12/03/2020 - 06:22

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ

Đổi mới phương pháp dạy và học 

Bởi diễn biến của dịch COVID-19, việc thay đổi hoạt động dạy - học để vừa đảm bảo chương trình, vừa bảo vệ sự an toàn cho học sinh, sinh viên, là cách mà thầy và trò Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đang thực hiện.

Thạc sĩ Châu Trùng Dương giảng dạy qua hình thức trực tuyến.

“Bài học có chỗ nào chưa rõ, tôi sẽ giảng lại lần nữa”, Thạc sĩ Châu Trùng Dương, giảng viên Khoa Nông nghiệp - Sinh học ứng dụng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, thường lặp lại câu nói này trong tiết học online. Nguyễn Thị Ánh Thắm, sinh viên ngành Bảo vệ thực vật (quê huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: “Học online vẫn đảm bảo tương tác giữa giảng viên và học viên, lại tránh việc đi lại không cần thiết, đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng”. Trần Công Luận (bạn cùng lớp với Thắm), tiếp lời: “Học trực tuyến được 2 lần, tôi thấy việc trao đổi, thảo luận dễ dàng và hiểu bài”.  Thắm và Luận cho biết thêm, trước đó, thầy có gửi tài liệu qua zalo, facebook để đọc trước, khi vào tiết học dễ tiếp thu hơn.

Theo Thạc sĩ Châu Trùng Dương, qua một tuần thực hiện dạy trực tuyến 3 lớp, lúc đầu có hơn 50% sinh viên tham gia, nay đến trên 90%. Những sinh viên không dự được lớp học do không có hoặc mạng internet không ổn định. Trường hợp những sinh viên không học, giảng viên sẽ gửi tài liệu học hoặc dành buổi khác ôn lại. “Muốn tiết học đạt hiệu quả hơn, cần chuẩn bị camera, micro rời, đường truyền mạnh”, thầy Dương chia sẻ. 10 năm công tác, thầy Dương phụ trách giảng dạy 2 môn Hóa bảo vệ thực vật và Côn trùng chuyên khoa.

Để ứng phó dịch COVID-19, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ đã tổ chức phương án giảng dạy và học tập không tập trung từ ngày 2-3 đến ngày 15-3. Khoa Nông nghiệp - Sinh học ứng dụng là một trong những khoa thực hiện khá hiệu quả phương án này. Theo Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyên, Trưởng Khoa Nông nghiệp - Sinh học ứng dụng, dạy học online nhưng tất cả kế hoạch, chương trình, thời khóa biểu giống như lớp học bình thường. Tùy mỗi giảng viên sẽ chọn cách dạy phù hợp, qua email, facebook, zalo hay ứng dụng các phần mềm khác để sinh viên hiểu bài. “Với những học phần thực hành thực tập, khó thực hiện online, sau khi sinh viên trở về trường, khoa sẽ tổ chức cho các em thực tập để đảm chất lượng đào tạo”, thầy Quyên nói.

Sau một tuần giảng dạy và học tập không tập trung, các giảng viên thực hiện được 222/293 học phần thông qua các phương thức học từ xa. Cán bộ trường thực hiện bài giảng 100% các học phần lý thuyết… Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để tăng cường các biện pháp an toàn, đồng thời đảm bảo tiến độ chương trình, trường đã triển khai thực hiện linh động các phương pháp dạy và học. Đa phần giảng viên, sinh viên đều thực hiện kịp thời, nhiều hình thức phong phú, đạt hiệu quả tích cực”. Hiện trường có 166 giảng viên cơ hữu và 36 giảng viên mời giảng. Giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 90%, 100% giảng viên đạt chuẩn, nhất là về ngoại ngữ và tin học, tạo thuận lợi để khai thác các ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy không tập trung.

Do tuần đầu triển khai khó tránh một số hạn chế: Học sinh, sinh viên gặp khó khăn do thiếu thiết bị hỗ trợ (máy tính, các thiết bị đa phương tiện khác), nhận bài học và làm bài tập không kịp thời, phải chịu chi phí cao khi sử dụng 3G, 4G để tải tài liệu có dung lượng lớn. Một số học sinh, sinh viên chưa kịp thích ứng, cần phải có thời gian để làm quen và tiếp cận với cách học từ xa này. Một số học phần mang tính đặc thù khó áp dụng… Những hạn chế này sẽ được lãnh đạo trường tìm phương án khắc phục; đồng thời tổ chức giảng dạy bổ sung khi học sinh, sinh viên học tập trung trở lại.

Năm học 2019-2020, trường có quy mô hơn 5.200 học sinh, sinh viên. Do đó, lãnh đạo nhà trường rất quan tâm việc thực hiện các giải pháp phòng tránh dịch bệnh, như: phun thuốc Cloramin B tẩy trùng  tại trường; kiểm tra thân nhiệt cho cán bộ, công nhân viên chức định kỳ; thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh… Đồng thời, trường còn chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ để phòng chống dịch bệnh, nhằm chuẩn bị đón học sinh, sinh viên trở lại học.

Bài, ảnh: NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết