20/12/2019 - 12:18

Du lịch Đồng Tháp phát triển trên nền tảng văn hóa 

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết, những năm gần đây, du lịch Đồng Tháp khai thác những yếu tố văn hóa bản địa, làm nền tảng phát triển bền vững.

 Đồng Tháp tổ chức Tuần lễ Văn hóa du lịch để quảng bá, giới thiệu du khách về văn hóa, con người, vùng đất Sen Hồng.

Đồng Tháp nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, với những di sản văn hóa mang dấu ấn thời khẩn hoang mở cõi, đa dạng loại hình vật thể và phi vật thể; có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, giao lưu văn hóa thế giới, tín ngưỡng dân gian, lịch sử cách mạng và danh lam thắng cảnh.

Cụ thể, tỉnh hiện có 85 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia. Hàng năm, Đồng Tháp tổ chức 118 lễ hội gắn với các di sản và được các doanh nghiệp lữ hành khai thác, kết nối tour, tuyến phục vụ du lịch như Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích Xẻo Quýt, Nhà cổ Huỳnh Cẩm Thuận, Chùa Kiến An Cung, Vườn Quốc gia Tràm Chim… Bên cạnh còn có các di sản văn hóa phi vật thể như hò Đồng Tháp, đờn ca tài tử, các làng nghề truyền thống (chiếu Định Yên, đóng xuồng ghe Bà Đài, dệt choàng Long Khánh)… cũng được các doanh nghiệp lữ hành đưa vào chương trình tour, tuyến phục vụ khách du lịch. Nhờ vậy, Đồng Tháp có 4 khu, điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận điểm du lịch tiêu biểu của vùng (Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc). Đó là nền tảng để ngành du lịch Đồng Tháp xây dựng chiến lược phát triển. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2016-2018, du lịch Đồng Tháp tạo đột phá khi xếp thứ 3 khu vực ĐBSCL về số lượng du khách; song song với phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, người dân. Tổng lượng khách ước đạt 9.500.032 lượt, trong đó có 236.815 lượt khách quốc tế; doanh thu gần 1.952 tỉ đồng.

Các cơ sở lưu trú du lịch được cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Tính đến giữa năm 2019, toàn tỉnh có 90 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với trên 2.000 phòng. Trong đó, có 38 cơ sở lưu trú đã được xếp hạng (942 phòng), với tổng số vốn đầu tư trên 600 tỉ đồng. Hạ tầng giao thông được tỉnh Đồng Tháp từng bước đầu tư phục vụ khách du lịch, đang ưu tiên các tuyến đường dẫn đến các điểm tham quan du lịch trọng yếu: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam… Thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng mặt đường và nâng tải trọng cầu, đảm bảo xe 45 chỗ đạt chuẩn du lịch vào tận nơi, lưu thông đồng bộ cả cầu và đường.

*

*   *

Ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết, giai đoạn 2021-2025, du lịch Đồng Tháp tiếp tục xác định phát triển trên nền tảng phát huy tài nguyên văn hóa bản địa, nâng cao hình ảnh địa phương và lan tỏa các giá trị văn hóa đất Sen Hồng; nâng tỷ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là thu hút 5,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 126.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng trưởng bình quân 5%/năm. Tổng thu du lịch đạt 1.500 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân 7%/năm.

Không gian đờn ca tài tử được tái hiện trong Tuần lễ Văn hóa du lịch Đồng Tháp 2019.

Để làm được điều đó, Đồng Tháp tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, trong đó hình thành hệ thống quản lý các khu điểm du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, hiện đại. Khảo sát, nghiên cứu hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng để phát triển du lịch nông nghiệp, homestay, du lịch kết hợp nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển với các tỉnh, thành cả nước, kết nối sự kiện chung giữa 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp -Long An - Tiền Giang).

Đồng Tháp sẽ phát triển sản phẩm du lịch mới theo hướng tập trung du lịch nông nghiệp sạch - công nghệ cao, cộng đồng, sinh thái và hình thành các tour liên vùng. Tạo sự khác biệt tại các điểm đến Gáo Giồng, Xẻo Quýt, Tràm Chim, Làng hoa Sa Đéc… Song song đó phát triển du lịch cộng đồng bền vững, nhất là các khu điểm du lịch Đồng Sen Tháp Mười; vườn cây ăn trái, cồn Tân Thuận Đông. Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao tại TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc …

Năm 2014, toàn tỉnh chưa có điểm du lịch tư nhân, sau khi Đề án Phát triển Du lịch tỉnh giai đoạn 2015-2020 được thực hiện, đến nay đã phát triển được 6 homestay, 9 điểm du lịch cộng đồng tại Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười, 2 điểm du lịch cộng đồng vườn trái cây kết hợp ẩm thực, 17 điểm tham quan vườn cam, quýt và thanh long; Khu du lịch văn hóa Phương Nam; Khu vui chơi giải trí Happy Land Hùng Thy. Tổng giá trị đầu tư gần 2.000 tỉ đồng.   

Bài, ảnh: NGUYỄN TOÀN

Chia sẻ bài viết