20/09/2014 - 15:11

Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ:

Dự án đã cơ bản hoàn thành, phát huy hiệu quả, cải thiện điều kiện sống người dân

Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ giai đoạn 2 sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Hiện nay, các gói thầu thi công đang đi vào giai đoạn nước rút và được triển khai nhanh chóng, đồng bộ. Ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nâng cấp đô thị (DANCĐT) TP Cần Thơ, cho biết:

- Mục tiêu của DANCĐT Việt Nam (VUUP) giúp xóa bỏ tình trạng nghèo tại các khu đô thị thông qua cải thiện đời sống và điều kiện vệ sinh môi trường của dân nghèo đang sinh sống. Sử dụng các biện pháp lập kế hoạch có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng và tác động tới các quá trình lập kế hoạch để các kế hoạch này mang tính tổng hợp và hỗ trợ người nghèo nhiều hơn - mục tiêu này đang được phát huy hiệu quả cao tại những gói thầu, công trình đã và đang được đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua.

TP Cần Thơ thực hiện DANCĐT thông qua 6 hạng mục: Hạng mục 1 (Cơ sở hạ tầng cấp 3 các khu thu nhập thấp (LIA)): Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật mở rộng và nâng cấp các đường hẻm bao gồm cải tạo mặt đường; hệ thống cấp nước, lắp đặt trụ nước cứu hỏa, hệ thống thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng; cải thiện một số cơ sở hạ tầng xã hội như cải tạo, nâng cấp trạm y tế, trường tiểu học, mẫu giáo. Hạng mục 2 (Cơ sở hạ tầng cấp 1 và 2): Nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1 và 2 ở những nơi cần thiết đảm bảo cơ sở hạ tầng cấp 3 đã được nâng cấp kết nối vào, bao gồm: nạo vét lòng hồ, kênh rạch; xây dựng cầu qua kênh, rạch, hệ thống đường ven kênh, rạch; hệ thống thoát nước; hệ thống điện chiếu sáng; trang bị thiết bị thu gom rác thải rắn. Hạng mục 3 (Xây dựng khu tái định cư cho dự án): Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế đảm bảo các hộ phải di dời bởi hạng mục 1 và 2 được bố trí tái định cư nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Hạng mục 4 (Cải thiện an toàn cho chủ sở hữu bất động sản), bao gồm: Nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở; hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật cho việc lập và lưu trữ, cập nhật hệ thống bản đồ và thông tin địa chính. Hạng mục 5: Vi tín dụng là chương trình cho vay tiền để cộng đồng khu LIA có khả năng cải thiện nhà ở là cơ sở thoát đói giảm nghèo. Hạng mục 6: tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương, ban quản lý dự án, nhóm cộng đồng tham gia dự án trong công tác lập kế hoạch cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường và năng lực quản lý dự án.

Một góc bờ kè chợ An Nghiệp vừa hoàn thành đưa vào sử dụng. Ảnh: THIỆN KHIÊM 

Tổng tín dụng (IDA) hỗ trợ cho DANCĐT TP Cần Thơ tương đương 38,5 triệu USD tại thời điểm ký kết Hiệp định cùng với khoản tài trợ không hoàn lại PHRD 1,03 triệu USD và nguồn vốn đối ứng trong nước ước tính khoảng 28,99 triệu USD.

 Hiện nay nhiều gói thầu của dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần rất lớn vào chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho người dân đô thị, ông có thể đúc kết những kinh nghiệm gì từ kết quả này?

- Đến nay, về cơ bản những công việc của cả 2 giai đoạn thuộc các hạng mục 1 và hạng mục 3 đã được hoàn thành đạt yêu cầu. Theo đánh giá chung của Ban quản lý dự án, công tác quản lý hợp đồng và chất lượng công trình được đảm bảo ngay từ khi chuẩn bị, trong suốt quá trình thực hiện dự án và đến khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng. Thiết kế được thẩm định và phê duyệt bởi các cơ quan chức năng đảm bảo tuân thủ các quy định về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Công trình thi công được giám sát bởi các tư vấn giám sát (giám sát thi công, quản lý hợp đồng, giám sát các biện pháp giảm thiểu môi trường), giám sát của nhà thầu, giám sát của Ban quản lý dự án (thông qua các cán bộ chủ trì, cán bộ phụ trách khối), giám sát của Chủ đầu tư (thông qua các đợt kiểm tra công trường đột xuất, định kỳ của Thường trực Thành ủy, Thường trực Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân và Ban Chỉ đạo dự án) đảm bảo các công trình xây lắp được thực hiện theo đúng quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Công trình được bàn giao nghiệm thu từng phần trước khi thực hiện phần tiếp theo và toàn phần ngay khi hoàn thành công trình với sự chủ trì của Ban quản lý dự án và sự tham gia của đại diện nhà thầu, tư vấn giám sát, đơn vị khai thác sử dụng sau này, chính quyền thành phố, Phòng Quản lý Đô thị, chính quyền quận/phường đối với các công trình cấp 1 và 2 và có thêm các đại diện khác như đại diện cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc phường, Ban giám sát cộng đồng tại địa bàn đối với các công trình cấp 3. Theo đánh giá chung, chất lượng công trình đạt yêu cầu thiết kế và yêu cầu của nhà tài trợ.

Để đảm bảo cộng đồng và các đơn vị liên quan có đủ năng lực đảm nhận trách nhiệm vận hành và bảo dưỡng công trình sau xây dựng, Ban quản lý dự án đã phối hợp với tư vấn tổ chức đào tạo và cung cấp một sổ tay vận hành bảo dưỡng các công trình sau nâng cấp cho các cán bộ liên quan của cấp quận, phường, các công ty công ích, các tổ trưởng dân phố. Sự quan tâm, tham gia của cộng đồng trong và ngoài các khu vực dự án góp phần quan trọng trong thành công của Dự án nâng cấp đô thị Cần Thơ. Đặc biệt, sự tham gia của người dân tại khu vực nâng cấp trao đổi, thảo luận, lựa chọn, đề xuất lựa chọn phương án nào phù hợp với khả năng, mong muốn chi trả của chính người dân. Các Ban giám sát cộng đồng tại khu LIA được thành lập đầy đủ nhằm theo dõi, giám sát chất lượng thi công công trình và hỗ trợ cho Ban quản lý dự án và nhà thầu tháo gỡ một số vướng mắc về mặt bằng, phối hợp với các bên để truyền đạt thông tin liên quan đến cộng đồng, lắng nghe và ghi nhận ý kiến phản ánh của cộng đồng trong quá trình thi công để giải thích rõ cho cộng đồng biết cũng như chuyển ý kiến của cộng đồng đến Ban quản lý dự án, nhà thầu để xử lý khắc phục kịp thời những khó khăn ảnh hưởng đến người dân trong quá trình thi công công trình. Từ đó góp phần đảm bảo hoạt động đầu tư phù hợp về quy mô, phạm vi mặt bằng nâng cấp công trình,phát hiện, ngăn chặn để xử lý kịp thời các hoạt động đầu tư không đúng mục tiêu, nguyên tắc của dự án, tránh gây lãng phí, ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, xâm phạm lợi ích của cộng đồng. Ban quản lý dự án cũng ghi nhận sự tự nguyện cống hiến của cộng đồng với 11.758 m2 đất có trị giá tương đương 69,557 tỉ đồng để mở rộng đường hẻm, đóng góp trên 4 tỉ đồng đối ứng cho kinh phí xây lắp trên địa bàn giúp giảm áp lực ngân sách địa phương trên nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bên cạnh đó, các cán bộ sở, ban, ngành liên quan cũng được hưởng lợi khi tham gia các khóa đào tạo xây dựng năng lực, tham gia chia sẻ kinh nghiệm và các hội thảo do Ban quản lý dự án tổ chức, có được hiểu biết đầy đủ về thủ tục quản lý và đấu thầu của một dự án ODA và từ đó, chính những cán bộ làm trực tiếp có những khuyến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ các thủ tục thẩm định và phê duyệt của địa phương đảm bảo hài hòa giữa thủ tục trong nước và thủ tục của nhà tài trợ, tăng cường sự phối hợp của các đơn vị, sở, ban, ngành trong quản lý dự án.

Công tác quản lý tài chính đáp ứng được yêu cầu đề ra, Ban quản lý dự án đã thực hiện các cam kết trong việc giám sát hệ thống quản lý hợp đồng và thực hiện các kiến nghị của Đoàn công tác đợt trước và của đơn vị kiểm toán. Công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư thuộc dự án cơ bản hoàn thành được thực hiện trên cơ sở khung chính sách đã được phê duyệt và dựa trên văn bản pháp luật có liên quan của Chính phủ Việt Nam…

  Xin cảm ơn ông.

THIỆN KHIÊM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết