21/11/2008 - 21:22

Đồng vợ, đồng chồng...

Nhắc đến vợ chồng ông Trần Quang Tỷ và bà Nguyễn Thị Sáu, bà con ở khu vực 2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ tấm tắc: Hai ông bà rất đồng lòng trong mọi việc, từ dạy dỗ con cái cho đến làm kinh tế gia đình và giúp đỡ những người khó khăn. Sự đồng lòng ấy là chỗ dựa mấy mươi năm qua để ông bà vượt qua mọi khó khăn, vất vả, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc… và giúp đỡ người khác.

Niềm vui làm cha, làm ông

Ông Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng khu vực 2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, giới thiệu với chúng tôi: “Gia đình ông Trần Quang Tỷ là gia đình văn hóa tiêu biểu của khu vực, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sống chan hòa với xóm giềng. Ông Tỷ còn là cựu chiến binh gương mẫu, người cao tuổi mẫu mực”.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Trần Quang Tỷ khi ông bà đang chăm sóc đứa cháu nội gần 2 tháng tuổi. Ông Tỷ khoe: “Năm nay tôi 77 tuổi, vợ tôi 67 tuổi mới được làm ông bà nội đó!”. Niềm vui “lên chức” ông bà nội khiến ông bà Tỷ tươi trẻ hẳn ra dù đầu đã bạc trắng. Được biết, ông bà Tỷ có con rất muộn. 48 tuổi, ông Tỷ mới có con gái đầu lòng và khi 51 tuổi, ông có thêm con trai thứ hai.

Ông bà Tỷ bên cháu nội.  

Hơn 40 năm trước, chàng trai Trần Quang Tỷ quê ở Rạch Giá, Kiên Giang và cô gái Nguyễn Thị Sáu quê ở Mỏ Cày, Bến Tre đem lòng cảm mến nhau khi cùng chung chiến tuyến đánh giặc trên quê hương Đồng khởi Bến Tre. Lúc ấy, đơn vị bộ đội của ông đóng quân gần nhà bà, bà làm công tác Đoàn Thanh niên của địa phương, tham gia tải thương, tải đạn, lo cơm nước cho bộ đội... Hai người nên duyên vợ chồng bằng một tuyên bố đơn giản do đơn vị và các bà má ở địa phương đứng ra tổ chức. Ông Tỷ hồi tưởng lại: “Mới cưới nhau được một tuần, tôi phải lên đường tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, rồi tiếp tục hành quân chiến đấu qua các chiến trường. Vợ tôi ở lại quê nhà tích cực tham gia kháng chiến. Đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, vợ chồng tôi mới gặp lại nhau. Năm 1976, tôi được điều về công tác tại Cần Thơ, làm Quyền Hiệu trưởng của Trường hành chính tỉnh (nay là Trường Chính trị). Một thời gian sau, tôi mới đón vợ về Cần Thơ chung sống”.

Hạnh phúc được nhân đôi khi vợ chồng ông bà vui mừng đón đứa con đầu lòng chào đời năm 1979. Bà Nguyễn Thị Sáu bồi hồi xúc động nhắc lại: “Gần 40 tuổi tôi mới có con, còn ông ấy gần 50 tuổi mới được làm cha. Chúng tôi mừng lắm vì lúc đó đã lớn tuổi rồi, tưởng đâu mình không có phúc phận làm cha mẹ. Không ngờ, trời vẫn còn thương vợ chồng tôi. 3 năm sau, chúng tôi có thêm đứa nữa. Vậy là có trai, có gái. Có con rồi, cực nhưng mà vui lắm!”.

Vươn lên từ nghèo khó

Được Nhà nước cấp cho 400 m2 đất tại đường Trần Hoàng Na, ông bà Tỷ cất một căn nhà gỗ nho nhỏ ở tạm. Lúc này, cả gia đình đều sống nhờ vào đồng lương của ông Tỷ nên kinh tế gia đình rất eo hẹp. Gia cảnh càng khó khăn hơn khi ông Tỷ bị bệnh dạ dày kinh niên, phải điều trị quanh năm, còn bà Sáu thì bị bệnh sỏi thận, cao huyết áp, tim, tiểu đường...

Thực tế nan giải khiến vợ chồng ông Tỷ bàn tính chọn hướng nuôi heo. Vậy mà, gom góp mãi cũng không đủ tiền mua heo giống và làm chuồng. Thế là, ông bà chuyển sang nuôi gà, vịt, chim cút, ong mật... để tạo vốn liếng ban đầu và lấy ngắn nuôi dài. Việc chăn nuôi do bà Sáu đảm trách, ông Tỷ phụ tiếp vợ sau khi đi làm về. Hai năm sau, ông bà Tỷ mua được heo giống và nuôi thêm heo nái. Từ đó, ông bà gầy dựng đàn heo thịt và bán thêm heo giống. Tiền dành dụm được từ chăn nuôi, ông bà Tỷ mua vật liệu xây dựng dần dần để chuẩn bị xây lại căn nhà mới. Bà Sáu kể lại: “Lúc đó, tôi phải bưng từng thau cát đổ nền và đập đá hộc to thành đá nhỏ, còn ông Tỷ thì ngoài giờ đi làm, tranh thủ mua và chở một số vật liệu xây dựng như sắt, thép bằng xe đạp. Đến năm 1990, chúng tôi cất được căn nhà 1 trệt, 1 lầu. Làm xong nhà thì hụt vốn chăn nuôi nên phải vay tiền ngân hàng để làm vốn nuôi tiếp. Khi trả hết nợ, chúng tôi bắt đầu học hỏi và đầu tư nuôi thêm ba ba, cá sấu, kỳ đà, nhím, chồn, rắn, cá...”.

Nhờ cần mẫn lao động mà vợ chồng ông bà Tỷ đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. Trước sau như vậy, ông bà Tỷ luôn gần gũi bà con trong xóm, người nào cần tăng gia sản xuất, ông bà giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi. Hai vợ chồng già còn chủ động tổ chức các cuộc họp và mời các kỹ sư phổ biến kinh nghiệm chăn nuôi, điều trị bệnh gia súc, gia cầm cho bà con học hỏi ... Năm 1999, ông Tỷ được đi dự Hội nghị đại biểu thương binh, liệt sĩ, người có công tiêu biểu toàn quốc lần thứ III tại TP Hồ Chí Minh; ông còn được Bộ Thương binh - Lao động và Xã hội tặng Bằng khen về thành tích xóa đói giảm nghèo. Ông Tỷ cũng thường xuyên được báo cáo điển hình trong các hội nghị biểu dương người cao tuổi làm kinh tế gia đình. Ông Tỷ cười hiền: “Tất cả là của chồng công vợ. Tôi chỉ thực sự tham gia chăn nuôi khi đã về hưu thôi”.

Trong ấm, ngoài êm

Song song với làm kinh tế gia đình, ông bà rất quan tâm chuyện nuôi dạy con cái. Ông bà đã dạy các con ngay từ nhỏ không được nói tục, chửi thề, không gian dối, không làm điều xấu. Trong gia đình, nghe lời ông bà, cha mẹ, kính trên nhường dưới, anh chị em thương yêu nhau; còn ra ngoài phải hòa đồng, thân thiện với mọi người, kính trọng người lớn tuổi... Các con ông bà từ nhỏ đến lớn đều được bà con lối xóm khen là hiền lành, lễ phép. Hiện nay, con gái lớn của ông bà Tỷ là giáo viên Trường THCS Trường Long ở huyện Phong Điền, còn con trai út đang công tác tại Công ty Vemedim.

Đã từng trải qua giai đoạn nghèo khó nên ông bà Tỷ rất thông cảm với bạn bè, bà con lối xóm có hoàn cảnh khó khăn và thường xuyên giúp đỡ họ. Ông Tỷ cho biết: “Có những hộ tôi cho mượn tiền không lấy lời, có những hộ tôi bán ba ba với giá rẻ hoặc cho mua thiếu dài hạn. Một số anh em ở cùng đơn vị bộ đội trước kia thì tôi cho ba ba giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi để họ phát triển thêm kinh tế gia đình”. Nghe kể lại, ông bà Tỷ từng cho khoảng chục sinh viên nghèo ở trọ trong gia đình miễn phí. Bà Sáu tâm tình: “Lúc đầu, tôi cho có một vài sinh viên ở chung, nhưng dần dần tụi nó kéo thêm bạn bè, anh em đến xin ở nhờ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Gia đình tôi dành riêng căn gác để các cháu học tập, sinh hoạt. Mà mấy đứa nó ngoan và chăm chỉ học lắm. Bây giờ, tụi nó đều ra trường và đi làm hết, có đứa còn là tiến sĩ nữa. Tụi nó cũng hay liên lạc với chúng tôi, nhất là khi nghe tin tôi hay ông Tỷ bị bệnh là đến thăm, đứa nào ở xa thì điện thoại thăm hỏi...”. Mấy năm nay, mỗi kỳ tuyển sinh đại học, gia đình ông bà Tỷ lại cho một số thí sinh ở xa được trọ miễn phí trong thời gian thi.

***

Chiến tranh, nghèo khó, bệnh tật đã không làm vợ chồng ông bà Tỷ chùn bước. Ông bà đã chung lưng đấu cật cùng nhau vượt qua tất cả để có được ngày hôm nay, như dân gian thường nói “Đồng vợ, đồng chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Bây giờ, niềm vui của ông bà Tỷ là hàng ngày được quây quần bên con cháu, vui hưởng tuổi già. Bà Sáu cho biết, bà vừa bán hết heo và giảm làm kinh tế nữa để có thời gian chăm sóc cháu nội.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết