08/06/2008 - 09:59


ĐÔI NÉT VỀ LỊCH SỬ BÁO CẦN THƠ

I.-NHỮNG TỜ BÁO TIỀN THÂN

- LAO ĐỘNG là tờ báo đầu tiên của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Cần Thơ, ra đời vào năm 1928, chỉ 3 năm sau khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên , khởi xướng nền báo chí cách mạng nước ta. Báo LAO ĐỘNG do đồng chí Hà Huy Giáp phụ trách.

-Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3-2-1930, đồng chí Hà Huy Giáp được cử làm Bí thư Đặc ủy Hậu Giang. Trong những năm 1930-1936, Đặc ủy Hậu Giang xuất bản báo CÙNG KHỔ.

-Năm 1938, Đặc ủy Hậu Giang được chuyển thành Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Liên Tỉnh ủy Hậu Giang xuất bản tờ báo TIẾN LÊN do đồng chí Quản Trọng Hoàng, Phó bí thư Liên Tỉnh ủy phụ trách. Cũng trong năm 1938, Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ được thành lập, đồng chí Quản Trọng Hoàng được cử làm Bí thư, kiêm phụ trách tờ báo TIẾN LÊN của Liên Tỉnh ủy.

-Đầu năm 1941, Tỉnh ủy lâm thời Cần Thơ xây dựng nhà in và cho ra tờ báo TIẾN LÊN của tỉnh.

-Tháng 3-1945, Đảng bộ Cần Thơ ra báo DÂN CHÚNG.

-Tháng 8-1945, báo VIỆT MINH- Tiếng nói của chính quyền cách mạng-được phát hành đến các cơ sở cách mạng và nhân dân trong tỉnh.

-Năm 1946, báo GIẾT GIẶC của tỉnh được phát hành trong vùng giải phóng.

-Năm 1947, Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ được thành lập. Cùng với việc lưu hành báo HIỆP NHẤT của Khu 9, Cần Thơ được phép xuất bản báo HIỆP NHẤT –cơ quan của Đảng bộ và Mặt trận Liên Việt tỉnh, do đồng chí Đặng Văn Quang, Phó bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.

-Cuối năm 1949, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh quyết định hợp nhất tờ báo HIỆP NHẤT với tờ tin CẦN THƠ THÔNG TIN QUÂN DÂN CHÁNH thành báo CẦN THƠ THÔNG TIN QUÂN DÂN CHÁNH, do đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng Ty Thông tin chủ biên, sau đó là đồng chí Bùi Văn Huệ và đồng chí Trần Văn Sao nối tiếp làm Trưởng Ty Thông tin phụ trách. Báo CẦN THƠ THÔNG TIN QUÂN DÂN CHÁNH tồn tại và phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc của tỉnh cho đến ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

-Cuối năm 1954, Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Văn Sao, Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, cùng một số cán bộ thành lập Ban biên tập cho ra tờ HOÀ BÌNH THỐNG NHẤT. Từ năm 1959, Mỹ-Diệm dùng Luật 10/59 đàn áp phong trào cách mạng. Để bảo toàn lực lượng, Tỉnh ủy chủ trương thu gọn báo HOÀ BÌNH THỐNG NHẤT, phân tán cán bộ, chỉ làm những tờ tin nhỏ và truyền đơn. Đầu năm 1960, Tỉnh ủy tập hợp lực lượng báo chí cho ra lại tờ HOÀ BÌNH THỐNG NHẤT, xuân Canh Tý, do đồng chí Đỗ Thanh Sơn, Phó trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy trực tiếp chủ biên.

-Tháng 2-1960, theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định đổi tên báo HOÀ BÌNH THỐNG NHẤT thành báo TRANH ĐẤU, Cơ quan của Đảng bộ Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam tỉnh Cần Thơ, do đồng chí Trương Văn Diễn, Phó trưởng ban Tuyên Huấn Tỉnh ủy , làm Chủ bút.

-Đến quí II-1961, sau khi thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Cần Thơ, Tỉnh ủy quyết định đổi tên báo TRANH ĐẤU thành báo GIẢI PHÓNG.

-Từ Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, báo GIẢI PHÓNG Cần Thơ đổi thành CẦN THƠ QUYẾT THẮNG, đến năm 1972 đổi thành báo CẦN THƠ, xuất bản đều đặn đến ngày toàn thắng 30-4-1975.

-Đầu năm 1976, Trung ương quyết định sáp nhập tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng thành tỉnh Hậu Giang. Tháng 2-1976, báo HẬU GIANG- cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hậu Giang, ra mắt bạn đọc, do đồng chí Nguyễn Văn Thường phụ trách trực tiếp, sau đó là Tổng biên tập.

- Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc tách tỉnh Hậu Giang thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, tháng 4-1992, báo HẬU GIANG chuyển thành báo CẦN THƠ do đồng chí Nguyễn Xuân Thủy làm Tổng biên tập và báo SÓC TRĂNG do đồng chí Trần Huy làm Tổng biên tập.

- Thực hiện chủ trương của Trung ương về việc tách tỉnh Cần Thơ thành haiđơn vị hành chính: Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trungương và tỉnh Hậu Giang, từ ngày 1-1-2004,Nhật báo CầnThơ trở thành cơ quan ngôn luận củaĐảng bộ thành phố Cần Thơ dođồng chí Trần Huy làm Tổng Biên tập.

II. BÁO CẦN THƠ

-Từ tháng 4-1992, kế thừa báo HẬU GIANG ( cũ ), báo CẦN THƠ xuất bản 2 kỳ/ tuần, 8 trang, khổ 30 x 40 cm, in 2 màu.

-Từ tháng 4-1996, báo CẦN THƠ tăng lên 3 kỳ/tuần; từ tháng 8-1997, cả 3 kỳ báo trong tuần tăng từ 8 trang lên 12 trang, khổ 30 x 40 cm, in 2 màu.

-Từ tháng 1-1999, tăng thêm kỳ Chủ nhật, 16 trang, khổ 30x40 cm, in 4 màu.

-Ngày 23-6-1999, đồng chí Trần Huy được Ban Thường vụ Tỉnh ủy bổ nhiệm chức vụ Tổng biên tập.

-Từ tháng 7-2000, Báo CẦN THƠ xuất bản 5 kỳ/ tuần.

-Từ tháng 10-2000, Báo CẦN THƠ xuất bản 6 kỳ/ tuần.

-Từ ngày 1-1-2001, Báo CẦN THƠ xuất bản 7kỳ/ tuần, 6 trang, khổ 42 x 58 cm, in 2 màu, trở thành nhật báo cách mạng đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

-Từ 1-1-2002, Nhật báo CẦN THƠ tăng lên 8 trang, khổ 42 x 58 cm, in 2 màu, xuất bản liên tục ổn định đến nay.

-Ngày 1-1-2004, Báo CẦN THƠ điện tử phát thử nghiệm trên mạng Internet. Từ 3-2-2004, Báo Cần Thơ điện tử phát chính thức, trở thành Báo điện tử đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

- Từ ngày 16-04-2007, Báo CẦN THƠ KHMER NGỮ chính thức phát hành ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

- Từ ngày 22-12-2007, Trang tin CẦN THƠ KHMER NGỮ chính thức phát trên mạng toàn cầu.

Nguồn: Địa chí Cần Thơ (Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cần Thơ xuất bản); Lịch sử báo Đảng bộ các tỉnh và thành phố – Sơ thảo (Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản)

Chia sẻ bài viết