Trong hệ thống đình làng Nam Bộ, ngôi đình được xem là “chính danh” khi được triều đình sắc phong. Theo đó, mỗi đình, miếu thường chỉ phụng thờ một sắc phong duy nhất, những trường hợp ngoại lệ cũng chỉ lên đến 2 - 3 sắc đã là nhiều. Việc Công Thần Miếu, ở phường 5, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, đang tập trung thờ phụng 85 sắc thần là một trường hợp hy hữu và có giá trị về lịch sử, văn hóa.
Miếu Công Thần có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt trong lòng người dân Vĩnh Long.
“Độc nhất vô nhị” ở miền Tây
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, ngôi miếu này được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 (1837). Thịnh vượng được 30 năm, đến năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh Tây Nam Bộ và ra sức triệt phá các đình làng, công trình văn hóa của triều Nguyễn. Theo đó, miếu cũng bị tháo dỡ đem gỗ về xây dựng Tòa Bố Vĩnh Long (nơi làm việc của quan Tham biện - PV). May thay, 85 đạo sắc và phần lớn đồ tự khí của miếu vẫn được người dân gìn giữ và thờ tạm tại đình Thiềng Đức.
Năm 1915, hưởng ứng phong trào chấn hưng văn hóa, nhiều thân hào, nhân sĩ đã xin tái lập miếu. Ngày 27-4-1918, Thống đốc Nam Kỳ ký quyết định cho phép tái lập miếu Hội Đồng Vĩnh Long. Để tránh sự dòm ngó của chính quyền thực dân, người dân đã đổi tên thành Công thần miếu. Như vậy, tính đến nay, ngôi miếu này đã trên trăm tuổi.
Công Thần Miếu là ngôi miếu thờ có giá trị rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Vĩnh Long. Miếu có bốn gian: chính tẩm, võ quy, võ ca và nhà khách đều được xây dựng bằng gỗ quý. Chính tẩm là ngôi nhà tứ trụ, nối với võ quy và phần kiến trúc ngoài cùng là võ ca, nơi có sân khấu diễn xướng khi tổ chức lễ hội. Giữa chính tẩm có bàn thờ Hội đồng, thờ chung các vị thần linh. Sát vách hậu là bàn thờ chính đặt khánh thờ thần chạm trổ, sơn son thếp vàng. Hệ thống cột, kèo, xiên… đều bằng gỗ căm xe và các loại gỗ quý khác. Ngôi miếu có tường gạch bao quanh, nền lót gạch, mái lợp ngói âm dương. Bên trong có rất nhiều hoành phi, câu đối từ các địa phương gần xa tiến cúng.
Nơi đây thờ phụng 85 sắc phong của nhà Nguyễn cấp dưới thời vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong 34 thần hiệu cho các vị Nhiên thần và Nhân thần theo tín ngưỡng của người dân địa phương. Cụ thể, các Nhiên thần gồm những biểu tượng văn hoá, những biểu tượng khí thiêng sông núi. Các Nhân thần là những danh nhân sinh tiền có công với dân tộc, có công với địa phương. Câu đối bằng chữ Hán ở miếu đã nói lên ý nghĩa đó:
“Phù Lê - Nguyễn bát thập ngũ nguyên huân, tráng khí tượng châu thiên dĩ Bắc;
Bình Chiêm - Lạp bách thiên dư chiến trận, danh phiêu lân các hải nhi Nam”.
(Tạm dịch: Phò Lê - Nguyễn 85 vị công thần, tráng khí oai hùng vang trời Bắc;
Bình Chiêm - Lạp hơn trăm ngàn chiến trận, danh thơm lừng lẫy khắp biển Nam”
Theo nội dung các sắc phong, 34 vị Thần được phong tặng, gia tặng theo Chiếu lễ Đàm ân nhân Ngũ tuần đại kháng tiết của vua Minh Mạng (Đại lễ mừng thọ 50 tuổi của vua Minh Mạng năm 1840 - PV). Nhưng đến năm Thiệu Trị thứ ba (1843), vua Thiệu Trị thay lời cha ban cấp sắc phong cho Miếu Hội Đồng Vĩnh Long và sau đó lại tiếp tục gia phong. Tuy nhiên, năm 1843 toàn bộ sắc phong bị tiêu hủy. Ngày 10-12-1848, theo đề nghị của tỉnh Vĩnh Long, vua Thiệu Trị cấp cho Miếu Hội Đồng Vĩnh Long 34 đạo sắc và gia phong 34 đạo sắc. Đến năm 1850, vua Tự Đức gia tặng Miếu Hội Đồng Vĩnh Long 17 đạo sắc.
Lan tỏa thành điểm du lịch hấp dẫn
Ông Từ, trông coi và lo nhang khói trong miếu Công Thần, cho biết hiện nay toàn bộ các sắc phong đều được giữ gìn cẩn thận. Để đề phòng mất mát, cơ quan chức năng đã cho gắn camera giám sát 24/24 giờ. “Tỉnh còn cho người đến chụp ảnh “số hóa” toàn bộ 85 lá sắc, sao chép nhiều bản để lưu giữ, phòng bất trắc. Các đạo sắc được chụp lại, thu nhỏ trong 2 quyển album, đặt trên 2 cái giá, một bên là nhiên thần, một bên là nhân thần, đồng thời phóng to 10 đạo sắc tiêu biểu, đẹp và nguyên vẹn để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu” - vừa nói ông Từ vừa chỉ tay về các giá sắc đang được trưng bày.
Theo ông Từ, hằng năm, miếu Công Thần có các ngày lễ hội lớn, đặc biệt là lễ Xuân Tế. Lễ này kéo dài 4 ngày, từ 14-17/2 (âm lịch). Đây là dịp ban quý tế miếu Công Thần thực hiện nghi thức thỉnh và khai 85 đạo sắc bằng các nghi lễ truyền thống rất trang trọng. Với những giá trị đó, ngày 31-8-1998, miếu được xếp hạng là Di tích Văn hóa cấp quốc gia.
Để giá trị đặc biệt của di tích được lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa đến mọi người, năm 2018, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Công Thần miếu và Hội thảo khoa học Phát huy giá trị 100 năm di tích Công Thần miếu (1918 - 2018). Tại đây, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến giới trẻ, đặc biệt là giáo viên và học sinh những giá trị văn hóa quý báu của địa phương.
Theo các nhà nghiên cứu, Công Thần miếu là địa điểm có giá trị lịch sử rất lớn, “có một không hai” ở miền Tây vì có đến 85 sắc phong thần được lưu giữ chỉ ở một nơi. Theo lãnh đạo ngành du lịch, tỉnh đã và đang xây dựng Công Thần miếu thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bằng các chương trình ấn tượng như các trích đoạn hát bội, ca cổ cải lương…
Theo lời tương truyền, đây không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là vị trí chiến lược quân sự đặc biệt. Các quan chức nhà Nguyễn cho đào hào dựng lũy, lập đồn canh và bố trí nhiều khẩu đại bác ở đây. Những khẩu đại bác sau này đã bị Pháp phá hủy.
Hiện nay trong sân miếu còn một ban thờ hai viên đạn đặt trên một mảnh vỡ của khẩu đại bác có từ thời Nguyễn. Theo các bậc cao niên ở địa phương, mảnh vỡ khẩu đại bác và hai viên đạn sắt được dân chài lưới vớt ở dưới lòng sông Cổ Chiên và đem vào miếu thờ cúng.
Bài, ảnh: ĐÌNH PHONG