng trên dưới 20 tấn thu hoạch kéo dài 2-3 tháng... rất khó để có sản lượng trái cây đúng kích cỡ, độ chín, hình thức đẹp đúng như mẫu trái đã chào hàng... để đóng thùng, đủ kiện (container) xuống tàu xuất khẩu. Để đáp ứng về tiềm năng và nhu cầu của thị trường cũng như mức độ hoạt động xuất khẩu của giới doanh nhân, số liệu trên... là những con số không đáng kể.

Nói cách khác, các kênh tiếp thị xuất khẩu trái cây GAP đã hình thành và “chia nhỏ” sản lượng trái cây đạt tiêu chuẩn Global GAP theo hoạt động “dàn hàng ngang” xuất khẩu nông sản của giới doanh nhân. Do yêu cầu minh bạch trong Luật Thương mại của WTO, những dự kiến xuất khẩu các loại trái cây đạt tiêu chuẩn Global GAP... phải xuất phát từ thực tế khả thi. Muốn có sản lượng lớn không thể chỉ “vẽ trên giấy” hàng trăm hàng ngàn tấn trái sẽ xuất khẩu mà không có hàng. Chữ “tín” rất quan trọng đối với giao dịch thương mại. Mở rộng diện tích sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn Global GAP là việc cần và phải làm ở các ngành hàng, các tiểu vùng sản xuất hàng xuất khẩu. Nhà nông phải thực sự tham gia các hoạt động thực hành nông nghiệp tốt trên đồng ruộng, trong các tiểu vùng liên kế các hộ trồng một loại cây, mới có thể phát huy tiềm năng xuất khẩu, trong đó có lợi ích của bản thân mình.

Vừa qua, đoàn Đại biểu Ủy ban Ngân sách Quốc hội CHLB Đức có chuyến thăm nông dân trồng các loại cây ăn trái theo tiêu chuẩn Global GAP do Metro Cash & Carry tài trợ và hỗ trợ xuất khẩu sang châu Âu tại Tiền Giang và một số địa phương khác. Đó là những động thái “thân thiện” và hết sức cần thiết trong tiến trình vận động xuất nhập khẩu trái cây và nông sản giữa Việt Nam và CHLB Đức.

Tiến trình hỗ trợ của Metro Cash & Carry thông qua Bộ Công Thương đã trải qua các hoạt động xây dựng vùng nguyên liệu trái cây và nông sản đạt tiêu chuẩn GAP. Những chuyến chào hàng tại Bỉ, Đức, Nga, Na Uy, Thụy Điển... thành công và không thành công đã mang lại những kinh nghiệm thiết thực cho các ngành hàng trái cây Việt Nam phát triển xuất khẩu.

Minh Anh

Chia sẻ bài viết