16/01/2008 - 09:25

Kỷ niệm 40 năm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Đòn quyết định làm suy sụp ý chí xâm lược của Đế quốc Mỹ (kỳ 1)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 là một đòn sấm sét đánh vào sào huyệt của Mỹ- ngụy. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chiến lược đánh dấu bước ngoặt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.


I. TÌNH THẾ MỚI VÀ CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

1. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình thế mới trên chiến trường.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, nhân dân ta bắt tay vào khôi phục kinh tế, xây dựng CNXH. Miền Nam, tiếp tục sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước .

Đế quốc Mỹ gạt bỏ Pháp, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam thông qua chế độ cai trị độc tài phát xít của bọn tay sai Ngô Đình Diệm. Nhân dân miền Nam không chịu đựng sự thống trị dã man, tàn bạo của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Thực hiện Nghị quyết 15 của BCHTW Đảng (khóa II), ngày 17-1-1960 phong trào Đồng khởi chính thức được phát động tại huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, sau đó lan rộng ra khắp miền Nam. Cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công mạnh mẽ, liên tục hình thành một cao trào cách mạng đồng khởi vũ trang của quần chúng ở vùng nông thôn.

Trong những năm 1961 - 1964, các đơn vị quân giải phóng ở các địa phương, một số đơn vị chủ lực của Khu và Miền được tổ chức với quy mô trung đoàn, làm nòng cốt cho toàn dân đánh Mỹ - ngụy, giành thắng lợi vang dội trên các chiến trường. Điển hình là chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài. Ta tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực; phá hủy, thu giữ nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật của địch; đánh bại các chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận”. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Cách mạng miền Nam giữ quyền chủ động, tạo thế trận mới, đẩy Mỹ và chính quyền ngụy vào thế bị động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

Trước tình hình đó, Mỹ quyết định thay đổi chiến lược chiến tranh để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam: chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Với tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự khổng lồ, Mỹ ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam. Với chiến lược hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” ngông cuồng và ảo tưởng Mỹ hy vọng sẽ nhanh chóng đè bẹp đối phương, tiêu diệt cách mạng miền Nam, giành thắng lợi trong vòng 18 tháng, dự kiến cuối năm 1967 kết thúc giai đoạn 3 sẽ rút quân Mỹ về nước.

Mùa mưa 1965, quân Mỹ gấp rút triển khai chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược trọng yếu, triển khai lực lượng, thiết lập hệ thống căn cứ quân sự và hậu cần. Một số đơn vị quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn mở hàng loạt cuộc hành quân lớn, nhỏ. Bom đạn, chất độc hóa học được sử dụng ở mức độ ngày càng nhiều, đánh vào vùng giải phóng, vùng tranh chấp, các căn cứ kháng chiến của lực lượng Cách mạng miền Nam. Lần đầu tiên, máy bay ném bom chiến lược B.52 được đưa ra sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

 Các mẹ, các chị hậu phương đêm ngày gói bánh tiếp tế cho bộ đội ăn no đánh thắng. Ảnh: HÙNG ANH

Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và gắn bó chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam.

Đối với hai nước láng giềng của Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt” ở Lào, sử dụng sức ép quân sự và ngoại giao hòng buộc chính phủ Vương quốc Campuchia từ bỏ thái độ trung lập.

Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn của phe XHCN và sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế để cô lập Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Ở trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp nhằm bưng bít tin tức, che giấu các hoạt động chiến tranh của Mỹ trên chiến trường. Bằng cách đó, chính phủ Mỹ hy vọng duy trì được sự đồng tình của Quốc hội và tranh thủ ủng hộ của nhân dân Mỹ đối với chính sách “leo thang” chiến tranh của chính quyền Mỹ ở Việt Nam.

Khi quân Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam, lực lượng vũ trang nhân dân và Quân giải phóng đã chủ động tiến công một số đơn vị nhằm tìm hiểu khả năng thực tế của quân Mỹ, tìm ra cách đánh phù hợp. Đó là trận Núi Thành (3-1965), Vạn Tường (8-1965), chiến dịch Plâyme (11-1965), chiến thắng Đất Cuốc, Bầu Bàng (11-1965).

Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp cả hai miền Nam, Bắc; trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và trên thế giới có liên quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III (12-1965) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”; xác định phương châm chiến lược chung: “Trên cơ sở đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, cần tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”.

Lúc này, trên chiến trường, hơn 20 vạn quân Mỹ và đồng minh (trong đó có 184.134 quân Mỹ) đã triển khai xong ở các địa bàn chiến lược cùng quân Ngụy Sài Gòn hợp thành đội quân 72 vạn tên. Với lực lượng đông đảo ấy, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, mùa khô 1965 - 1966, với chiến dịch “5 mũi tên”, nhưng bị thất bại thảm hại.

Mùa khô 1966 - 1967, Mỹ tung vào cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 một lực lượng quân sự lớn với 40 vạn quân Mỹ liên tiếp mở 3 cuộc hành quân lớn cấp quân đoàn là Áttenboro, Xiđaphôn, Gian xơn Xiti nhằm vào căn cứ Dương Minh Châu hòng chụp bắt cơ quan đầu não Trung ương Cục, tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng miền Nam...

Bằng sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966), (1966- 1967) của Mỹ - ngụy. Hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” bị bẻ gẫy. Mục tiêu mà Mỹ đề ra đều không thực hiện được. Ngược lại, địch bị tổn thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh. 175.000 quân Mỹ-ngụy và chư hầu bị loại khỏi vòng chiến đấu, 49 tiểu đoàn (28 tiểu đoàn Mỹ) bị tiêu diệt, 1.800 máy bay, 1.786 xe tăng, 100 tàu xuồng bị phá hỏng, bắn cháy, bắn chìm. Chúng ta vẫn giữ vững vùng giải phóng và giành thêm 390 ấp. Đánh bại cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy, cách mạng miền Nam đã tạo ra thế chiến lược mới. Quyền chủ động chiến lược trên chiến trường miền Nam đã chuyển vào tay nhân dân ta.

Ở các đô thị, phong trào đấu tranh chính trị dâng cao, tập trung vào mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ; đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam; đòi Thiệu - Kỳ từ chức; đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình...

Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân, Hải quân Mỹ bị quân và dân ta trừng trị đích đáng: 1.067 máy bay các loại bị bắn rơi, 69 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy trong năm 1967. Đời sống nhân dân không bị xáo trộn lớn. Sản xuất và mọi mặt sinh hoạt vẫn được giữ vững. Giao thông không bị ngừng trệ. Miền Bắc vẫn giữ vững ý chí quyết tâm đánh Mỹ và tăng sức chi viện cho miền Nam.

Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cùng với khí thế phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi cho ta.

2- Chủ trương mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của Đảng ta.

Tháng 5 và tháng 6 năm 1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, đưa ra chủ trương: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.

Tháng 10 năm 1967, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.

Tháng 1-1968 , Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật; một thất bại về quân sự đối với Mỹ. Do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, “nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả 2 miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.

(Còn tiếp)

Nguồn:  Ban Tuyên giáo Trung ương

Chia sẻ bài viết