27/03/2024 - 15:23

Đọc sách thời công nghệ số 

Với sự phát triển của công nghệ số, ngoài sách truyền thống, người đọc hiện nay có nhiều cách khác nhau để tiếp cận “chân trời tri thức”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024. Những thông điệp mà Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay hướng đến như “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, đặc biệt nhất là thông điệp: “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”. Ðiều này cho thấy sự đa dạng trong việc tiếp cận sách của người đọc hiện nay.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề ra nhiều giải pháp phát triển văn hóa đọc như tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách; tổ chức không gian giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành; ký tặng sách, quyên góp, ủng hộ và trao tặng sách, hoạt động đổi sách cũ - lấy sách mới; hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin... Ðặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh việc tổ chức các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi kiến thức về xu hướng đọc, chia sẻ các thông tin về cách sử dụng công nghệ và nền tảng số… Ðồng thời, quan tâm tổ chức các câu lạc bộ đọc sách trực tuyến, xây dựng các nhóm đọc sách trực tuyến để thảo luận về tác phẩm thông qua các nền tảng Zoom, Skype, Google Meet…

Sách nói là lựa chọn của nhiều người trẻ hiện nay.

Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy phần nào việc quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Công nghệ số phát triển đã hình thành nên nhiều hình thức đọc mới như sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và đặc biệt là sách điện tử (e-book). Trong đó, dịch vụ sách nói đang được sử dụng rất nhiều, với nhiều nền tảng sách nói nổi tiếng. Người dùng chỉ cần tạo tài khoản, trả phí với số tiền rẻ hơn rất nhiều so với sách giấy truyền thống, là có thể nghe sách ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào, khi rảnh.

Với sách điện tử (e-book), đây là loại hình không mới và ngày càng trở nên thông dụng vì tính tiện ích, kinh tế. Nhiều quyển sách hay hiện nay đã được số hóa trên các nền tảng mạng xã hội, thậm chí đọc không mất phí. Ðọc loại sách này, độc giả có thể dễ dàng tìm từ khóa, phục vụ công tác tra cứu, nghiên cứu tài liệu. Nắm bắt xu hướng này, các thư viện, trong đó có hệ thống thư viện công cộng TP Cần Thơ đang ứng dụng, khai thác rất tốt e-book, phục vụ trên hệ thống thư viện điện tử.

Ngoài ưu thế nhanh, tiện lợi và kinh tế, việc đọc sách trên môi trường internet còn thể hiện rõ tính ưu việt ở khả năng tương tác. Ðộc giả không chỉ đơn thuần tiếp cận tri thức qua sách mà còn có thể trao đổi thông tin với tác giả, bạn bè và người đọc khác thông qua mạng xã hội. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Cũng có một số ý kiến phân vân rằng đọc sách trên mạng có đôi chút bất tiện vì mau mỏi mắt, khó theo dõi, nhất là cảm giác “không đã” bằng đọc sách giấy. Ðiều này không phải không có lý nhưng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, quỹ thời gian… người đọc sẽ chọn cho mình cách đọc phù hợp. Cầm sách đọc cũng được, đọc sách mà không cần cầm sách cũng được, miễn là những trang sách hay được tri nhận và lan tỏa.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết