20/04/2016 - 14:26

Đồng khởi khởi nghiệp

"Khởi nghiệp để làm giàu và khởi nghiệp để thoát nghèo"- đó là đúc kết ngắn gọn của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo khi nói về phong trào "Đồng khởi khởi nghiệp" mà tỉnh đang phát động. Mục tiêu của phong trào chính là tập dượt cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hội nhập vào thị trường "mua chung bán chung" khi hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng sâu rộng.

Nhận định nội lực

Tỉnh Bến Tre có khoảng 1,3 triệu dân. Theo kết quả tổng điều tra ban đầu của tỉnh, số hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, Bến Tre hiện còn hơn 44.100 hộ nghèo; hơn 16.200 hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh khoảng 35 triệu đồng/người/năm. Tỉnh hiện có hơn 2.900 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng chủ yếu là DN quy mô vừa và nhỏ. Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016-2020), bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế tỉnh cũng đứng trước nhiều thách thức. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre kỳ vọng nhận được sự ủng hổ, đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng DN trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2016.

Quỹ khởi nghiệp sẽ hỗ trợ vốn để người dân, các DN mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Theo đánh giá của ngành chức năng tỉnh, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, khó lường; nguồn lực đầu tư hạn chế sẽ tác động không nhỏ đến tăng trưởng, khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của DN trong tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, khả năng mở rộng thị trường, cạnh tranh xuất khẩu sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Thêm vào đó, quỹ đất sạch của các khu, cụm công nghiệp đã đầu tư đã hết trong khi việc tạo thêm quỹ đất sạch chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nguồn nhân lực có tay nghề cao thiếu và không đáp ứng yêu cầu của DN, khả năng ứng dụng công nghệ của DN còn hạn chế do năng lực đầu tư, tài chính hạn chế… Nếu không giải quyết tốt những bất cập trên sẽ tác động rất lớn đến kết quả hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: "Kinh tế vườn và kinh tế biển là những thế mạnh của tỉnh, nhưng thời gian qua chưa phát huy hết hiệu quả. Bến Tre là một trong 3 địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất của khu vực ĐBSCL, nguy cơ tụt hậu đang ngay trước mắt, nếu không có giải pháp vượt qua thì sự tụt hậu về kinh tế của tỉnh ngày càng lớn so với các địa phương trong vùng. Tỉnh đã có buổi làm việc với DN, đội ngũ trí thức trong và ngoài tỉnh để lắng nghe góp ý và đặt hàng họ hiến kế cho tỉnh thoát khỏi tụt hậu". Theo ông Trần Ngọc Tam, tới đây nhiều công trình giao thông trọng điểm sẽ được đầu tư để phát triển du lịch cặp sông Tiền; mở rộng đường từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên; triển khai nhà máy nhiệt điện ở Bình Đại; đầu tư khép kín thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre; thành lập trung tâm đào tạo nhân lực… để phục vụ mục tiêu phát triển giai đoạn tới.

Tạo cuộc đồng khởi thời kỳ mới

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra mục tiêu đến năm 2020 là nâng mức sống của người dân tỉnh Bến Tre ngang bằng với mức sống của người dân các tỉnh khu vực ĐBSCL; với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 48,6 triệu đồng; phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,5 - 2% hộ nghèo và phát triển thêm 300 DN. Nhằm đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, tỉnh đã phát động phong trào "Đồng khởi khởi nghiệp". Đây là một trong những hành động mang tính chất đột phá, tập trung mũi nhọn nhằm tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa VIII về phong trào thi đua "Đồng khởi mới". Theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, phong trào này được phát động với hai mục tiêu: khởi nghiệp làm giàu và khởi nghiệp thoát nghèo. Nghĩa là những người có điều kiện thì khởi nghiệp để làm giàu và những người nghèo khởi nghiệp để thoát nghèo bền vững. Mặc khác, nước ta đang hội nhập toàn cầu ngày càng sâu, trở thành thành viên cộng đồng kinh tế ASEAN, nếu các DN trong tỉnh không khởi nghiệp – mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật thì khó mà cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước trong khu vực trên thương trường.

Trong thực hiện phong trào "Đồng khởi khởi nghiệp", tỉnh xác định việc làm trước tiên là xây dựng hệ thống tổ chức, cụ thể là Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp (trực thuộc Tỉnh ủy, do Thường trực Tỉnh ủy làm Chủ tịch); Trung tâm Tư vấn khởi nghiệp; Quỹ khởi nghiệp. Lĩnh vực khởi nghiệp thuộc về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục… Quỹ khởi nghiệp sẽ được thành lập từ nguồn vận động xã hội hóa, do một số DN, nhà khoa học, mạnh thường quân góp vào để giúp cho hoạt động khởi nghiệp của tỉnh. Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, đây là một cuộc cách mạng trong tư duy, cách nghĩ, cách làm của tỉnh. Việc chuẩn bị thành lập hội đồng, trung tâm và quỹ khởi nghiệp sẽ được xúc tiến nhanh để ra mắt trong năm 2016. Tỉnh sẽ sớm có cơ chế, chính sách cách tổ chức riêng về mục tiêu khởi nghiệp thoát nghèo. Dự kiến chương trình "Đồng khởi khởi nghiệp" có hai phương thức phát triển DN: vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang đăng ký kinh doanh dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; phát động khởi nghiệp thông qua hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng khẳng định: Tỉnh sẵn lòng chào đón những người con xa quê về Bến Tre lập nghiệp, hỗ trợ hết mình cho nhà đầu tư, DN đến tỉnh đầu tư, khởi nghiệp. Tỉnh đang dồn sức đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Có thể nói, công trình cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, quốc lộ 60… đã góp phần rất lớn cho sự phát triển của tỉnh thời gian qua, đặc biệt là thu hút đầu tư. Tỉnh đang đẩy mạnh mở rộng, quy hoạch thêm các khu công nghiệp để mời gọi đầu tư, đầu tư có trọng tâm, chứ không dàn trải.

Nguyên Bảo

Chia sẻ bài viết