20/03/2012 - 09:28

Dù kê - nghệ thuật sân khấu độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nhắc đến đồng bào dân tộc Khmer, người ta nghĩ ngay đến những lễ hội như: Chol-chnam-thmay, Ok-om-book, Dolta… rộn ràng; những điệu múa Lâm Thôn, Rô-băm, Sarikakeo, hát À-day nhịp nhàng, uyển chuyển. Và cũng không quên những vở hát dù kê đậm đà bản sắc dân tộc, mang những triết lý nhân văn sâu sắc.

Nghệ thuật dù kê của đồng bào Khmer còn có tên gọi khác là Lakhôn Bassắc, nghĩa là kịch hát của người Khmer ở vùng sông Bassắc (sông Hậu). Sở dĩ có tên gọi này vì dù kê do chính người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sáng tạo nên vào khoảng đầu thế kỷ XX trên cơ sở kế thừa những loại hình nghệ thuật đã có trước đó như rô-băm, dì kê... Về tên gọi và nguồn gốc xuất xứ của dù kê còn tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau.

Theo quyển “Văn hóa Khmer Nam bộ” (NXB Hậu Giang), ông tổ của dù kê là nghệ nhân Kru Cô, một người Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Năm 1920, nghệ nhân Kru Cô thành lập gánh hát dù kê “Nhật Nguyệt Quan”. Từ đó, sức lôi cuốn của nghệ thuật dù kê có thể sánh ngang với múa rô-băm – một loại hình có xuất xứ từ múa cung đình đã tồn tại trước đó. Ở Trà Vinh còn có một giai thoại khác về tên gọi dù kê: Vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, tại một ngôi chùa ở huyện Tiểu Cần, có một chú tiểu tên Kê rất mê coi hát Quảng. Chú tiểu Kê thường tập họp bạn bè đến sân chùa phân vai diễn lại theo ngôn ngữ và các điệu múa của dân tộc Khmer. Những buổi tập ấy thu hút rất đông bà con đến xem và kháo nhau rằng đến chùa xem “Kê vũ”. Dần dà đọc trại thành dù kê.

Nhà nghiên cứu văn hóa Sorya trong cuốn “Xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam bộ” (Vụ Văn hóa dân tộc) cho rằng: gánh dù kê đầu tiên ra đời vào khoảng năm 1921 ở làng An Ninh, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Gánh do ông Lý Cọl (thường gọi là ông Chhả Cọl) làm bầu. Gánh hát quy tụ nhiều nhạc công, diễn viên, đạo diễn giỏi nên tiếng tăm nhanh chóng lan xa, từng được lên Sài Gòn diễn cho Tây xem. Năm 1932, gánh hát dù kê này được mời sang Campuchia biểu diễn và được người dân bản địa đón nhận nồng nhiệt. 10 năm sau, vua Mô-ni-vong mời gánh vào hoàng cung diễn và tặng thưởng Mề đay vàng. Từ đó nghệ thuật dù kê của người Khmer Nam bộ thịnh hành ở Campuchia và trở thành một môn học tại trường Nghệ thuật Hoàng gia Campuchia.

Dù giả thuyết nào đi nữa thì cũng có thể khẳng định dù kê ra đời dựa trên trí tuệ, tinh thần yêu cái đẹp của đồng bào Khmer ĐBSCL. Dù kê nhanh chóng phổ biến khắp các tỉnh ĐBSCL với các đoàn nghệ thuật Khmer lần lượt ra đời, thường xuyên giới thiệu các vở dù kê mới cho công chúng. Các tỉnh phát triển mạnh nghệ thuật dù kê là: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang...

***

Dù kê là loại hình sân khấu ca kịch có cốt truyện rõ ràng, được kết cấu theo chương hồi. Một vở dù kê được phát triển trên nền nhạc ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân.

Tích tuồng các vở dù kê thường thể hiện lại các truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Khmer như: “Linh-thôn”, “Sac-kinh-ni”...; được rút ra từ các trường ca của Ấn Độ: “Ramayana” và “Mahabharada”; những điển tích, truyền thuyết của các dân tộc anh em như: “Thạch Sanh chém chằn”, “Tấm Cám”... của người Kinh, “Trụ vương mê Đắc Kỷ”, “Tam Tạng thỉnh kinh”, “Phàn Lê Huê – Tiết Đinh San”... của người Hoa... Điều này cho thấy sự đa dạng, giao thoa văn hóa trong nghệ thuật kịch hát dù kê.

 Một vở dù kê do Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh (Trà Vinh) biểu diễn. Ảnh: baoanhdatmui.vn

Cũng như cải lương hay hát bội, nội dung của kịch hát dù kê cũng xoay quanh những mối quan hệ gia đình, xã hội, tình yêu đôi lứa. Người Khmer vốn rất tín ngưỡng đạo Phật nên trong mỗi vở dù kê đều mang đậm những triết lý của nhà Phật, mang tính giáo dục cao. Trong đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt vẫn là triết lý “Ác lai ác báo”, “Ở hiền gặp lành”. Nội dung các vở dù kê đều đề cao đạo lý làm người, hướng thiện, ca ngợi điều tốt đẹp, thiện lương; lên án cái ác, cái xấu. Ngoài thể hiện lại các tuồng tích xưa, các đoàn nghệ thuật Khmer còn dựng các vở dù kê mang tính xã hội đương đại như: “Mẹ kế, con chồng,”, “Nàng Túp Son Hoa”... (Bạc Liêu), “Nghĩa tình trong giông tố,” “Giữ Đền cô Hia,” “Bông Hồng Trà Vinh,” “Mối tình Bôpha - RạngXây”... (Trà Vinh)...

Mỗi vở dù kê thường kéo dài từ 4-5 tiếng. Ngày trước, dù kê được diễn nhân các ngày lễ dâng bông, Tết Chol-chnam-thmay, đua ghe ngo. Trước khi diễn một vở dù kê đều có phần hát Cúng Tổ gồm một số bài căn bản là: “Lămmuôi - lămpi”, “Ô-oong”, “Chung-krương”, “Săm-sê”... và hát mời các vị thần linh. Sau đó, toàn bộ diễn viên tham gia diễn có màn hát chào khán giả và cùng múa một điệu truyền thống. Khi vở diễn đã được gần nửa buổi thì nhân vật hề ra hát và làm điệu bộ chọc cười khán giả rồi giở nón “xin tiền”. Tuy nhiên, đây là lệ, tùy khán giả cho hay không. Lời ca trong mỗi vở dù kê thường là các lời thơ, mang tính xúc cảm cao. Diễn viên vừa hát vừa biểu thị động tác tay chân nhịp nhàng, uyển chuyển mang tính mô phỏng, ước lệ.

Nhạc cụ cho một vở dù kê khá nhiều nhưng quan trọng nhất là 2 cây đờn Trô-sô (đờn cò), Khưm (Tam thập lục Khmer), Tà-khê (đờn cá sấu), dàn Pưn-pết (dàn nhạc ngũ âm)... Khi tấu lên có giai điệu mượt mà, khi rộn ràng, vui tươi khi sâu lắng, bi ai nên có sức hút đặc biệt.

Nếu như múa rô-băm xuất phát từ cung đình thì nghệ thuật dù kê vốn sinh ra từ nhân dân lao động vùng ĐBSCL. Buổi đầu, dù kê phải diễn trên nền đất, dưới những mái che bằng cành lá, giống như giàn bầu nên còn được gọi là “kịch hát giàn bầu”. Diễn viên là những người nông dân quen tay cày tay cuốc nhưng tối đến lại hóa thân thành đức vua, hoàng hậu hay chằn. Người Khmer ở ĐBSCL có thể thức thâu đêm để xem kết thúc vở dù kê thế nào, kẻ ác bị trừng trị ra sao,...

***

Gần một thế kỷ hình thành và phát triển, dù kê có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Khmer ĐBSCL. Dẫu hiện nay, dù kê đang gặp khó về kịch bản, lực lượng diễn viên, nhạc công do nghệ nhân kỳ cựu đã lớn tuổi còn thế hệ kế thừa thì khá hiếm hoi nhưng vẫn còn nhiều nghệ nhân tâm huyết, cố lưu giữ những nét nghệ thuật đặc sắc của dù kê cho thế hệ mai sau. Nhiều nghệ nhân như: Thạch Tiền (Gò Quao – Kiên Giang), Chau Men S’ray (Tri Tôn – An Giang), Thạch Siphon (Bạc Liêu)... vẫn đang ra sức truyền dạy cho lớp trẻ với mong muốn “gìn vàng giữ ngọc” cho một loại hình sân khấu đặc sắc này.

Ở ĐBSCL hiện nay, đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh (tỉnh Trà Vinh) là đơn vị đi đầu trong việc bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có dù kê. Hằng năm đoàn đều phục dựng, sáng tác nhiều kịch bản dù kê mới và tổ chức hàng chục chuyến lưu diễn phục vụ bà con Khmer khắp ĐBSCL. Điểm nổi bật ở đoàn Ánh Bình Minh là quan tâm đào tạo thế hệ kế thừa. Các lớp đào tạo múa Khmer, hát dù kê thường xuyên được tổ chức đã góp phần vun bồi những hạt mầm mới cho nghệ thuật dù kê.

Hay ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cách đây hơn 20 năm trước, đoàn dù kê của xã rất phát triển, là niềm tự hào của người dân địa phương. 20 năm rã gánh nhưng những nghệ nhân năm xưa vẫn còn đắm say với từng điệu múa lời ca. Hễ rảnh là họ quây quần nhau diễn các tuồng tích dù kê. Không có áo mão, mặt nạ hay đạo cụ, sân khấu nhưng những nghệ nhân này vẫn hát say sưa với một niềm mong mỏi là lại được một lần lên sân khấu dù kê, được hỉ, nộ, ái, ố cùng với nàng Xê-đa hay chuyện tình trắc trở của chàng Tum nàng Tiêu - những vở diễn kinh điển trong nghệ thuật dù kê...

Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam bộ” do Bộ Văn hóa –Thông tin (cũ) tổ chức năm 2004, nói về công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê, hầu hết các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đều cho rằng: cần đào tạo một đội ngũ sáng tác, đạo diễn, nhạc công, diễn viên kế thừa bên cạnh việc chú trọng sáng tác, cải biên các kịch bản dù kê cho phù hợp với đời sống đương đại. Hơn hết vẫn là cần khôi phục và nâng chất các đội, gánh hát dù kê địa phương - những giống dù kê.

Đầu tháng 3-2012 này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thông qua danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016, trong đó có nghệ thuật hát dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ. Nếu được công nhận, đó sẽ là bệ phóng để những tiếng đàn, tiếng hát dù kê thêm ngọt ngào, rộn rã; góp phần gìn giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo của người dân Khmer vùng châu thổ Cửu Long.

ĐĂNG HUỲNH

.....................

Tài liệu tham khảo

1. “Văn hóa Khmer Nam bộ” - NXB Hậu Giang.
2. “Xây dựng đời sống văn hóa vùng dân tộc Khmer Nam bộ” - Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa –Thông tin (cũ).

Chia sẻ bài viết