20/11/2012 - 21:30

Dư nợ cho vay lĩnh vực thủy sản tăng, doanh nghiệp vẫn khó!

Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản năm 2012 của cả nước sẽ đạt trên 6,18 tỉ USD, tăng gần 1% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt gần 1,8 tỉ USD, tương đương năm 2011. Tuy nhiên, vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ vẫn là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL. Các tổ chức tín dụng khẳng định ưu tiên vốn cho DN thủy sản, dư nợ cho vay tăng, nhưng nghịch lý là số DN tham gia thị trường xuất khẩu lại đang giảm…

Ngân hàng luôn tạo điều kiện cho DN…

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đại diện các ngân hàng thương mại (NHTM), lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL để bàn biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc về xuất khẩu thủy sản trong vùng ĐBSCL. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 9-2012, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL là 129.313 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2011 và chiếm 50,32% tổng dư nợ tại địa bàn. Trong đó, doanh số cho vay nuôi, thu mua cá tra là 38.218 tỉ đồng với dư nợ cho vay nuôi, thu mua cá tra 20.784 tỉ đồng, tăng 14,03% so với cuối năm 2011. Thực hiện Công văn số 1149/TTG-KTN (ngày 8-8-2012) của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản", dư nợ cho vay ở 2 lĩnh vực này là 34.876 tỉ đồng, tăng 13.200 tỉ đồng so với thời điểm ngày 15-8-2012. Trong đó có 366.715 khách hàng được vay vốn với lãi suất cho vay bình quân 11%/năm.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam. 

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), đến hết tháng 10-2012, dư nợ cho vay của Agribank trên địa bàn Tây Nam Bộ là 71.245 tỉ đồng, tăng 6.500 tỉ đồng so với đầu năm. Riêng dư nợ đối với ngành thủy sản là 6.300 tỉ đồng, tăng hơn 500 tỉ đồng so với đầu năm. Agribank luôn ưu tiên cho nhu cầu vốn của các chi nhánh khu vực ĐBSCL để phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2012, Agribank dành 10.000 tỉ đồng cho các chương trình thu mua lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi và các chương trình khác. Hiện nay, theo báo cáo từ giám đốc các chi nhánh, chi nhánh nào cũng dư vài trăm tỉ đồng để phục vụ cho các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn ngân hàng không có hiện tượng thiếu và đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu, vấn đề còn lại là khách hàng phải có dự án, phương án kinh doanh khả thi, ngân hàng sẽ tạo mọi điều kiện cho vay vốn.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cho biết: Tính đến hết tháng 10, dư nợ ở ĐBSCL của VietinBank là 45.000 tỉ đồng. Thực hiện chỉ đạo của NHNN về giảm lãi suất trong các lĩnh vực ưu tiên, VietinBank đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN và hộ sản xuất kinh doanh xuống mức 12%/năm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, dư nợ cho vay phục vụ nuôi trồng, chế biến thủy sản xuất khẩu, thu mua lúa gạo xuất khẩu đến hết tháng 10 xấp xỉ 8.000 tỉ đồng, lãi suất cho vay từ 10-11%. Cá biệt có một vài DN xuất khẩu thủy sản lớn (đặc biệt là khu vực Bạc Liêu và Cà Mau) VietinBank cho vay với lãi suất 9%/năm, thậm chí có DN chỉ vay ở mức 8,95%/năm.

DN cần chứng minh khả năng trả nợ tốt

Theo ông Trần Lục Lang, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện nay dư nợ đối với lĩnh vực thủy sản của BIDV tại ĐBSCL là 6.500 tỉ đồng. Đồng thời kể từ khi thực hiện công văn 1149, dư nợ cho vay trong các lĩnh vực quy định đã tăng 1.000 tỉ đồng so với thời điểm ngày 15-8-2012. Ngoài ra, BIDV thực hiện cơ cấu lại nợ cho các DN thủy sản với số nợ 311 tỉ đồng và toàn bộ lãi suất dư nợ cho vay của các DN thủy sản tại BIDV đã về mức 11%/năm. Theo ông Trần Lục Lang, đối với vấn đề cơ cấu lại nợ cho các DN thủy sản, trên cơ sở đánh giá các khoản nợ, DIDV sẵn sàng mua lại nợ của các DN đã vay nợ với lãi suất cao của các NHTM tư nhân với điều kiện chất lượng nợ tốt, đảm bảo khả năng trả nợ theo quy định của NHNN. Việc làm này giúp cơ cấu lại nợ và giúp DN tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp để phục vụ nhu cầu sản xuất. Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho biết: VietinBank cam kết sẵn sàng đáp ứng đầy đủ vốn cho DN. Đối tượng khách hàng trọng tâm của VietinBank là các DN sản xuất, chế biến, thu mua sản xuất xuất khẩu, các đối tượng có sản xuất hàng hóa, có nguồn nguyên liệu, thị trường đầu ra đáp ứng các yêu cầu thẩm định của ngân hàng và có điều kiện trả nợ.

Theo báo cáo của VASEP, trong 9 tháng đầu năm 2012, cả nước có khoảng trên 600 DN tham gia xuất khẩu thủy sản, thấp hơn 30% so với năm 2011. Điều này chứng tỏ việc sàng lọc và tái cơ cấu vẫn tiếp tục diễn ra đối với các DN ngành thủy sản. Các ngân hàng đều khẳng định, nguồn vốn không thiếu, song các DN phải có phương án kinh doanh khả thi, có thị trường ổn định để đảm bảo khả năng trả nợ thì mới được xem xét cho vay. Để đảm bảo chất lượng tín dụng, các ngân hàng thẩm định rất chặt chẽ đối với các DN thủy sản. Năm 2013 vẫn đầy thách thức đối với DN, những vấn đề mà DN đang vướng phải sẽ tiếp tục kéo dài. Lẽ đó, DN cần sự hỗ trợ thiết thực từ các cấp, ngành chức năng, nhất là tháo gỡ mạnh mẽ về vốn cho DN.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các NHTM đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN, tập trung cho vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên, nhất là quan tâm đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thủy sản ở ĐBSCL. Đặc biệt về nguồn vốn, NHNN khẳng định sẵn sàng tái cấp vốn đối với các TCTD, NHTM cho vay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Nếu các TCTD, NHTM tập trung cho vay nông nghiệp, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ thì NHNN sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tái cấp vốn với mức lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ cho các ngân hàng và các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Các ngân hàng đều khẳng định ưu tiên vốn cho DN thủy sản, nông nghiệp, nông thôn, nhưng số lượng DN thủy sản đóng cửa vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn lại đang gia tăng ở khu vực ĐBSCL. Và trên thực tế thì nhiều DN không còn tài sản thế chấp ngân hàng, thực trạng này kéo dài làm cho DN và ngân hàng vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết