09/01/2009 - 20:04

Sau hơn 6 năm thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ở TP Cần Thơ

Doanh nghiệp, nông dân vẫn ở hai “trận tuyến” !

Thời gian qua, ở TP Cần Thơ mới chỉ có hơn 10% sản lượng lúa gạo tiêu thụ qua hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Thu mua gạo nguyên liệu xuất khẩu một doanh nghiệp ở xã Mỹ Khánh, Phong Điền. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Doanh nghiệp, nông dân vẫn chưa có tiếng nói chung, chưa thật sự chia sẻ rủi ro, lợi nhuận trong các hợp đồng ký kết để tiến tới mối liên kết phát triển bền vững. Đó là vấn đề rất đáng quan tâm được các ngành hữu quan ở TP Cần Thơ đúc kết sau hơn 6 năm triển khai Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 80) về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng trên địa bàn thành phố.

LÀM NHIỀU, HIỆU QUẢ CHẲNG BAO NHIÊU

Quyết định 80 được ban hành vào ngày 24-6-2002 tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và nhà nước trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Từ đó, thúc đẩy ngành nông nghiệp ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao.

Về công tác triển khai Quyết định này trên địa bàn thành phố, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Khi Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, tỉnh Cần Thơ (cũ) đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định này và thành lập lại Ban chỉ đạo sau khi chia tách thành TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Tạo điều kiện cho việc thực hiện Quyết định 80, thời gian qua thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân”. Các việc làm cụ thể như: thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, UBND các cấp tuyên truyền, giới thiệu nhu cầu của doanh nghiệp về số lượng, loại nông sản, cách thức đầu tư của doanh nghiệp... đến người nông dân. Cung cấp thông tin về dự kiến cơ cấu giống, lịch xuống giống, tình hình sản xuất tại địa phương để các doanh nghiệp nắm bắt và chuẩn bị kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nâng cao kỹ năng sản xuất của nông dân theo hướng an toàn, hiệu quả bền vững qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Xây dựng mô hình để tổ chức lại sản xuất theo hướng nông dân liên kết theo cánh đồng: sản xuất một loại giống, xây dựng vùng lúa chất lượng cao áp dụng quy trình “3 giảm 3 tăng”; vùng sản xuất rau an toàn...”. 

Nhưng theo đánh giá của các ngành hữu quan, việc thực thi Quyết định 80 trên địa bàn thành phố  chưa mang lại hiệu quả mà còn đang có xu hướng tụt giảm. Điển hình như trên cây lúa, giai đoạn 2003-2007, toàn thành phố có khoảng 5-9,59% diện tích sản xuất và chỉ có khoảng 10,44-13,56% sản lượng lúa cả năm có hợp đồng tiêu thụ. Năm 2008, các tỷ lệ này chỉ còn 4,16% đối với diện tích và 4,8% đối với sản lượng. Các loại hàng hóa nông sản khác số lượng có hợp đồng ký kết tiêu thụ cũng không đáng kể(!)

6 NĂM TRƯỚC KHÓ, BÂY GIỜ... VẪN VẬY!

Trong các đối tượng hàng hóa nông sản được ký kết sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm “chết yểu” sớm nhất là cây bắp lai và cây mè. Theo ngành NN&PTNT thành phố, năm 2003, có gần 780 hộ trồng bắp và 160 hộ trồng mè ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với diện tích trên 700 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi sản phẩm bắp chỉ đạt 8% sản lượng đối với cây bắp. Riêng cây mè, tỷ lệ này đến 90%. Nhưng, khi thực hiện hợp đồng, giữa doanh nghiệp với nông dân không thống nhất được địa điểm thu mua, độ ẩm, độ sạch nên việc ký kết hợp đồng trong những năm tiếp theo không được thực hiện.

Đối với con cá tra, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP Cần Thơ quá trình phát triển trong nhiều năm qua gặp không ít khó khăn, thách thức. Bỏ qua yếu tố biến động của thị trường, chính sự thiếu gắn kết, hoặc gắn kết không chặt giữa người nuôi và nhà chế biến là một trong các nguyên nhân chính. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, phân tích: “Dù có ký kết hợp đồng tiêu thụ nhưng khi khan hàng, giá lên các hộ nuôi ghim hàng không bán cá cho doanh nghiệp; giá giảm, doanh nghiệp châm mua, kiểm tra chất lượng khó... Hai bên luôn trong tình trạng o ép lẫn nhau, chưa hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển. Điều này thể hiện các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ sản phẩm hoàn toàn thiếu chế tài, thiếu cơ sở thực thi pháp lý nếu một trong hai bên vi phạm hợp đồng. Đây là cũng là thực trạng chung của các loại hàng hóa nông sản trong quá trình thực hiện Quyết định 80”.

Không phải là “tác nhân” chính trong việc gắn kết cùng phát triển nhưng 6 năm trước các ngành hữu quan đã xác định: triển khai Quyết định 80 thành công hay không còn tùy thuộc vào sự gắn kết của “bốn nhà” (nhà khoa học - nhà nước -nhà doanh nghiệp - nhà nông). Tuy nhiên, đánh giá lại vai trò của từng nhà, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Mỗi nhà chưa làm tròn vai trò của mình. Đặc biệt nhất là vai trò quản lý của nhà nước”. Tiến sĩ Sánh phân tích, 6 năm trước, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông thấp kém, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa nông sản. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Các quy hoạch về tổng thể vùng sản xuất nông nghiệp đến nay vẫn chưa có hoặc chưa được triển khai thực hiện. Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ thực thi Quyết định 80 như chính sách đất đai, chính sách pháp luật, chủ trương phát triển nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp... còn nhiều hạn chế, chậm đổi mới chưa đáp ứng với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới như hiện nay. Điển hình cụ thể như: nông dân vẫn còn sản xuất manh mún; tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong sản xuất nông nghiệp có nhưng trình độ, năng lực quản lý còn nhiều yếu kém; việc thu thập, cung cấp thông tin phục vụ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như định hướng trong nông nghiệp vẫn còn bỏ ngỏ; chính sách tín dụng trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập...

ĐỂ DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN CÙNG “TRẬN TUYẾN”

Ở TP Cần Thơ, một trong những điểm hình trong việc làm ăn có hiệu quả theo tinh thần Quyết định 80  là HTX nuôi các tra xuất khẩu Thới An. Trong năm 2008, thị trường cá tra nguyên liệu biến lớn khiến nhiều hộ nuôi cá thua lỗ, không còn khả năng tái đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, nuôi cá tra xuất khẩu ở HTX Thới An vẫn đảm bảo lợi nhuận và tiếp tục phát triển. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, cho biết: “Ngay từ khi mới thành lập, Ban Chủ nhiệm HTX đã xác định mối quan hệ giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp là mối quan hệ, mối liên kết máu thịt. Chính vì thế, chúng tôi luôn luôn giữ chữ tín, cùng chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp khi thị trường biến động; luôn luôn trao đổi, bàn bạc thống nhất quan điểm, chính sách, giá cả... đảm bảo hài hòa lợi ích lẫn nhau trong các hợp đồng ký kết. Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm HTX luôn chủ động tìm hướng đi, chủ động đối thoại với các đối tác cung cấp thức ăn, con giống, thuốc thú y thủy sản... để tìm hướng có lợi nhất cho việc phát triển của HTX”.

Công ty cổ phần Mekong cũng là một đơn vị có thâm niên trong việc gắn kết tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty, cho biết: “Đến nay, nhiều hợp đồng tiêu thụ, công ty vẫn còn phải ký kết và trực tiếp thu mua ở cấp độ nông hộ. Trong khi đó, nhiều kế hoạch, dự án đầu tư vào các tổ hợp tác, HTX theo hướng lâu dài không thực hiện được. Nguyên nhân: có khi do không được quan tâm của chính quyền địa phương, lúc thì khả năng điều hành, quản lý của các tổ, HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế”. Mặt khác, tình trạng nông dân bán lúa hàng hóa cho thương lái khi giá lúa trên thị trường tăng cao vẫn còn xảy ra. Điều này rất khó khăn trong việc bố trí nguồn nhân lực và kế hoạch phát triển của công ty.

Ngoài vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế TP Cần Thơ, cho rằng: Nhà nước nên xem xét chính sách hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất theo các mô hình HTX kiểu mới, hợp đồng cho thuê đất, hình thành công ty cổ phần nông nghiệp, giá trị vốn góp bằng đất... để sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa số lượng lớn, chất lượng đồng đều. Song song đó, việc phân cấp quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần phải được thực hiện; khuyến khích, hình thành thí điểm công ty cho thuê tài chính trong nông nghiệp; mở rộng các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân...

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, đề nghị: “Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, điều chỉnh những thể chế, chính sách gắn kết “bốn nhà”, tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động sản xuất, phát triển nông nghiệp; đồng thời cung cấp thông tin thị trường một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời... Những vấn đề này được thực hiện, chắc chắn doanh nghiệp, nông dân sẽ có nhiều cơ hội gắn kết phát triển trong tình hình mới”.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết