07/04/2008 - 10:03

"Đông tay thì vỗ nên kêu"

Từ lòng đam mê học hỏi, nghiên cứu để làm cho mảnh ruộng của mình “đẻ lãi” nhiều hơn, những nông dân ở huyện Vĩnh Thạnh - TP Cần Thơ đã nhận ra lợi ích từ chuyện cùng nhau hợp tác sản xuất. Chuyện “hùn đất, hùn vốn” để sản xuất theo hướng thị trường với mô hình nhân lúa giống, nhằm giải quyết tình trạng thiếu giống đầu vụ của tập thể Tổ hợp tác nhân lúa giống ở ấp C1 xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh là một điển hình...

* Từ những “lớp học” trên đồng ruộng...

Buổi trưa nắng gắt, chúng tôi đến tổ hợp tác nhân giống lúa ở ấp C1, xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh lúc các thành viên của tổ hợp tác này đang bận đi mua xơ dừa để chuẩn bị sản xuất lúa giống trong mùa vụ tới. Trước đây, nông dân ở ấp C1 này phải đi đến tận Bình Đức, huyện Châu Thành (Kiên Giang), Viện lúa ĐBSCL (Ô Môn) hay các nơi khác để mua lúa giống về gieo sạ. Cách làm này tốn quá nhiều chi phí, mất thời gian, đôi khi hiệu quả không cao... Nguyên nhân là do nông dân chưa nắm bắt khoa học kỹ thuật, “mạnh ai nấy làm” nên đất đai manh mún, sâu bệnh triền miên. Từ hoàn cảnh đó, nhóm nông dân vài ba người cùng ấp quyết chí tìm hiểu kỹ thuật nhân giống lúa.

Lúc đó, các cán bộ nông nghiệp địa phương và nhiều nhà khoa học từ Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL đã thổi bùng ý chí của những nông dân tiên phong này với sự khẳng định mô hình sẽ khả thi nếu biết kỹ thuật và làm đúng theo quy trình khoa học. “Và rồi những “lớp học” trên đồng ruộng được tổ chức để chuyển giao kỹ thuật. Với lòng đam mê, sự cần cù sẵn có, chẳng mấy chốc cả nhóm đều nắm vững quy trình sản xuất lúa giống. Không ít người còn nắm được cách lai tạo, phục tráng các giống lúa hiếm. Từ đó, câu lạc bộ nhân giống lúa ấp C1 đã ra đời. Hiện nay câu lạc bộ được chuyển đổi sang mô hình tổ hợp tác nhân giống lúa ấp C1...”. Ông Nguyễn Văn Tiên 54 tuổi, Tổ phó Tổ hợp tác nhân giống lúa ấp C1, bắt đầu câu chuyện như vậy.

Các thành viên Tổ hợp tác C1 đang trao đổi kinh nghiệm nhân lúa giống. 

Tổ hợp tác ngày càng phát triển. Nếu buổi đầu chỉ hơn 10 hộ thành viên thì đến nay đã có 25 hộ tự giác tham gia (toàn ấp có 423 hộ gia đình), với tổng diện tích 26 ha trong đó có 6 ha sản xuất lúa giống cấp xác nhận. Điều đáng nói là tổ hợp tác này đã biết áp dụng kỹ năng nghiên cứu đồng ruộng, đánh giá chính xác những giống lúa có tính chống chịu sâu bệnh và cho năng suất cao từ những giống lúa siêu nguyên chủng do các viện, trường cung cấp, để sau đó họ nhân giống bằng phương pháp cấy tép hoặc sạ hàng.

Sau vài vụ nhân giống thành công, lúa giống làm ra có chất lượng và ngày càng tiêu thụ mạnh, bà con nông dân đã bắt đầu chú ý và đặt hàng do giá lúa giống rẻ hơn từ 10 đến 20%. Những hợp đồng đầu tay khiến cho các thành viên của Tổ hợp tác càng thêm hăng hái. Có bước khởi đầu thuận lợi, Tổ mạnh dạn liên kết tổ chức sản xuất nhân giống lúa ở cấp xác nhận theo hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện và sự giúp đỡ tận tình của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐHCT), Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ), Trại giống nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh... Vụ đông xuân 2007 - 2008, Tổ hợp tác đã nhân giống thành công giống lúa OM 2517, OM 50404 (cấp xác nhận), năng suất 7 tấn/ha. Với 6 ha đạt được 42 tấn lúa giống, giá trị hơn 230 triệu đồng. 50% lượng lúa giống này được cung ứng trong ấp C1, số còn lại tiêu thụ ở các nơi. Với mô hình sản xuất lúa giống, thu nhập của các thành viên cao hơn từ 25% đến 30% trên 1 đơn vị diện tích so với sản xuất lúa lương thực.

* Hợp tác tốt, thắng lợi cao!

Cùng với ông Nguyễn Văn Tiên, trong Tổ hợp tác nhân giống lúa ấp C1 còn có các ông Nguyễn Khắc Hiến (Tổ trưởng), chị Phan Thị Lành, chị Vũ Thị Huệ, chị Đinh Thị Ngọc Châu và anh Đính (thành viên) là những điển hình giỏi về kỹ thuật, sẵn sàng “chia lửa”, giúp đỡ những thành viên trong tổ cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Họ đã trao đổi với nhau những kinh nghiệm từ canh tác đến sản xuất giống, cách giữ cho lúa không bị đổ ngã, không bị sâu bệnh, nhất là tuân thủ đúng theo nguyên tắc và quy định trong kỹ thuật nhân giống...

Huyện Vĩnh Thạnh hiện có 357 tổ hợp tác với diện tích 11.071 ha và 9.779 thành viên. Trong đó, có 251 tổ hợp tác bơm tưới, 27 tổ chăn nuôi, 64 tổ nhân lúa giống, 9 tổ vạn đổi công, 6 tổ hoạt động lồng ghép, hoạt động khuyến nông. Do biến động thị trường và sự chuyển đổi hình thức hoạt động, nên phần lớn các tổ hợp tác hiện bị đánh giá là hoạt động trung bình, theo mùa vụ... Thế nhưng, vẫn có một số tổ nổi và vượt trội. Trong mô hình nhân lúa giống đã có nhiều tập thể tổ hợp tác các ấp D1, E2, B1, B2, C1 và C2 (nằm trên các khu vực Thạnh Thắng, Thạnh An) làm ăn hiệu quả. Đặc biệt là Tổ hợp tác sản xuất lúc giống C1.

Ông Mai Giơ-Neo, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Tổ hợp tác nhân giống lúa C1 là tổ hợp tác đầu tiên biết áp dụng mô hình sản xuất lúa giống xác nhận rất thành công trong toàn huyện. Từ sự hợp tác tốt nên tập thể này đã góp phần cho huyện đạt được năng suất bình quân từ 6,5 tấn đến 7,5 tấn/ha trong vụ đông xuân và họ không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các nơi khác. Ở họ, nổi bật là việc kết hợp giữa nghiên cứu đồng ruộng theo chương trình IPM để sản xuất lúa giống giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống lúa địa phương. Các thành viên nêu cao tinh thần đoàn kết hợp tác, họ biết kết hợp giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng, không ngừng trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và thông tin thị trường. Để phát huy mô hình này, vừa qua huyện đã tổ chức cho các tổ hợp tác tham quan các mô hình hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài thành phố. Qua đó ai cũng thấy rằng xây dựng hợp tác xã là hướng đi đúng mà nhà nông sẽ chọn.

Những mô hình hợp tác xã sản xuất giống lúa như ở ấp C1, đáp ứng được nguyện vọng của nông dân, nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng lúa giống. Đó cũng là cơ sở để hình thành lộ trình xây dựng thương hiệu sản phẩm từ lúa gạo cho huyện Vĩnh Thạnh.

Bài, ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết