19/11/2019 - 14:53

Dự án VNSAT góp phần phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững 

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) và Chính phủ Việt Nam với tổng số vốn 301 triệu USD (gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của nước ta), thời gian thực hiện từ năm 2015-2020, trong đó có 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia Dự án. Tại TP Cần Thơ, Dự án VnSAT thực hiện tại các quận, huyện: Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai đã phát huy hiệu quả tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ tăng cường áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật…

Ông Nguyễn Văn Thuần, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thịnh Phát ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “HTX có 31 thành viên, diện tích canh tác hơn 85ha. Được hỗ trợ của ngành nông nghiệp thành phố và Ban Quản lý Dự án VnSAT Cần Thơ trong tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng, tôi và các thành viên HTX đã mạnh dạn áp dụng 3 giảm, 3 tăng từ năm 2018. Qua đó, giúp nâng cao lợi nhuận đáng kể, năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm tăng và chi phí sản xuất giảm khoảng 30% so với trước nhờ giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tiết kiệm nước. Đầu ra sản phẩm ổn định nhờ liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ”. Theo ông Nguyễn Văn Để, Giám đốc HTX nông nghiệp Thanh Phong ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, được tập huấn và áp dụng các kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm trong sản xuất, nông dân tại HTX cũng giảm các chi phí sản xuất. Đặc biệt, sử dụng giống tốt, cấp xác nhận trở lên và áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa và cấy, nông dân có thể giảm lượng sử dụng giống từ mức trên 150kg/ha, xuống chỉ còn 60-80kg/ha. Gieo sạ thưa nên cây lúa khỏe và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để hạn chế sâu bệnh ngay đầu vụ nên nông dân thuận lợi trong việc giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV về sau và thực tế đã giảm được 1/3 so với trước.

 Mô hình thí điểm áp dụng 1 phải 5 giảm trong “cánh đồng lớn” tại xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ trong vụ hè thu 2019. 

Dự án VnSAT được triển khai với tổng diện tích thực hiện 38.863ha và 32.231 hộ nông dân tham gia. Trong đó, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai là các huyện trọng điểm trồng lúa, quận Thốt Nốt là địa phương sản xuất lúa giống hàng đầu tại thành phố. Dự án VnSAT Cần Thơ đã tích cực hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập từ cây lúa.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Cần Thơ, cho biết: “Mục tiêu của Dự án nhằm gia tăng 30% lợi nhuận cho nông dân sản xuất lúa gạo thông qua áp dụng các chương trình như: 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm để góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Dự án còn giúp làm giảm tác động tiêu cực với môi trường thông qua giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV sử dụng trong quá trình canh tác lúa. Tăng cường năng lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.  Dự án cũng đề ra mục tiệu cụ thể là hướng đến có 75% diện tích trong vùng Dự án (22.472ha) áp dụng kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng và 50% trong số này (11.236ha) áp dụng được kỹ thuật 1 phải, 5 giảm. Đặc biệt, có trên 10.000ha áp dụng kỹ thuật tiên tiến được hỗ trợ thúc đẩy liên kết, củng cố, xây dựng tổ hợp tác, HTX và tiếp cận doanh nghiệp.

Để triển khai thực hiện tốt Dự án, Ban Quản lý Dự án VnSAT Cần Thơ kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở ngành hữu quan và địa phương hỗ trợ thực hiện các thủ tục liên quan đến các tiểu dự án hỗ trợ đầu tư thiết bị, cơ sở hạ tầng cho các tổ hợp tác và HTX. Quán triệt nội dung mục tiêu của Dự án là thúc đẩy thực hiện mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tránh xem hoạt động của Dự án như hoạt động riêng lẻ với mục tiêu nhiệm vụ riêng, để có sự tập trung chỉ đạo thống nhất cả hệ thống chính trị.

Thời gian qua, Dự án VnSAT Cần Thơ đã thực hiện được 553 lớp tập huấn 3 giảm, 3 tăng cho 26.635 lượt nông dân tham dự, với tổng diện tích đất tham gia sản xuất lúa là 34.504ha, đồng thời thực hiện 123 điểm trình diễn. Tính đến vụ đông xuân 2019-2020, Dự án cũng đã thực hiện được 352 lớp tập huấn 1 phải, 5 giảm, với 15.783 nông dân tham dự, tổng diện tích 21.495ha và thực hiện 118 điểm trình diễn… Dự án cũng tăng cường các hoạt động hỗ trợ, vận động nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững. Nông dân tại nhiều tổ hợp tác và HTX được tham gia các hoạt động đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực hoạt động, cũng như được hỗ trợ đầu tư, phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, có hơn 20 tổ chức nông dân (tổ hợp tác, HTX ) được xem xét, hỗ trợ thiết bị và hạ tầng phục vụ sản xuất. Cụ thể như xây dựng cống kết hợp trạm bơm điện, nhà kho, lò sấy lúa, máy tách hạt, máy phun hạt, máy cấy lúa, đầu tư hệ thống đường dây điện trung áp và trạm biến áp… Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT Cần Thơ, tới đây Dự án tiếp tục có các hỗ trợ cơ sở hạ tầng và thiết bị cho các tổ chức nông dân. Tăng cường thực hiện đào tạo kỹ thuật sản xuất lúa cho nông dân gắn với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Hỗ trợ nông dân đa dạng hóa thu nhập, luân canh cây trồng, hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất theo GAP, tập huấn hỗ trợ phát triển HTX.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Dự án VNSAT