24/06/2017 - 17:18

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh TP Cần Thơ, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm nay tăng 5,39% so với cuối năm 2016. Phần lớn các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN đều có dư nợ tăng. Đồng thời, thành phố đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đây là động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thành phố.

Những điểm sáng tín dụng

 Doanh nghiệp đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư
TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Tính đến cuối tháng 6-2017, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn ước đạt 64.200 tỉ đồng, tăng 5,39% so cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 38.400 tỉ đồng, tăng 4,49% và chiếm 59,81%, dư nợ cho vay trung và dài hạn 25.800 tỉ đồng, tăng 6,77% so với đầu năm 2017 và chiếm 40,19% tổng dư nợ cho vay. Khối TCTD nhà nước có dư nợ cho vay tăng 4,81% và chiếm 59,81% thị phần; khối TCTD ngoài nhà nước tăng 6,08% so đầu năm và chiếm 46,11% thị phần cho vay. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, NHNN chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng cường các giải pháp huy động vốn và mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, đặc biệt là triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh thành phố, các TCTD trên địa bàn đã có nhiều giải pháp tích cực trong huy động vốn, nguồn vốn huy động đáp ứng 94,24% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Đến cuối tháng 6-2017, vốn huy động ước đạt 60.500 tỉ đồng, tăng 2,49% so với đầu năm, trong đó vốn huy động trên 12 tháng là 21.900 tỉ đồng, chiếm 36,20%. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng để tăng cường đưa vốn ra thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn thành phố. Phần lớn các chương trình tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN đều có dư nợ cho vay tăng trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 23.800 tỉ đồng, tăng 0,17% so đầu năm; cho vay xuất khẩu dư nợ đạt 10.900 tỉ đồng; cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa dư nợ 15.800 tỉ đồng, tăng 0,30% so đầu năm; cho vay công nghiệp hỗ trợ dư nợ đạt 290 tỉ đồng, tăng 3,57% so đầu năm; cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản dư nợ đạt 6.600 tỉ đồng, tăng 0,82% so với đầu năm; cho vay thu mua lúa, gạo dư nợ đạt 7.200 tỉ đồng, tăng 14,56% so với đầu năm 2017… Mặt bằng lãi suất cho vay VND đối với ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa 7%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến đối với ngắn hạn từ 7% - 9%/năm; trung, dài hạn từ 9,5% -11%/năm.

Ông Trần Quốc Hà cho biết thêm, để đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chi nhánh sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động của ngân hàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với đảm bảo cơ cấu tín dụng phù hợp. Trong đó, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Động lực cho DN

Nhiều DN phản ánh, hiện mặt bằng lãi suất cho vay dù chưa giảm như kỳ vọng của DN, nhưng việc tiếp cận tín dụng ngân hàng đã tốt hơn. Đây là nguồn động lực để DN mở rộng, duy trì sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Song, cộng đồng DN đang chờ đợi sự bứt phá trong các chính sách hỗ trợ DN phát triển của Trung ương và của thành phố. Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Đây là vấn đề mà cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN Cần Thơ đang rất chờ đợi. Luật chính thức có hiệu lực từ 1-8-2018, tập trung chủ yếu vào 3 đối tượng chính, là: DN mới chuyển đổi từ hộ gia đình; DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và DN tham gia cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp ở nhiều địa phương cả nước đang lan nhanh, nhiều mô hình khởi nghiệp được chính quyền địa phương rất quan tâm. TP Cần Thơ đang kỳ vọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho các ý tưởng khởi nghiệp. Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều chương trình, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ DN được thành phố ban hành và chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện triển khai thực hiện. Chẳng hạn như Chương trình hành động số 02/Ctr-UBND của UBND TP Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ cũng xác định 7 mục tiêu cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Trong đó, nhấn mạnh chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy tháo gỡ khó khăn vướng mắc sang hỗ trợ cho DN; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố; đổi mới công tác xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…

Sự nỗ lực của chính quyền địa phương được cộng đồng DN thành phố đón nhận và đánh giá cao. Theo anh Bùi Đức Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Htech (quận Ninh Kiều), trước khi chuẩn bị thành lập DN, tôi nghiên cứu rất nhiều các văn bản luật và dưới luật có liên quan trước khi tìm đến Phòng Đăng ký kinh doanh-Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ. Nhìn chung, các DN khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ tư vấn từ các sở ngành hữu quan, nhất là thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố. Hiện nay, muốn đăng ký thành lập DN và đi vào hoạt động, DN ngoài việc biết luật là chưa đủ mà còn phải biết các văn bản dưới luật và nhiều luật liên quan khác. Việc chọn lựa loại hình hoạt động sao cho phù hợp cũng là vấn đề DN cần cân nhắc. Thời gian qua, có nhiều cá nhân muốn thành lập DN nhưng còn e ngại các thủ tục hành chính có liên quan, thủ tục kê khai, báo cáo thuế… Trong quá trình đi vào hoạt động, DN quan tâm nhất là làm thế nào để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, Nhà nước đã có các chương trình hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi cho DN nhỏ và vừa. Vấn đề còn lại là làm thế nào để DN thuộc đối tượng ưu đãi có thể thuận lợi tiếp cận nguồn vốn này để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

DN là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần giải quyết an sinh xã hội. Để phát huy nguồn lực của DN không chỉ sự phấn đấu của nội tại DN mà cần sự chung sức của các sở, ngành chức năng trong các hoạt động hỗ trợ DN. 

Gia Bảo- Thanh Đình

Chia sẻ bài viết