31/07/2016 - 17:03

ĐỔI MỚI MẠNH MẼ, ĐỒNG BỘ NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 TRẦN VIỆT TRƯỜNG
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy

Cách nay 86 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền - tiền thân của Ban Tuyên giáo - coi đó là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lê nin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân Ngày Quốc tế đỏ 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền xuất bản tài liệu "Ngày Quốc tế đỏ 1-8", kêu gọi chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Tài liệu này đã có tác động rộng rãi bởi ngay sau đó, hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân chống chiến tranh đế quốc đã nổ ra trên khắp cả nước. Tập tài liệu Ngày Quốc tế đỏ 1-8 chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Trung ương về việc hình thành cơ quan tuyên truyền, cổ động, giáo dục đầu tiên của Đảng. Trên cơ sở những tài liệu và sự kiện lịch sử đặc biệt có ý nghĩa này, ngày 1-8-2000, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định chọn ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

86 năm qua, lịch sử xây dựng và phát triển của Ngành Tuyên giáo luôn gắn chặt với lịch sử cách mạng và dân tộc. Công tác tư tưởng lý luận luôn được khẳng định có vai trò quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Cùng với cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác tuyên giáo của Đảng bộ thành phố Cần Thơ luôn đi đầu cổ vũ, động viên, hiệu triệu các tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần không nhỏ tạo nên những chiến công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu to lớn trên của ngành Tuyên giáo Cần Thơ đã giữ vững ổn định chính trị, thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động, xây dựng ý chí, quyết tâm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn thành phố; đẩy lùi được các tệ nạn xã hội, những hạn chế, tiêu cực nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng bộ và trong nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành phố vững mạnh.

Cùng với công tác tư tưởng, trong những năm gần đây, thành phố Cần Thơ rất chăm lo đào tạo, rèn luyện, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác này. Thành phố đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng tổ chức bộ máy Tuyên giáo, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Từ năm 1994, Ban Tuyên giáo Cần Thơ đã chỉ đạo việc hình thành Ban Tuyên giáo cơ sở theo mô hình Ban Tuyên giáo hợp ghép, mỗi Ban Tuyên giáo cơ sở có số lượng từ 5 đến 7 đồng chí, có những đơn vị có từ 10 đến 14 đồng chí. Theo mô hình này, cấp ủy lựa chọn các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở phụ trách và các ngành liên quan trong khối tư tưởng - văn hóa, có năng lực, nhiệt tình tham gia hoạt động trong Ban Tuyên giáo hợp ghép. Toàn thành phố có 85/85 xã, phường, thị trấn phân công đồng chí cấp ủy chuyên trách, chỉ một vài xã đồng chí Đảng ủy viên, Bí thư kiêm nhiệm nhưng cũng có cán bộ chuyên trách công tác Tuyên giáo. Nhìn lại chặng đường cách mạng đã qua với biết bao khó khăn và thử thách, có thể khẳng định các thế hệ những người làm công tác tuyên giáo Cần Thơ vẫn luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận Tư tưởng - Văn hóa của Đảng, đấu tranh không mệt mỏi vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tuy nhiên, công tác tuyên giáo thành phố cũng còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục, như đánh giá trong Báo cáo công tác tuyên giáo năm 2015 của Ban Tuyên giáo Thành ủy: Chất lượng triển khai Nghị quyết của Đảng ở một số địa phương còn hạn chế (về chất lượng báo cáo viên và ý thức học tập của cán bộ, đảng viên). Việc thực hiện nội dung chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ chưa thật sự đổi mới và đồng bộ; lực lượng làm công tác tuyên truyền chưa được bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên. Việc đổi mới các hình thức tuyên truyền chưa được đẩy mạnh. Công tác dự báo và nắm bắt diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, nhất là những vấn đề bức xúc trong đời sống và dư luận xã hội có lúc chưa kịp thời. Công tác tham mưu, đề xuất hướng xử lý các vụ việc báo chí nêu có liên quan đến địa phương, đơn vị đôi lúc còn chậm...

 Công tác triển khai các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng luôn được các cấp ủy Đảng chú trọng đổi mới, nâng chất. Trong ảnh: Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho cán bộ nghỉ hưu thuộc diện Thành ủy quản lý. Ảnh: ANH DŨNG

Cùng với những băn khoăn làm cách nào để khắc phục ngay những hạn chế trên, chúng ta còn phải đối mặt với những thách thức của công tác tư tưởng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Bởi như Trung ương đã nhận định: "Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đất nước, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ lớn xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi sự thống nhất và quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là những yêu cầu khách quan, cấp bách đặt ra đối với công tác tuyên giáo".

Để đáp ứng yêu cầu hết sức nặng nề đó, việc đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung và phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo thành phố trong giai đoạn hiện nay là tất yếu, cần thiết. Cụ thể:

Thứ nhất, đổi mới công tác tuyên giáo gắn với tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên đối với công tác chính trị, tư tưởng.

Công tác tư tưởng là bộ phận quan trọng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, phải nêu cao trách nhiệm, chủ động, tích cực trong công tác chính trị, tư tưởng. Hơn thế nữa, ngoài trách nhiệm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp cần tự giác rèn luyện tu dưỡng về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống để thực sự là tấm gương sáng cho quần chúng nhân dân noi theo - đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả công tác tư tưởng, chính trị.

Thứ hai, đổi mới công tác triển khai, tuyên truyền các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền miệng.

Xác định vị trí, vai trò của tuyên truyền miệng trong công tác triển khai, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thời gian tới thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền miệng, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên khi triển khai, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trình chiếu powerpoint khi thuyết trình giúp cho bài nói của các báo cáo viên, tuyên truyền viên trở nên sinh động, thu hút sự chú ý của người nghe, từ đó hiệu quả tuyên truyền được nâng cao.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện nghiêm túc phương châm công tác tuyên giáo hướng mạnh về cơ sở.

Cơ sở là nơi các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi trực tiếp vào đời sống của nhân dân, cho nên công tác tuyên giáo cần hướng về cơ sở. Thực tiễn cho thấy, mọi vấn đề bức xúc của xã hội đều phát sinh từ cơ sở. Để giải quyết cái "gốc" của vấn đề cũng phải từ cơ sở. Chính vì thế, công tác Tuyên giáo cần hướng mạnh về cơ sở, tăng cường quan hệ công tác, thông tin hai chiều giữa cơ quan tuyên giáo cấp trên với tuyên giáo cơ sở để nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh, những tư tưởng, tâm trạng xã hội bức xúc, góp phần đảm bảo an ninh tư tưởng và làm tốt an sinh xã hội. Có như vậy, hoạt động của công tác tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống, tính thực tiễn và có tính thuyết phục cao với nhân dân.

Thứ tư, đổi mới, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ tuyên giáo, nhất là bộ máy tuyên giáo ở cơ sở.

Hiện nay, về biên chế, số lượng cán bộ của Ban Tuyên giáo cấp quận, huyện còn ít (từ 3 - 4 người). Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở tuy đông (do hợp - ghép) song không ổn định, thường thay đổi theo nhiệm kỳ. Vì vậy, ở một số nơi vừa mỏng về nhân lực, vừa yếu về kinh nghiệm. Do vậy, thời gian tới, thành phố cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, có tính ổn định tương đối, bộ máy tinh gọn để nâng cao hiệu quả công việc.

Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, để nâng cao hiệu quả công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu đặt ra đòi hỏi người cán bộ tuyên giáo cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức và cái tâm trong sáng, trình độ chuyên môn cao. Trong đó, khả năng nói và viết luôn phải song hành và đi đầu là năng lực nắm bắt và phân tích, dự báo thực tiễn phải nhạy bén, chính xác để tham mưu trong lĩnh vực tư tưởng. Còn một yếu tố quan trọng đòi hỏi ở người cán bộ tuyên giáo tiên phong là "dám": dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Tất cả những yêu cầu này không thể coi nhẹ mặt nào, bởi đó là thước đo đánh giá một người cán bộ tuyên giáo giỏi.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta chỉ rõ: "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng, phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội". Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị tư tưởng ngày càng "nóng bỏng" hơn bao giờ hết, thì vấn đề đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo là một tất yếu khách quan mà thực tiễn đòi hỏi. Để công tác tư tưởng đạt hiệu quả tốt nhất, bên cạnh sự tích cực, chủ động của Ban Tuyên giáo các cấp, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Ban tham mưu của Đảng như Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra, Ban Dân vận,... dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng. Qua đó, tạo sự ổn định về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Chia sẻ bài viết