23/05/2020 - 18:04

Đột phá để TP Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới 

Sáng 23-5, tại TP Cần Thơ, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại Hội thảo, bên cạnh đánh giá kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 45), các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận tìm hướng đi, giải pháp mới, đột phá để TP Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và khẳng định được vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới.

TP Cần Thơ - 15 năm phát triển. ảnh: ANH KHOA

* Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 45:

Công nghiệp hóa - nền tảng để Cần Thơ phát huy vai trò, lợi thế

Thực tế tại nhiều quốc gia, không phải cứ tiến hành công nghiệp hóa là trở thành nước công nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa vô cùng quan trọng, tạo nên nền tảng khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại để hướng đến mục tiêu là nâng cao năng suất lao động trong các ngành, lĩnh vực. Sau công nghiệp hóa, tùy theo lợi thế của từng quốc gia, người ta mang các thành tựu, các công nghệ có được trong quá trình công nghiệp hóa vào các lĩnh vực mình có lợi thế. Trường hợp của Hà Lan chẳng hạn, sau công nghiệp hóa, trở thành nước nông nghiệp với trình độ công nghệ rất cao, kỹ thuật rất tiên tiến.

Quay lại trường hợp của Cần Thơ, nhiệm vụ chúng ta là phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, 15 năm qua, tỷ trọng dịch vụ tăng nhanh, trong khi tỷ trọng công nghiệp lại không tăng nhiều. Trong khi khu vực dịch vụ giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là thương mại và dịch vụ ăn uống; còn những dịch vụ về y tế, khoa học công nghệ, giáo dục chưa phát triển được. Như vậy, chúng ta chưa thực hiện công nghiệp hóa xong đã chuyển sang “giai đoạn hậu công nghiệp hóa”.

Thông thường, thời gian để công nghiệp hóa của các nước trên thế giới khoảng 30 năm. Như vậy, quỹ thời gian của Cần Thơ không còn nhiều. Và ngay bây giờ, thành phố phải xác định mình công nghiệp hóa lĩnh vực gì; để trở thành trung tâm vùng ĐBSCL thì công nghệ gì, dịch vụ gì phải đi trước… Hội thảo hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương để tập hợp trình Bộ Chính trị sớm có một Nghị quyết mới đáp ứng yêu cầu phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

* Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn:

Khẳng định vai trò trung tâm dựa trên lợi thế nông nghiệp của ĐBSCL

Nếu Cần Thơ cũng phát triển như mô hình của 4 thành phố trực thuộc Trung ương khác (dựa trên kinh tế đô thị, dựa vào phát triển công nghiệp nói chung,…) thì với tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ, tốc độ thu hút đầu tư như hiện nay, sẽ không thể trở thành đầu tàu kinh tế của vùng ĐBSCL. Nông nghiệp là lợi thế chính của ĐBSCL. Nếu Cần Thơ phát huy được sức mạnh này thì thành phố sẽ dẫn đầu ĐBSCL trở thành động lực kinh tế của quốc gia và đóng vai trò quốc tế quan trọng.

Theo định hướng này, TP Cần Thơ đáp ứng yêu cầu của một trung tâm để thực hiện các chức năng hỗ trợ cho thế mạnh nông nghiệp của cả đồng bằng. Trong đó, Cần Thơ có thể trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ kỹ thuật (viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm dịch vụ,…) phục vụ sản xuất nông nghiệp; có ưu thế hơn hẳn các địa phương khác để xây dựng các khu cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất vật tư, thiết bị, công nghiệp chế biến nông sản, xử lý hàng hóa); trở thành “hub” cho dịch vụ hậu cần chuyên dụng (kho, cảng, chợ bán buôn, sàn giao dịch, trung tâm…) cho vùng.

Nếu trở thành trung tâm cơ sở hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ với các đô thị khác trong vùng thì ngay cả dưới tác động của biến đổi khí hậu, Cần Thơ sẽ góp phần quan trọng giải bài toán kinh tế cho ĐBSCL về phát triển xã hội, tạo việc làm, đô thị hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp; cung cấp hạ tầng và dịch vụ phục vụ đời sống chất lượng cao cho dân cư của đồng bằng, tạo ra việc làm phi nông nghiệp có thu nhập cao và ổn định, thu hút lao động khỏi nông nghiệp. Đây là giải pháp căn bản để giải quyết 2 vấn đề: tích tụ đất nông nghiệp trong vùng và chấm dứt tình trạng di cư ra khỏi vùng, giảm tải cho TP Hồ Chí Minh.

Thu hoạch lúa trên "Cánh đồng lớn" của huyện Thới Lai. Ảnh: MỸ THANH 

* Ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ:

 Xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, có sức lan tỏa của vùng

Đến nay, nhiều mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết 45 đã được triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 45 còn một số mặt chưa đạt mục tiêu đề ra. Thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng thấp, đang là điểm nghẽn trong liên kết, phát triển vùng; nguồn lực đầu tư hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa theo hướng hiện đại… Cần Thơ chưa thật sự là hạt nhân, là trung tâm, là động lực phát triển, có sức lan tỏa mạnh mẽ của vùng ĐBSCL.

Trong những năm tới, TP Cần Thơ bước vào thời kỳ phát triển mới trong điều kiện có nhiều thuận lợi, cơ hội lớn, nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Để thành phố phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh nỗ lực phấn đấu của địa phương, Cần Thơ rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ về nhiều mặt của Trung ương. Đặc biệt, đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và cả nước. Qua đó, xác định mục tiêu, phương hướng và đưa ra những cơ chế, chính sách, giải pháp mới, đột phá, thu hút các nguồn lực để xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân, có sức lan tỏa của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh của ĐBSCL.

* Ông Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ:

Cần xem công nghệ là chìa khóa phát triển công nghiệp

ĐBSCL và TP Cần Thơ cần xác định mục tiêu rõ ràng về phát triển công nghiệp, tiếp đến xác định ngành sản xuất công nghiệp chủ lực, hỗ trợ và danh mục công nghệ có liên quan, là điều kiện quan trọng để hình thành hệ thống chính sách phát triển. Các chiến lược phát triển công nghiệp cần dựa trên cấu trúc và sự vận hành của chuỗi cung ứng các sản phẩm chủ lực của ĐBSCL. Thực hiện tái cấu trúc công nghiệp theo hướng chuyển từ nền kinh tế lấy điều kiện sẵn có làm động lực sang lấy đầu tư và sáng tạo làm động lực; chuyển từ nền sản xuất dựa vào lợi thế so sánh (tài nguyên thiên nhiên) sang nền sản xuất dựa vào quy mô trên nền tảng lợi thế so sánh để khai thác hiệu quả các tiềm lực và nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển đổi các khu công nghiệp dàn trải thành trung tâm công nghiệp chế biến nông thủy sản, tập trung và thúc đẩy liên kết trong cụm ngành; chuyển đổi thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn của vùng ĐBSCL; chuyển đổi phù hợp với xu hướng công nghệ thế giới và các FTAs.

Cần có hệ thống chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp vùng. Đó là một hệ thống chính sách từ Trung ương, áp dụng trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL tích hợp với chính sách của các tỉnh/ thành trên cơ sở đã được phân khu chức năng. Hệ thống chính sách cần được quản lý một cách nghiêm túc, trong đó đề cập đến cơ chế, thể chế liên quan đến các chính sách khuyến khích liên kết trong chuỗi cung ứng với chủ thể là khu vực tư nhân trong hoạch định chính sách. Chúng ta cần xem công nghệ là chìa khóa phát triển công nghiệp. Trong chính sách nâng cao năng lực công nghệ, quan tâm đến cả đối tượng doanh nghiệp đang hiện hữu và thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới. Và mỗi nhóm đối tượng có cách thức hỗ trợ khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 45, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MỸ THANH

* GS. TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội:

Xây dựng đô thị sông nước Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, song xem xét một cách toàn diện, biến đổi khí hậu vẫn mang đến những cơ hội, như: cơ hội về đổi mới thể chế, chính sách và quản trị ứng phó với biến đổi khí hậu tai biến thiên nhiên để phát triển bền vững; cơ hội thu hút các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế; cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế và ứng dụng các đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế; tác động của biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên tạo cho Cần Thơ cơ hội đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực… Từ thực tế đó, cần triển khai thí điểm mô hình xây dựng đô thị sông nước Cần Thơ ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, thịnh vượng, an toàn trên cơ sở hợp tác và tham gia thực sự các bên liên quan (quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, công nghệ, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nghề nghiệp, cộng đồng, người dân trong và ngoài thành phố).

Ngoài ra, Nhà nước cần hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, vướng mắc (nhất là về quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường,…), đổi mới thể chế, chính sách, quy hoạch và điều phối, hợp tác vùng - liên vùng - địa phương liên quan đến tích hợp các giải pháp bảo vệ môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu và tai biến thiên nhiên - sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển bền vững hướng đến xây dựng đô thị thông minh, phát triển kinh tế tuần hoàn, chống chịu cao cho TP Cần Thơ. Đồng thời, chú trọng đầu tư các công trình tạo đột phá cho phát triển của TP Cần Thơ để làm động lực phát triển cho cả vùng ĐBSCL; tăng cường tiếp cận các nguồn lực để thực hiện các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tính chất cấp vùng để ứng phó với biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên và phát triển bền vững.

* GS.TS Võ Thanh Thu, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh:

Trợ lực để Cần Thơ trở thành trung tâm, động lực phát triển của toàn vùng ĐBSCL

Cơ cấu kinh tế của Cần Thơ chuyển dịch theo hướng công nghiệp và dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển, trở thành nơi duy nhất ở ĐBSCL có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Thành tựu phát triển này của TP Cần Thơ tuy lớn nhưng thiếu bền vững, sự phát triển chưa mang tính đột phá; tính hạt nhân, trung tâm của TP Cần Thơ đối với phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL chưa rõ nét.

Nhìn nhận khách quan từ thực tiễn, chúng ta có thể thấy Cần Thơ vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục để trở thành trung tâm của toàn vùng: tốc độ tăng trưởng chưa thật cao, mặc dù được đầu tư nhiều; chưa có những doanh nghiệp đầu đàn, mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế thành phố; môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn so với các tỉnh khác ở ĐBSCL; cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phục vụ cho thúc đẩy cách mạng 4.0 trên địa bàn Cần Thơ còn hạn chế; nội lực Cần Thơ về vốn, công nghệ, doanh nghiệp dẫn đầu, đội ngũ doanh nhân chưa đủ mạnh để thực sự dẫn dắt toàn ĐBSCL đi lên…

Vì vậy để Cần Thơ trở thành “hạt nhân” thúc đẩy toàn vùng phát triển, còn nhiều vấn đề phải làm, không những địa phương làm, mà còn phải có sự trợ giúp đặc biệt từ Trung ương. Vì ở vùng nông nghiệp lớn nhất nước này, sự phát triển trong điều kiện thách thức, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, các vấn đề cần giải quyết vượt tầm của 1 tỉnh, thành phố.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 45, cơ cấu kinh tế của TP Cần Thơ chuyển dịch đúng mục tiêu; theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá, giai đoạn 2005-2015 tăng bình quân 15,5%/năm; giai đoạn 2016-2019 tăng khoảng 8%/năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành dịch vụ giai đoạn 2011-2019 bình quân 7,48%/năm, đến năm 2019 đóng góp 59,34% trong GRDP. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 (giá so sánh năm 2010) đạt 13.531 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2006, tăng bình quân 2,2%/năm.

MỸ THANH - MINH HUYỀN (lược ghi)

Chia sẻ bài viết