Dông nướng là một trong những món đặc sản trứ danh của vùng đất Bình Thuận. Dông là loài bò sát, sống chủ yếu ở các sa mạc, đồi cát, chịu được nắng nóng, khô hạn nên còn có tên gọi là “vua đồi cát”. Hình dáng dông giống thằn lằn nhưng lớn và dài khoảng 20cm - 30cm. Tên dông bắt nguồn bởi đặc tính nhanh nhạy, thoắt ẩn thoắt hiện của nó trên những triền cát. Theo người dân địa phương, dông có quanh năm, nhưng rộ nhất là tháng 3 đến tháng 5 âm lịch, khi mùa mưa đến.
|
Dông nướng. Ảnh: Internet |
Để chế biến món ăn ngon, người ta thường chọn con dông nặng chừng 250g 300g, thịt mới chắc. Dông được lột da, bỏ đầu đuôi, chân ruột, trần qua nước sôi khoảng 2 phút rồi rửa sạch. Khi ráo nước, tẩm ướp dông với các gia vị: muối ớt, sa tế, đường, sả băm và chút nước mắm nhỉ Phan Thiết loại ngon. Khoảng 30 phút, thịt dông thấm gia vị, du khách có thể nướng trên bếp than hồng. Thịt dông dễ bắt lửa nên khách phải trở thật nhanh, đều tay, món ăn mới không bị khô, cháy khét. Dông từ từ săn lại, ngả vàng, mùi thơm ngào ngạt, kích thích vị giác. Lấy miếng bánh tráng, thêm chút bún, rau xanh và thịt dông, cuốn lại rồi chấm nước mắm me. Thịt dông thơm, ngọt, chắc tựa như thịt gà vườn, xương dông rất mềm như sụn quyện cùng hương thơm của rau, vị chua ngọt đậm đà của nước chấm tạo nên món ăn hấp dẫn, ăn hoài không ngán.
Ngoài ra, người ta còn có thể chế biến món dông nướng lá mãng cầu. Với món này, thịt dông được băm nhuyễn, cũng không kém phần hấp dẫn khi có thêm hương vị đặc trưng từ lá mãng cầu. Dông còn là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo như: chả dông, gỏi dông, dông nấu dưa hồng
Nếu đến xứ biển Bình Thuận, thay vì thưởng thức những hải sản quen thuộc, du khách hãy một lần thử món ăn lạ như dông nướng, để có thể cảm nhận hết nét phong phú, độc đáo của ẩm thực nơi đây.
Bảo Lam