08/01/2021 - 23:17

Đức muốn tăng số lượng “nữ tướng” trong doanh nghiệp 

Đức vừa tiến một bước tới việc yêu cầu các công ty hàng đầu trong nước bổ nhiệm phụ nữ vào ban điều hành. Động thái này được ca ngợi là sự đột phá trong nỗ lực thực hiện bình đẳng giới tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Belen Garijo, người sắp trở thành CEO Merck, là một trong những phụ nữ hiếm hoi lãnh đạo một tập đoàn lớn của Đức. Ảnh: Bloomberg

Belen Garijo, người sắp trở thành CEO Merck, là một trong những phụ nữ hiếm hoi lãnh đạo một tập đoàn lớn của Đức. Ảnh: Bloomberg

Chính phủ Đức ngày 6-1 đã thông qua dự luật bắt buộc các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán với số lượng thành viên ban điều hành từ 4 trở lên phải có ít nhất 1 phụ nữ trong ban này. Quy định được cho là sẽ ảnh hưởng tới khoảng 70 tập đoàn có từ 2.000 nhân viên trở lên, trong đó khoảng 30 công ty hiện không có “bóng hồng” nào trong ban giám đốc. Riêng những doanh nghiệp mà chính phủ nắm cổ phần đa số sẽ bị “siết” chặt hơn khi phải có ít nhất 1 phụ nữ trong ban điều hành với hơn 2 thành viên.

Mặc dù dự thảo còn phải trình lên Quốc hội để bỏ phiếu, nhưng Bộ trưởng Gia đình và Phụ nữ Franziska Giffey đánh giá đây là một “cột mốc”, đảm bảo sẽ không còn chuyện ban điều hành của các công ty lớn vắng bóng phụ nữ. Theo bà Giffey, quy định mới sẽ giúp Đức chuẩn bị tốt hơn cho tương lai và có thể khai thác sức mạnh tiềm năng hiệu quả hơn. “Những năm qua, chúng tôi nhận thấy không có nhiều chuyển biến trong việc tự nguyện bổ nhiệm phụ nữ vào ban giám đốc và sự tiến bộ rất chậm chạp”, Bộ trưởng Giffey chia sẻ.

Trở thành thủ tướng còn dễ hơn làm “sếp” công ty?

Tuy nhiên, có ý kiến nói rằng cho dù áp dụng quy định mới, Đức vẫn nằm trong số những quốc gia phát triển có các tập đoàn do nam giới thống trị nhiều nhất. Đức có đương kim Thủ tướng Angela Merkel là nữ lãnh đạo tại vị lâu nhất trên thế giới, song nước này lại sở hữu thành tích thúc đẩy phụ nữ trong hoạt động kinh doanh thuộc hàng kém cỏi nhất châu Âu.

Do luật không đòi hỏi gì đối với các ban điều hành có dưới 4 thành viên hoặc đã có một “nữ tướng”, nên quy định mới sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoảng 30% trong số các công ty hàng đầu ở Đức. Trong khi hạn ngạch đã được triển khai thành công tại những nước như Na Uy và Pháp nhằm cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, thì các nhà hoạch định chính sách cũng như dư luận Đức gây sức ép yếu hơn, nên không tạo ra nhiều thay đổi. Và nói như tờ Bloomberg, ở Đức phụ nữ trở thành thủ tướng dễ hơn làm giám đốc điều hành (CEO) một công ty.

Theo báo cáo hồi tháng 10-2020 của tổ chức phi lợi nhuận AllBright Foundation, Đức xếp sau Mỹ, Pháp, Anh về tỷ lệ phụ nữ trong các ban điều hành tại những doanh nghiệp hàng đầu. Ở Mỹ, nữ chiếm 28,6% số thành viên trong ban giám đốc của 30 công ty lớn nhất nước. Tỷ lệ này tại Anh, Pháp và Đức lần lượt là 24,5%, 22,2% và 12,8%. Hiện chỉ vỏn vẹn 4 trong số 30 công ty lớn nhất của Đức có nhiều hơn 1 phụ nữ trong ban giám đốc. AllBright Foundation còn phát hiện tỷ lệ “sếp nữ” ở Đức đã giảm 1,9% trong đại dịch COVID-19, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có sự thụt lùi như thế. Ngoài ra, phụ nữ Đức có thu nhập trung bình thấp hơn nam giới 20%, trong khi mức chênh lệch này ở Liên minh châu Âu (EU) chỉ là 14%.

Từ năm 2012, Ủy ban châu Âu (EC) đã nỗ lực áp mức hạn ngạch 40% phụ nữ trong ban điều hành các công ty, nhưng bị các quốc gia thành viên bác bỏ với lý do đó là chuyện nội bộ của họ.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết