06/11/2009 - 20:54

Đứa con hiếu thảo

Đó là Trần Thanh Tiến, 20 tuổi, nhà ở khu vực Hòa An, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Trong một cơn bạo bệnh, chẳng may mẹ của Tiến bị liệt cả tứ chi, mọi sinh hoạt hàng ngày của bà đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. Sớm hôm cận kề, Tiến luôn ân cần chăm sóc, từ miếng ăn cho đến giấc ngủ, với mong muốn san sẻ, xoa dịu nỗi đau về thể xác mà mẹ đang gánh chịu. Tiến nuôi hy vọng một ngày nào đó, sức khỏe của mẹ sẽ dần hồi phục, mạnh lành như ngày nào...

* Nồng ấm nghĩa tình

Khi mặt trời vừa ló dạng, Tiến đã tất bật với nhiều công việc, từ dọn dẹp nhà cửa đến chăm sóc mẹ. Hôm chúng tôi ghé thăm, cũng là lúc em đang cùng mẹ tập những động tác vật lý trị liệu. Nhìn đôi chân mẹ nhấc lên, chập chững đi từng bước một, đôi mắt Thanh Tiến bừng lên niềm vui...

Em Tiến cùng mẹ đang tập vật lý trị liệu. 

Năm 2008, mẹ của Tiến, bà Tôn Mỹ Huệ (59 tuổi) chẳng may lâm trọng bệnh, được gia đình đưa đi cấp cứu. Theo các bác sĩ điều trị cho biết bà bị mắc chứng bệnh tai biến mạch máu não nặng. 3 tháng sau, bà Huệ được xuất viện về nhà trong tình trạng tứ chi bị tê liệt, nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt hàng ngày của bà đều nhờ đến sự giúp đỡ của người thân. Kể từ đó, Tiến luôn cận kề sớm hôm, ân cần chăm sóc, dỗ dành mẹ từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Ngày ngày, Tiến vẫn cần mẫn, kiên trì xoa tay, bóp chân cho mẹ, với hy vọng một ngày nào đó, bà sẽ sớm hồi phục. Để điều đó sớm trở thành hiện thực, Tiến tự chế ra những dụng cụ như: bàn đạp, tay kéo... để bà tập cử động hai chân, hai tay. Cứ thế, đều đặn ngày 3 lần, em cùng mẹ tập từng động tác, từ đơn giản cho đến phức tạp. Hiện nay, sức khỏe của bà đã được cải thiện đáng kể, tay chân cử động lanh lẹ, đặc biệt là bà có thể tự mình đi đứng xung quanh nhà.

Nhớ lại khoảng thời gian đã qua, đôi mắt bà Huệ rưng rưng, giọt nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Bà nói: “Những tưởng tui sẽ nằm im một chỗ cho đến ngày cuối đời, nhưng nào ngờ, sức khỏe tui ngày một đỡ hơn trước nhiều. Thật không uổng công sức chăm sóc của Tiến. Nó ngoan hiền và hiếu thảo lắm! Những đêm trời oi bức, thấy tui khó ngủ, nó thức ngồi cạnh bên quạt đến khi nào tui ngủ mới thôi. Ngày trước, khi căn bệnh hành hạ thể xác, tui hay quát tháo, cáu gắt, nhưng nó chẳng những không oán giận, hờn trách mà còn dỗ dành, dùng mọi cách để tui vui, quên đi cơn đau nhức, cố gắng vượt qua bệnh tật”.

Một ngày mới, Tiến bắt tay vào làm vệ sinh cho mẹ, cho ăn sáng, rồi dìu bà ra trước cửa nhà tập vật lý trị liệu. Sau đó, em quay sang dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thức ăn về nấu cơm. Ăn trưa xong thì tắm rửa cho mẹ. Sau khi mẹ ngủ dậy, Tiến dẫn bà ra ngồi phía trước nhà tập thể dục. Chiều tối ăn cơm... Cứ thế, những công việc lặng lẽ này, một tay Tiến làm từ ngày này sang ngày khác mà không một lời than vãn. Em thường túc trực bên mẹ, an ủi, động viên bà cố gắng vượt qua bệnh tật, để sống đời với con cháu. Là con trai, ban đầu em cũng gặp nhiều khó khăn trong lúc chăm sóc mẹ. Những lần như thế, em thường nghĩ: Ở nhà không có chị em gái, nếu mình không làm thì ai sẽ làm, chẳng lẽ phải chạy đi cậy nhờ bà con xung quanh. Vốn tính không thích nhờ vả người khác, thế là em tự tay chăm sóc mẹ. Tiến tâm sự: “Nhìn mẹ ngày một khỏe hơn, em mừng vui lắm, bao vất vả, mệt nhọc đều tan biến...”.

* Đứa con ngoan hiền

Trên đường đến khu vực Hòa An, phường Thới Hòa, chúng tôi được bà con kể nhiều về Tiến. Dì Văn Hồng Liên cho biết: “Em Tiến tính nết hiền lành, tốt bụng hay giúp đỡ người khác”. Chỉ tay ra con đường đi phía trước nhà, dì Hồng Liên kể: “Mùa nước nổi năm ngoái, con đường trước nhà tôi bị sạt lở, việc đi lại của bà con gặp khó khăn. Thấy gia đình tôi đơn chiếc, em đến phụ đào đất, đắp đường, nên con đường mới cao ráo và đi lại dễ dàng”.

Là con út trong gia đình, gồm 4 anh em trai, từ nhỏ Tiến đã nhận thức được sự khó khăn, vất vả của gia đình trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Vì gia cảnh khó khăn, em đành nghỉ học sau năm học lớp 6. Sau đó, em đi làm phụ giúp công việc trong nhà máy xay xát của người dì ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, lương được 700.000 đồng/tháng. Tiêu xài một ít, hàng tháng, em đều gởi tiền phụ giúp gia đình. Nhưng kể từ ngày mẹ bị bệnh, em nghỉ việc, về nhà chăm sóc mẹ... Không ruộng vườn, gia cảnh vốn nghèo khó, cha thì già yếu, hiện nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc vào đồng lương 2 người anh. Tiến cho biết: “Anh ba thì đi làm thợ nhôm cho người quen ở chợ Ô Môn, còn anh tư thì làm công cho nhà máy xay xát lúa gạo của người dì. Lương hàng tháng của hai anh tổng cộng được hơn 3 triệu đồng. Nhưng ngày trước, để có tiền làm chi phí điều trị bệnh cho mẹ, hai anh đã ứng lương trước, tổng cộng khoảng 20 triệu đồng; sau đó, thì trả dần hàng tháng”. Hơn ai hết, Tiến thấu hiểu được sự khó khăn của gia đình, nên em thường tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày. Hàng ngày, em thường mua một ít thức ăn ngon để mẹ bồi bổ, mau chóng hồi phục sức khỏe. Nhằm giảm bớt gánh nặng gia đình, khi rảnh tay, Tiến thường nhận việc làm thuê, vác mướn ở chỗ bà con hàng xóm. Tuy số tiền em kiếm được chẳng là bao, nhưng cũng giúp trang trải một phần nào chi phí trong nhà.

Vốn có người thân bị bệnh tai biến mạch máu não, bị tê liệt cả thân người, chị Lương Thị Thu Hồng, ngụ cùng xóm càng thấu hiểu, thương cảm cho hoàn cảnh của Tiến. Chị Thu Hồng bộc bạch: “Mỗi khi nhìn thấy Thanh Tiến ân cần chăm sóc mẹ, tôi cầm lòng không đặng. Tuy là con trai, nhưng em làm được rất nhiều công việc, từ việc vệ sinh, chăm sóc mẹ đến việc dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ quần áo... không thua gì bàn tay của người chị, người mẹ trong nhà. Tất bật suốt cả ngày lẫn đêm, nhưng em không than vãn, mà vẫn luôn tươi cười. Em luôn được bà con lối xóm quý mến”.

Vất vả là thế, nhưng Tiến cảm thấy hạnh phúc, vì được chăm sóc, phụng dưỡng mẹ cha, đền đáp ơn nghĩa sinh thành. Em là tấm gương sáng về lòng hiếu thảo, rất xứng đáng được mọi người biểu dương, nhất là các bạn trẻ cần học hỏi, noi theo.

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết