20/02/2020 - 15:25

Độc đáo bánh mì thanh long của thợ làm bánh Cần Thơ 

Mấy ngày nay, sản phẩm bánh mì thanh long do một thợ làm bánh nổi tiếng sáng chế đang gây sốt khắp cả nước. Ở Cần Thơ, một anh thợ làm bánh miệt vườn cũng tài hoa không kém khi làm được cả bánh mì, sandwich và bánh bông lan, đều từ thanh long ruột đỏ.

Anh là Võ Thanh Tuấn, chủ tiệm bánh mì Đà Lạt ở đường Nguyễn Văn Linh (đoạn gần giao lộ Nguyễn Văn Linh - 3 Tháng 2). Anh Tuấn là thợ làm bánh mì và kinh doanh bánh mì suốt nhiều năm qua. Mấy ngày qua, tiệm của anh đông khách hơn rất nhiều nhờ sản phẩm bánh mì thanh long độc, lạ.

Bánh mì thanh long đẹp mắt và ngon miệng của anh thợ bánh Cần Thơ. 

Anh Tuấn cho biết: Xem trên mạng internet, anh thấy sản phẩm bánh mì thanh long của người được mệnh danh “Vua bánh mì” thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách hàng. Càng ý nghĩa hơn khi chiếc bánh mì sáng tạo này giúp “giải cứu” trái thanh long miền Tây đang bị rớt giá, dội hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vậy là anh Thanh Tuấn mài mò thử nghiệm. Mấy mẻ bánh đầu, anh Tuấn thất bại rất nhiều: có mẻ bột bị nhão, có mẻ vị bánh không ngon… Mỗi thất bại là một kinh nghiệm, anh Tuấn kiên trì với những thất bại để tích cóp thành công. Đến bây giờ, anh Tuấn đã tự tin “làm mẻ bánh nào thắng mẻ bánh đó” với các sản phẩm: bánh mì ngọt, bánh mì lạt, sandwich và bánh bông lan.

Anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm rằng, khi cho trái thanh long vào bột thì có nghĩa là đã cho vào một số lượng nước nhất định nên cần giảm lượng nước so với công thức làm bánh mì thông thường. Mặt khác, dù trái thanh long ruột đỏ khá ngọt nhưng hậu lại chua, khi làm bánh mì không khéo sẽ có vị chua, cảm giác giống như bánh mì thiu, không ngon. Bí quyết là anh gia tăng lượng đường hơn so với thông thường, dĩ nhiên là số lượng cần chính xác để bánh mì nướng không bị khét.

Do đang quá trình thử nghiệm nên mỗi ngày anh Tuấn tiêu thụ chừng 12-13kg trái thanh long ruột đỏ để có được 10kg ruột thanh long dùng làm nguyên liệu. Anh Tuấn chia sẻ tỷ lệ bột bánh và thanh long để làm nên sản phẩm là 2 bột/1 thanh long. Ví dụ như mỗi ngày anh Tuấn làm 20kg bột bánh mì thì sẽ cần 10kg thanh long đã qua sơ chế.

Số lượng các sản phẩm bánh từ thanh long anh Tuấn làm ra đều không đủ bán. Chị Nguyễn Phương Kiều Oanh, người mua bánh mì, nói: “Nghe nói tiệm có bán bánh mì thanh long nên ghé mua thử. Giá rẻ mà bánh ngon, ăn lạ miệng”. Còn khách hàng Nguyễn Văn Cương thì nói: “Hôm trước xem trên mạng thấy cảnh người ta chen chúc, giành giật để mua bánh mì thanh long. Bánh mì thanh long ở Cần Thơ ngon mà rẻ, tôi nghĩ cách làm này rất hay”.

Anh Tuấn nói rằng, vì đã có ý nghĩ “giải cứu” thanh long cho nông dân nên anh không có ý định lấy lời thêm nữa mà chỉ là cộng thêm giá trị thanh long vào sản phẩm. Mỗi ổ bánh mì lạt anh bán với giá chỉ 3.000 đồng (rẻ gấp 1/3 do với bánh mì thanh long ở TP Hồ Chí Minh), bánh mì ngọt thì 10.000 đồng/ổ; sandwich thì 20.000 đồng mỗi bịch; bánh bông lan thanh long 3.000 đồng mỗi cái. Giá thành này không chênh lệch hơn so với loại bánh mì thông thường là mấy. “Cái lợi của mình là bán đắt hàng hơn, như vậy là quá quý rồi”, suy nghĩ của anh thợ bánh người Cần Thơ thật thiệt thà và đáng yêu!

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết