25/04/2023 - 10:55

Doanh nghiệp ngành xây dựng tiếp tục gặp khó 

Dự báo xu hướng kinh doanh quý II-2023, trong tổng số 4.974 doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng tham gia điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh, có đến 33,8% DN dự báo sẽ khó khăn hơn. Số hợp đồng mới giảm, trong khi vay vốn sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó, nếu không có giải pháp căn cơ.

Khó khăn kéo dài

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2022, số DN ngành xây dựng hoàn tất thủ tục giải thể và ngừng kinh doanh có thời hạn đều tăng so với năm 2021. Cụ thể, DN giải thể là 1.658 DN, tăng 2,3% (năm 2021, DN giải thể là 1.621); DN ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 40% so với năm 2021 (năm 2022 có 10.645 DN ngừng kinh doanh có thời hạn). Khó khăn kéo dài đến quý I-2023, số DN giải thể và ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng, lần lượt là tăng 2,9% và 23,4% so với quý I-2022 (có 6.107 DN ngừng kinh doanh có thời hạn và 386 DN giải thể). Cũng trong quý I-2023, DN ngành xây dựng hoàn thành chưa tới 10% kế hoạch năm, trong khi thường kỳ ít nhất đạt trên 18% kế hoạch năm. Điều này cho thấy, khó khăn mà DN ngành xây dựng đã kéo dài từ năm 2022 đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II-2023 của Tổng cục Thống kê, so với quý I, chỉ 27,4% DN dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, 38,8% giữ ổn định và 33,8% dự báo khó khăn hơn. Mặc dù chỉ số cân bằng chung quý II so với quý I năm nay (-6,4%) đã cải thiện hơn so với quý IV-2022 (-14,1%) và đat mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, nhưng sự phục hồi của DN ngành xây dựng diễn ra chậm chạp và có xu hướng chững lại do các tác động từ bên trong, bên ngoài.

Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý I-2023 so với quý IV-2022 là -33,1% (13,6% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng, 46,7% DN nhận định giảm). Chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới quý II-2023 so với quý I-2023 dự báo khả quan hơn với -8,2% (24,7% DN dự báo số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng; 32,9% DN dự báo giảm)…

Bên cạnh đó, các biến động đầu vào về lao động, chi phí sản xuất (nguyên vật liệu, nhân công), năng lực hoạt động… cũng ảnh hưởng lớn đến nhận định xu hướng kinh doanh của DN. Cụ thể, năng lực hoạt động của DN quý I-2023, có 24,1% DN tham gia điều tra cho biết hoạt động dưới 50% năng lực thực tế của DN; 34,1% hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế; 25,4% hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 14,2% DN hoạt động từ 90 đến 100%; chỉ 2,2% DN hoạt động trên 100% năng lực thực tế của DN. Về chi phí sản xuất quý II so với quý I, có 49,1% DN dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 36,3% dự báo không đổi và 14,6% dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó có ngành xây dựng. Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắm, DN thiếu vốn hoạt động… đã bủa vây DN. Thêm vào đó, “độ trễ” của các chinh sách hỗ trợ và khó tiếp cận nguồn hỗ trợ cũng đẩy DN vào tính thế khó khăn hơn trước khi có đại dịch COVID-19.

Giải quyết các nhu cầu cấp thiết

Trong quý I-2023 có đến 75,2% DN vay vốn sản xuất kinh doanh; trong đó có đến 83,4% DN vay vốn từ ngân hàng. Nhưng trong số DN vay vốn ngân hàng chỉ có 23,2% DN tiếp cận được các khoản vay ưu đãi, có đến 76,8% DN không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Dự báo quý II so với quý I-2023, có 16% DN nhận định tình hình vay vốn thuận lợi hơn; 51,3% cho rằng không thay đổi và 32,7% nhận định khó khăn hơn.   

Kết quả điều tra cũng cho thấy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN ngành xây dựng. Trong đó, giá nguyên vật liệu tăng cao, không có hợp đồng xây dựng mới, thiếu vốn, nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, năng lực cạnh tranh hạn chế… là các yếu tố ảnh hưởng lớn đến DN ngành xây dựng. Quý I, có tới 56,4% DN xây dựng cho biết yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” và 51,8% DN cho rằng “không có hợp đồng xây dựng mới” tác động mạnh đến hoạt động của ngành. Sang quý II, 2 yếu tố này dù có giảm (dự báo lần lượt là 51,2% và 43%) nhưng DN vẫn cần chính sách hỗ trợ dài hơi hơn để tạo động lực phục hồi tốt hơn cho ngành.

Với những khó khăn đang gặp phải, 51,9% DN ngành xây dựng dề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh (vay vốn ưu đãi, thủ tục vay thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay); 49,7% DN đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu (đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá nguyên vật liệu). Cạnh đó, 35,7% DN đề nghị thông tin đấu thầu công khai, minh bạch; 32% DN đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; 22,1% DN đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để DN quay vòng vốn sản xuất kinh doanh; 21,1% DN đề nghị được bàn giao mặt bàng đúng tiến độ nhằm đảm bảo thời gian thi công theo hợp đồng ký kết.

Ngoài ra, DN cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tháo gỡ các thủ tục liên quan đến bất động sản, giảm thuế thu nhập DN, giãn thuế, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các hợp đồng mới hiệu quả hơn. Khi các chính sách hỗ trợ triển khai và thực thi đồng bộ sẽ góp phần gỡ khó cho ngành xây dựng và cũng tác động tích cực đến công tác giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản, thúc đẩy sự phát triển.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết