21/02/2021 - 08:21

Đổi mới, sáng tạo hơn để vượt qua các “cú sốc” 

Năm 2021, nhiều dự báo nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) tiếp tục gặp khó, do đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho DN là phải có chiến lược, giải pháp ứng phó tốt hơn năm cũ. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA), cho biết: “Trong tình hình mới, DN cần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số để thích nghi tốt hơn và vượt qua các “cú sốc” khi thị trường biến động. Ðể hỗ trợ DN, CBA sẽ làm tốt vai trò cầu nối của mình để chuyển tải thông tin từ phía DN đến chính quyền thành phố, tạo sự thấu hiểu”.

* Năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn của DN. Bà có nhận định gì về sự thích ứng của DN Cần Thơ trong năm qua?

- Năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất kinh doanh của DN. Ðối với hội viên của CBA, chúng tôi ghi nhận DN phản ứng rất tích cực để duy trì sản xuất kinh doanh, thích nghi trong tình hình mới. Cách phản ứng mà hội viên thực hiện nhiều nhất là tái cơ cấu nhân sự, sàng lọc nhân viên, giữ nhân viên có tay nghề cao. Nhiều DN có đông công nhân, họ chia ca làm việc, đảm bảo giãn cách xã hội. Có DN chọn hoạt động có tính thời vụ khác nhằm sử dụng lực lượng nhân sự hiện tại cho công việc kinh doanh thời vụ trong điều kiện ngành kinh doanh cũ đang bị ngưng trệ, từ đó, tạo được doanh thu, chi trả lương cho nhân viên. Khi qua thời gian khó khăn, DN hoạt động trở lại bình thường với nghề kinh doanh cũ.

Một hoạt động nữa là, ngoài công việc kinh doanh hiện tại, DN đã tìm được hướng đi mới. Ðó là trường hợp của một công ty du lịch, trong thời gian giãn cách xã hội, họ nhận ra cơ hội và quyết định thành lập thêm một công ty mới hoạt động trên lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa để mở rộng công việc kinh doanh. Một số hội viên khác thì chọn cách “ngủ đông” chờ qua cơn khó, khi dịch qua đi, DN sẽ “thức giấc” trở lại và hoạt động bình thường.

* Năm 2021, DN cần chuyển động mạnh mẽ hơn để thực hiện “mục tiêu kép” và cần sự tiếp sức nhiều hơn. Trong vai trò là cầu nối của DN với các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động của CBA sẽ đặt trọng tâm vào đâu, thưa bà?

- Năm 2021 cũng chưa hứa hẹn điều gì tích cực, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Trong vai trò của mình, hoạt động của CBA năm 2021 có thể hỗ trợ tốt hơn DN. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chương trình kết nối DN, để kết nối DN với DN, kết nối DN với người tiêu dùng. Từ năm 2020, trong thời gian đối phó với virus Corona và lệnh giãn cách xã hội để phòng ngừa, một tình trạng “bình thường mới” đã thay đổi toàn bộ hành vi tiêu dùng và thị trường. Các cửa hàng đóng cửa nhưng việc bán hàng online lại rất sôi động và mang lại lợi nhuận cao cho các công ty bán hàng online. DN Việt Nam cũng đang thay đổi cách bán hàng từ tại chỗ đến bán hàng online hoặc kết hợp cả 2 phương pháp.

Trong 2 năm qua, CBA hợp tác với một số DN trong ngành công nghệ thông tin để giúp cho hội viên chuyển đổi số trong kinh doanh. Năm 2021, chúng tôi đang hợp tác với một công ty để xây dựng nền tảng số cho DN, qua đó DN có thể bán hàng và kết nối “B2B” để chuyển mình theo kịp thời đại. Ngoài ra, CBA đã ký kết hợp tác Chương trình xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc với Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Chương trình này sẽ triển khai khắp các tỉnh ÐBSCL, bởi hiện nay, các thị trường đều yêu cầu sản phẩm ngoài chất lượng đảm bảo thì còn phải truy xuất được nguồn gốc. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ DN kết nối với thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại và tìm khách hàng mới. Chương trình này nhằm giúp DN tận dụng những lợi thế mà các FTA mang lại, đặc biệt với EVFTA ký kết với EU, một thị trường rộng lớn trên 600 triệu dân.

Một hoạt động thuộc thế mạnh của CBA vẫn tiếp tục thực hiện, đó là nâng cao kiến thức và kỹ năng kinh doanh cho DN thông qua đào tạo, tập huấn và hội thảo. Trong năm 2020, CBA đã tổ chức 22 khóa đào tạo và tập huấn cho 914 lượt học viên DN. Hoạt động này thực sự cần thiết khi nền kinh tế thay đổi, thị trường thay đổi. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, DN luôn cần những hiểu biết về tình hình mới để có thể quyết định đường đi của mình cho phù hợp và thành công.

CBA hiện có 250 hội viên, thời gian qua, CBA luôn chủ động hợp tác với các sở, ngành TP Cần Thơ để triển khai các chương trình đào tạo cho DN bằng nguồn kinh phí của thành phố và Trung ương. Thời gian qua, các sở của thành phố đã kết nối và chuyển kinh phí cho CBA để CBA có thể đào tạo, hỗ trợ các sở thực hiện hoạt động đào tạo kỹ năng, năng lực quản lý cho DN trên địa bàn thành phố. Năm 2021, CBA mong muốn mối quan hệ hợp tác này tiếp tục duy trì. CBA cũng tiếp tục hợp tác với Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa phía Nam để mở các lớp đào tạo cho DN TP Cần Thơ.

* Ðể hoạt động hỗ trợ đi vào thực chất và có thể triển khai trong điều kiện hiện nay, CBA có đề xuất cụ thể nào đối với các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo TP Cần Thơ?

- Năm 2021, CBA đề xuất với UBND TP Cần Thơ chỉ đạo thành lập cửa hàng, hoặc trung tâm trưng bày đặc sản của Cần Thơ và cả của vùng ÐBSCL. Ý tưởng về cửa hàng trưng bày đặc sản của Cần Thơ đã có từ lâu rồi, nhưng chưa thực hiện được. Trong thời gian DN khó khăn, thì yêu cầu cao nhất của DN là bán được hàng để có doanh thu và duy trì được công việc kinh doanh. Muốn bán được hàng trong điều kiện đi lại khó khăn thì chỉ có tập trung tại một chỗ để giới thiệu sản phẩm là hiệu quả nhất. Việc tập trung này cần có sự hỗ trợ của Nhà nước (mặt bằng, các kênh thông tin…) để DN giới thiệu sản phẩm online và offline. Ðặc biệt hiện nay hầu hết các DN đều chú trọng đến ứng dụng công nghệ thông tin cho quảng bá sản phẩm, việc quảng bá trực tuyến sẽ giúp sản phẩm của DN đưa sản phẩm đến nhanh chóng với người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn ra thế giới.

DN tham gia lớp đào tạo của CBA. 

DN tham gia lớp đào tạo của CBA. 

Ngoài ra, nếu có Trung tâm trưng bày đặc sản sẽ giúp cho DN mới khởi nghiệp rất nhiều. Vì những DN khởi nghiệp họ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tạo ra sản phẩm, chứ chưa nói đến chuyện thương mại sản phẩm, do tiềm lực họ không đủ cho các cuộc quảng bá lớn. DN nhỏ và vừa TP Cần Thơ thiếu nhiều thông tin về các FTA đã ký kết để tận dụng những lợi thế mà các FTA này đem lại. Vì vậy, cần có những buổi trao đổi với các chuyên gia theo từng ngành hàng để cung cấp thông tin bổ ích và sử dụng được. Trên hết, vẫn là cơ chế chính sách và một nền hành chính thật sự cởi mở làm nền tảng tốt cho cây DN lớn lên và phát triển nhiều hoa trái ngọt. Chính sách một cửa cần đi kèm với thông tin nhanh, rõ, đủ để DN đỡ tốn thời gian. Ðồng thời những chủ trương do Nhà nước ban hành, cần được nhanh chóng phổ biến, áp dụng ngay khi có hiệu lực để phát huy tác dụng.

* Cảm ơn bà!

GIA BẢO (thực hiện)

Chia sẻ bài viết