Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước, mỗi năm sản xuất hàng chục triệu tấn lúa, theo đó cũng có hàng chục triệu tấn rơm rạ và trấu được thải ra. Cơ hội để nâng cao thu nhập cho nông dân từ phụ phẩm rơm rạ và trấu là rất lớn. Ngoài ra, ĐBSCL cũng có các nguồn phụ phẩm dồi dào từ nhiều hoạt động trồng trọt và chăn nuôi khác, nếu được tận dụng tốt sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp trong vùng.
Tận dụng rơm rạ và các khoảng đất trống để chất nấm rơm tại phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG
Ông Nguyễn Văn Trường, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: “Nhiều hộ dân có thể nâng cao thu nhập trên mỗi công lúa thêm một vài triệu đồng/vụ nhờ tận dụng rơm rạ để chất nấm rơm. Riêng những hộ dân không có điều kiện trồng nấm, có thể bán rơm ngay tại ruộng cho những người có nhu cầu, với giá 80.000-120.000 đồng/công/vụ. Người mua tự thu gom rơm sau khi máy gặp đập liên hợp thu hoạch lúa. Hiện nay, nhờ có máy cuốn rơm và máy hút rơm nên việc thu gom rơm khá dễ dàng và nhanh chóng”. Theo ông Lý Văn Đảm, ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, nghề sản xuất nấm rơm đang khá phát triển tại quận Bình Thủy, kéo theo các dịch vụ thu gom, mua bán rơm và nấm rơm cũng phát triển, tạo nhiều cơ hội nâng cao thu nhập cho người dân. Những hộ dân có nhu cầu dùng rơm để sản xuất nấm dễ dàng thuê các máy móc cơ giới thu gom rơm trên ruộng lúa của mình hoặc muốn mua rơm chỉ cần gọi điện là có người giao đến tận nơi. Những hộ dân không tham gia sản xuất nấm rơm cũng có thêm thu nhập nhờ bán rơm và tận dụng những khoảng đất trống quanh nhà cho thuê chất nấm rơm.
Nông dân các tỉnh ĐBSCL cũng nâng cao được thu nhập nhờ biết tận dụng rơm rạ, trấu, mụn dừa… để sản xuất nấm, chăn nuôi gia súc, phục vụ trồng hoa kiểng, rau màu, sản xuất cây giống và nhiều hoạt động sản xuất khác. Ông Nguyễn Văn Nhanh ngụ ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cho biết: “Nguồn rơm rạ tại địa phương hầu như được người dân thu gom 100% để phục vụ chăn nuôi bò và trồng rau màu. Giá mua rơm ở mức 300.000-400.000 đồng/công lúa. Tuy nhiên, cung không đủ cầu, người dân phải mua rơm cuộn từ nơi khác chở về, với giá vào lúc thuận mùa rơm khá cao 28.000 đồng/cuộn, còn lúc nghịch mùa lên đến hơn 35.000 đồng/cuộn. Mỗi cuộn rơm có trọng lượng khoảng 12-30kg, tùy rơm khô hay ướt và mỗi công lúa người ta dùng máy cuốn rơm thu được khoảng trên dưới 16 cuộn rơm”.
Rơm rạ, trấu và mụn dừa có giá bán lẻ lên đến 1.000-2.000 đồng/kg. Nhìn chung, hiện nguồn phụ phẩm trấu và mụn dừa được các địa phương vùng ĐBSCL khai thác khá triệt để, dùng làm chất đốt và phân bón cho sản xuất cây trồng, không còn tình trạng người dân quăng bỏ trấu và mụn dừa gây ô nhiễm các sông rạch như trước đây. Tuy nhiên, tình trạng đốt đồng và quăng bỏ rơm rạ sau các vụ thu hoạch lúa vẫn còn xảy ra, gây lãng phí và tác động xấu cho môi trường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đáng chú ý là do cung chưa gặp cầu và nhiều người dân còn tập quán đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa, cũng như chưa có điều kiện khai thác các giá trị mang lại từ rơm. Mặt khác, số lượng các máy móc cơ giới phục vụ thu gom rơm tại ĐBSCL vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thu gom rơm một cách đồng loạt và nhanh chóng trong các điều kiện thời tiết khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ phường Thới Hòa, quận Ô Môn, cho biết: “Gia đình tôi có 5 công ruộng, do không có ai mua rơm nên phải đốt bỏ sau thu hoạch lúa. Tôi không dám tự thu gom rơm trồng nấm rơm vì không rành kỹ thuật, gia đình tôi không chăn nuôi bò nên cũng không có nhu cầu lấy rơm”. Anh Huỳnh Thanh Tùa ngụ xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2017-2018, có nhiều hộ dân sau thu hoạch lúa đã bán rơm ngay tại ruộng với giá 50.000 đồng/công. Song, cũng còn có hộ dân không chịu bán rơm mà đốt đồng vì nghĩ làm như vậy giúp đốt chết sâu rầy và lấy tro làm phân bón cho ruộng lúa, dù biết rằng đốt rơm rạ sinh ra nhiều khói bụi gây ô nhiễm môi trường”.
Theo nhiều chuyên gia, rơm rạ sau khi được đốt thành tro đã mất hầu hết các chất dinh dưỡng, do vậy hiệu quả dùng làm phân bón không cao. Để thu gom hết lượng rơm rạ tại ĐBSCL sau các vụ hoạch lúa, đòi hỏi ngành chức năng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện các giải pháp kết nối cung- cầu, hỗ trợ, khuyến khích, người dân tận dụng rơm rạ phát triển chăn nuôi và sản xuất giúp đa dạng hóa thêm nguồn thu nhập từ cây lúa.
KHÁNH TRUNG