11/03/2009 - 08:21

Đồng chí Nguyễn Văn Chi:

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát để chủ động phòng ngừa vi phạm, phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến

Ngày 10-3, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đến thăm và làm việc với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.

Đồng chí Võ Đức Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối và các đồng chí Phó Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2008, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình kiểm tra giám sát năm 2009.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Chi biểu dương những kết quả Đảng bộ Khối đã đạt được năm 2008, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành nhiệm vụ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; khẳng định vị trí nòng cốt của các tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2009, trước tình hình kinh tế thế giới suy giảm, kinh tế trong nước sẽ còn khó khăn, thách thức, Đảng bộ khối chú trọng chỉ đạo các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tìm cơ hội mới trong đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần chống suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục phát triển bền vững. Để thực hiện nhiệm vụ này, Đảng bộ Khối cần kiện toàn bộ máy; xây dựng và ban hành các quy định, quy chế, quy trình lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Đảng ủy Khối cần nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty ở tầm vĩ mô như: chiến lược phát triển của các tập đoàn, các ngành được Chính phủ phê duyệt; các dự án công trình trọng điểm quốc gia, tương xứng với vị trí then chốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ủy khối lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện có hiệu quả sản xuất kinh doanh, đúng ngành nghề mũi nhọn được xác định, xứng đáng giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; không đầu tư dàn trải và không đúng ngành nghề, dẫn đến kém hiệu quả. Thông qua hoạt động, Đảng ủy khối đề xuất với cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, có thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời đề xuất cơ chế để Nhà nước nắm và kiểm soát được vốn, tài sản trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đảng ủy khối tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của người lao động. Các tổ chức Đảng trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty tập trung xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch vững, đoàn kết, thống nhất; thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập.

Đồng chí Nguyễn Văn Chi chỉ rõ: Thực tế cho thấy, với các tập đoàn, tổng công ty, khi đã có vụ việc tiêu cực xảy ra sẽ gây hậu quả: mất cán bộ, mất tiền của Nhà nước, mất lòng tin, mất uy tín. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tiêu cực từ công tác xây dựng đảng chưa tốt, do cục bộ, bè phái, mất đoàn kết, mất dân chủ... Nếu làm tốt công tác giám sát sẽ không để xảy ra tiêu cực. Đồng chí đề nghị Đảng bộ khối cần đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát, giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, “giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ” để chủ động phòng ngừa vi phạm. Cần xây dựng chương trình kiểm tra, phát hiện điển hình tiên tiến để biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình. Các cấp ủy Đảng trong khối phải tăng cường công tác giám sát cán bộ, đảng viên, từ nhắc nhở, lưu ý, cảnh báo đến kiểm tra dấu hiệu vi phạm để hạn chế vi phạm, kỷ luật Đảng.

HƯƠNG THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết