Tết xưa, cùng với bánh trái, câu đối, cây nêu luôn được mọi người trang hoàng cung kính, dựng ngay trước nhà với ý nguyện cầu mong mọi điều may mắn, tốt lành trong năm mới.
Dù bây giờ, tục dựng nêu ăn Tết đã không còn phổ biến nhưng bên tách trà cuối năm, xin “ôn cố tri tân” tìm phong vị Tết xưa.
Vì sao phải dựng nêu ăn Tết?
Truyện cổ tích “Sự tích cây nêu ngày Tết” lý giải mỹ tục này. Theo cuốn “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, chuyện kể rằng: Ngày xưa, người và quỷ cùng sống trên mặt đất. Quỷ cậy mạnh chiếm đoạt toàn bộ đất đai và bắt người đi làm thuê, nộp phần lớn nông sản thu hoạch cho quỷ. Để tìm cách vắt kiệt công sức của người, quỷ ra quy định “ăn ngọn cho gốc”. Người cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, người được hưởng củ khoai, còn quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai.
Dựng nêu ăn Tết.
Tức giận, mùa sau, quỷ lại quy định “ăn gốc cho ngọn”. Phật dạy người chuyển sang trồng lúa. Quỷ lại chỉ được hưởng rơm rạ. Mùa sau nữa, quỷ quy định “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Thế là người trồng bắp theo chỉ dẫn của Đức Phật. Cuối cùng quỷ nhất định bắt người phải trả lại tất cả ruộng đất. Người thỏa thuận với quỷ xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa che phủ toàn bộ đất đai khiến quỷ mất đất phải tháo chạy.
Không cam tâm, sau đó quỷ quay lại cướp đất nhưng con người đã dùng lá dứa, tỏi, vôi bột... và quỷ lại chịu thua. Trước khi rút lui, quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền và Phật đồng ý. Do đó, hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để quỷ không tìm tới đến chỗ người cư ngụ. Cây nêu ngày Tết ra đời từ đó.
Theo tập tục dân gian, cây nêu được dựng vào ngày 30 tháng Chạp. Ngày ấy gọi là ngày “Thượng nêu”. Đến mồng Bảy Tết, người ta hạ cây nêu xuống, cũng có nghĩa là kết thúc những ngày Tết, gọi là “Hạ nêu”. Về những vật dụng được dùng để treo nêu, tùy theo mỗi địa phương vùng miền, có quan niệm khác nhau. Với một bộ phận lớn người dân Nam bộ, cây nêu là cây tre (hoặc trúc) dài. Trên ngọn tre, người ta treo lá phướn, khánh đất (đối với đình chùa) lá dứa (khóm), bình rượu... Nhưng dễ thấy nhất là giấy hồng đơn viết chữ trừ tà cùng với đôi trái cau, vài lá trầu có quết vôi:
“Cành đa lá dứa treo kiêu
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào thì quỷ lại ra
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm”
Trong sách “Gia Định Thành Thông Chí” - tài liệu cổ xưa viết về vùng đất Nam bộ, tác giả Trịnh Hoài Đức, ghi lại: “Bữa trừ tịch (đêm Giao thừa) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “Thượng nêu”... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”. Còn trong cuốn “Việt Nam phong tục” của học giả Phan Kế Bính, viết hồi năm 1915, thuật lại: “Lại có nhiều nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ cái cung, cái nỏ... cũng là có ý trừ quỷ, kẻo sợ năm mới quỷ vào quấy nhà mình”.
Vậy mới hay, cây nêu từ bao đời luôn là biểu tượng của ngày Tết:
“Cu kêu ba tiếng cu kêu
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè”
Chẳng vậy, ngày xưa, cây nêu còn là biểu tượng cho sự uy quyền, gia thế, cùng với tiếng pháo nổ. Tết về, nhà nào có “thực lực” nhất thì treo cây nêu cao nhất: “Thứ nhất nêu cao. Thứ nhì pháo kêu”.
Ngày nay, cây nêu được “cải biên” thành bùa nêu Ông Cọp nhỏ gọn treo trước cửa nhà.
Ngày nay, tuy tục dựng nêu đã ít dần nhưng tục lệ này được cải biên thành một túi nhỏ đựng giấy vàng bạc, trầu – cau – vôi treo trước cửa chính căn nhà. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, đó là hình thái kết hợp giữa bùa nêu và bùa Ông Cọp, gọi là bùa nêu Ông Cọp. Cụ thể, bùa nêu Ông Cọp là một bản in mộc bản mực tàu trên giấy hồng đơn, nội dung gồm bùa nêu và bùa Ông Cọp trấn trạch.
Chuyện ở đình Bình Thủy - Cần Thơ
Ông Phạm Văn Quế, Trưởng Ban Trị sự đình Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), thông tin với chúng tôi rằng, từ bao đời qua, đình Bình Thủy vẫn giữ được cổ lệ dựng nêu ngày Tết vào 30 Tết và hạ nêu vào mùng 7 Tết, gọi là Khai sơn. Tập tục này hiện vẫn được thực hiện bài bản, đúng như trao truyền từ xưa.
Hồi năm 1973, cụ Nguyễn Tứ Di, một bậc bô lão uy tín ở làng Long Tuyền, có viết quyển “Đình Thần Long Tuyền”, in bản roneo. Trong tài liệu này, cụ Nguyễn Tứ Di có thuật lại chuyện dựng nêu ở đình Bình Thủy. Theo đó, chiều 30 Tết, hoặc chiều 29 nếu là tháng thiếu, Hương chức hội tề tân và cựu, ban tế tự đình sắm lễ vật gồm: rượu, trà, nhang đèn, bánh mứt… Cây nêu là cây tre róc nhánh chừa trên đọt chừng một thước. Giấy hồng đơn được cắt hình chữ nhật, vẽ một hình bát quái; ba lá trầu têm vôi, cuốn tròn lại; ba trái cau tầm vung (nghĩa là cau già- NV), ba tờ giấy vàng bạc - 4 món này xỏ xâu lại treo trên ngọn tre.
Sau khi chuẩn bị lễ vật xong, Chánh bái, Bồi bái, Đông hiến, Tây hiến, mặc khăn đen áo rộng. Hương chức thì khăn đen áo dài. Dọn đồ lên cúng bàn thờ các nơi trong đình, nhang đèn đốt lên tỏ rõ. Sau đó, Chánh bái, Bồi bái, Đông hiến, Tây hiến, mỗi ông đốt 3 cây nhang quỳ trước chánh điện Thần mà khấn vái: “Chúng tôi năm mới thay mặt cho tất cả hương thôn, cung kính Đức Bổn Cảnh Thành Hoàng về chứng minh. Xuân… (thay, ứng với từng năm) phò hộ cho hương thôn được phước thới dân an”. Khấn nguyện xong, mỗi người lạy 4 lạy. Sau nữa, Hương chức vào quỳ, cũng lạy 4 lạy.
Xong nghi thức thỉnh Thần, Hương chức đem cây nêu đào lỗ trồng trước cửa đình. Trồng xong rồi thì bày dưới gốc nêu một bàn trà, bánh mứt, nhang đèn. Một Hương chức đứng vái chư thần chứng minh cho chuyện dựng nêu ăn Tết.
Cụ Nguyễn Tứ Di còn thuật lại chuyện cúng Sơn Quân (Thần Hổ) ở đình Bình Thủy. Theo cụ, đời xưa, cấm chuyện phá rừng hay làm ruộng trong 7 ngày Tết : “Tục lệ cấm nhặt, không ai được phép đốn một nhánh cây để cho yên tịnh rừng núi. Người xưa tin rằng trong 7 ngày Tết, Thần Bạch Hổ bảo hộ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho heo nai phá hoại mùa màng”. Và, tục lệ xưa ở làng cổ Long Tuyền, người làm Xã trưởng làm một năm thì nghỉ việc. Vậy nên ngày mùng 7 Khai sơn, Hạ nêu, ông Xã trưởng mới lên thay cúng ra mắt ông Thần Hổ gồm 1 con heo và ít xôi bánh, rượu trà. Ông Xã trưởng thôi làm cũng cúng tạ lễ y hệt như vậy, cũng vào bữa Khai sơn.
***
Chuyện xưa tích cũ, cây nêu ra đời với ý nghĩa xua trừ điều không may, cung nghinh những thịnh vượng, tốt đẹp. Xưa rồi đến nay, cây nêu đã trở thành một biểu tượng văn hóa ngày Tết, là sự nối kết, hài hòa thiên nhiên, vũ trụ.
bài, ảnh: Duy Khôi